Cảnh báo "ác mộng" S-400 sớm hoành hành, Mỹ loay hoay tìm cách "vừa đấm vừa xoa" Thổ Nhĩ Kỳ?

Quốc Vinh |

Mỹ đang lo ngại S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm nay, mặc dù Ankara từng tuyên bố sẽ chỉ kích hoạt vũ khí Nga vào năm 2020. Điều này khiến Washington tức tốc đưa ra lệnh trừng phạt mới.

Cảnh báo ác mộng S-400 sớm hoành hành, Mỹ loay hoay tìm cách vừa đấm vừa xoa Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Mỹ dự báo S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoạt động sớm trong năm nay.

Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng, hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được kích hoạt và tiến hành giám sát máy bay trong khu vực, mặc dù Ankara từng tuyên bố vũ khí tiên tiến mà nước này mua từ Nga sẽ chỉ đi vào hoạt động từ năm 2020.

"Chúng tôi dự đoán S-400 sẽ hoạt động hoàn toàn vào cuối năm nay", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí, Ellen Lord nói với các phóng viên trong cuộc họp ngắn tại Lầu năm Góc hôm 29/10.

Bất chấp nhiều tháng đàm phán để giải quyết tranh cãi S-400, ông Lord cho biết quá trình loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 vẫn đang đi đúng hướng.

Tiến vào quỹ đạo

Trước những bất ổn liên tục trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, giới chính trị ở Washington dường như đã không còn coi Ankara là đồng minh. Thay vào đó, họ nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã kiên quyết tiến vào quỹ đạo của Moscow, theo Asia Times.

Thỏa thuận gần đây giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin về việc thiết lập một khu vực an toàn dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ dài 400 km - được quân cảnh Nga và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra - chỉ càng xác nhận thêm điều này trong tâm trí họ.

Thỏa thuận vốn được truyền thông ca tụng là chiến thắng lớn cho Nga và Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời là tổn thất khổng lồ cho Washington và đồng minh người Kurd.

Chính vì điều này, đang ngày càng có thêm sự ủng hộ pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong Quốc hội Mỹ.

Thái độ chống Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng ở Washington, không chỉ vì cuộc tiến công của ông Erdogan ở Syria mà còn vì việc Thổ Nhĩ Kỳ cố chấp mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Mặc dù đã có những lời cảnh báo về việc các lệnh trừng phạt mới sẽ chỉ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn vào vòng tay của Nga, hầu hết giới nghị sĩ Mỹ đều cho rằng Ankara thực sự đã trở thành liên minh với Nga từ lâu. Vì vậy, việc tăng cường trừng phạt lúc này sẽ không bị vướng mắc bởi lý do gì.

Có những quan điểm cho rằng, giới chính khách Washington coi thứ duy nhất mà nhà lãnh đạo Erdogan chịu nhún nhường là các biện pháp ngoại giao cưỡng chế được hỗ trợ bởi một "cây gậy lớn".

Tuy nhiên, cây bút Omer Taspinar của Asia Times khẳng định, Mỹ cần phải có các biện pháp trừng phạt "thông minh" và hợp lý, nếu không muốn "gậy ông đập lưng ông".

Theo đó, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ sẽ gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn người dân. Sự sụt giảm của đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra lạm phát nhiều hơn, phá sản nhiều hơn và chắc chắn thất nghiệp cũng nhiều hơn.

Tổng thống Erdogan có khả năng khai thác sự phẫn nộ đến từ nền kinh tế yếu kém trong nước để kích động chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và chủ nghĩa chống Mỹ.

Trừng phạt thông minh

Cảnh báo ác mộng S-400 sớm hoành hành, Mỹ loay hoay tìm cách vừa đấm vừa xoa Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nên giữ thể diện cho Tổng thống Erdogan.

Câu hỏi đặt ra đối với Mỹ hiện tại là: Có cách nào để làm tổn thương chính quyền Erdogan mà không làm tổn thương người dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như lợi ích riêng của nước Mỹ?

Trong những năm qua, Mỹ đã mang đến tràn ngập các lệnh trừng phạt mà không đạt được bất cứ hiệu quả gì tích cực. Nhưng hiện nay có rất nhiều minh họa về cách trừng phạt "thông minh hơn", có thể nhắm vào các ngành và quan chức cụ thể, thay vì cả xã hội nói chung.

Vì vậy, thay vì nhắm các mục tiêu ở quy mô lớn và không xác định, các lệnh trừng phạt của Mỹ nên được liên kết rõ ràng với các ban ngành và cá nhân cụ thể, kèm theo yêu cầu mà Washington đưa ra.

Xét trong bối cảnh hiện tại, Mỹ cần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga; cam kết đảm bảo không có sự thanh trừng người Kurd nào ở Syria và cam kết đảm bảo không có tội ác chiến tranh nào xảy ra tại đây.

Tuy nhiên, cây bút Omer Taspinar lưu ý, những "lằn ranh đỏ" như vậy nên được kết hợp với các điều kiện đáp lại để "giữ thể diện" cho Tổng thống Erdogan.

Theo đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận các yêu cầu của Mỹ cần được đổi lại bằng việc nước này được phép quay trở lại chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35; được hỗ trợ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và mở đường cho một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Ngoại giao cưỡng chế thường là nghệ thuật tìm sự cân bằng giữa "cây gậy và củ cà rốt" - một chính sách "toàn gậy mà không có cà rốt" thường sẽ chỉ thất bại.

Do đó, Mỹ cần phải khiến cho chính quyền Tổng thống Erdogan cảm nhận được áp lực, nhưng cũng phải đưa cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ danh sách các lựa chọn khiến ông có thể hài lòng, cây bút Taspinar kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại