Ông Bùi Văn Tưởng (người có kinh nghiệm 5 năm làm rươi ở xã Tú Xuyên) cho biết, đầm tại đây phụ thuộc vào con nước lên/xuống của thủy triều, vì vậy khi đến dịp thu hoạch, người dân canh nước, tháo cống rồi dùng lưới chặn bắt rươi dễ dàng. Nước chảy, rươi sẽ theo con nước di chuyển và chui vào túi lưới, người dân chỉ việc đưa hàng chục kg rươi từ trong túi ra.
Rươi là đặc sản theo mùa chỉ có ở miền Bắc. Đây là loại giun sinh sống dưới nước, con trưởng thành dài từ 7 đến 10 cm, bề ngang khoảng 5- 0,6 cm, thân mình dẹp có màu hồng, xanh nhạt...
Rươi sống dưới bùn đất trong lớp bùn đáy sông hoặc trong các ruộng nước. Môi trường sống thích hợp là nước lợ. Rươi chỉ nổi nhiều, tập trung nhất vào ngày 20/9 và 5/10 âm lịch mỗi năm.
Từ rươi, người ta chế biến ra được khá nhiều món ăn như chả rươi, mắm rươi, rươi nấu riêu, rươi xào củ niễng, kho, hấp…
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, rươi cung cấp giá trị dinh dưỡng cho cơ thể người không kém gì thịt bê non. Rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng như canxi, photpho, sắt, kẽm… có ích cho cơ thể người.