Tiêm kích tàng hình F-35 suýt tan xác: Phi công Mỹ cần "thần kinh thép" trước khi bay?

Hoài Giang |

Chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ của phi công Larson đã gặp một loạt sự cố liên quan tới các hệ thống cung cấp dưỡng khí, điều áp, thông tin liên lạc và cả hệ thống hạ cánh.

Không quân Mỹ được cho là rất nghiêm ngặt trong việc huấn luyện phi công, từ huấn luyện ban đầu đến nâng cao trình độ thực hiện nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành các huấn luyện kể trên, phi công tiếp tục phải rèn luyện các kỹ năng quan trọng khi bay, chiến đấu và đề phòng rủi ro.

Tuy nhiên đối với các học viên phi công điều khiển máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và tiêm kích F-16 thế hệ 4 trong Không đoàn số 56 tại Căn cứ Luke (AFB) họ còn được đào tạo để "tối ưu hóa hiệu suất" con người về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Chương trình Tăng cường và Duy trì Chiến thuật (FiTSS) một phần trong khóa huấn luyện cơ bản dành cho máy bay F-16 và F-35 để phi công có thể đối phó với căng thẳng khi bay và với tình huống khẩn cấp.

Vào tháng 5/2019, FiTSS được cho là đã cứu một chiếc F-35 và phi công điều khiển nó, Đại úy Robert Larson, học viên Phi đội chiến đấu 61 trước một "tình huống khẩn cấp" khi đang huấn luyện trên F-35 Lightning II.

Tiêm kích tàng hình F-35 suýt tan xác: Phi công Mỹ cần thần kinh thép trước khi bay? - Ảnh 1.

Buồng lái của F-35 với một loạt màn hình hiển thị thông số kết xuất từ dữ liệu của các máy tính phụ trách từng hệ thống trên máy bay.

Vào thời điểm gặp sự cố, chiếc F-35 do Larson điểu khiển đang độ cao khoảng 10.000 mét, và "đột nhiên mọi thứ trở nên thực sự yên tĩnh", Larson nhớ lại. "Tôi đã cố gắng gọi cho những người hướng dẫn chuyến bay và nhận ra rằng không thể liên lạc với bất kỳ ai".

"Vào thời điểm đó tôi bắt đầu hạ thấp độ cao và vung cánh để thông báo cho những người hướng dẫn rằng hệ thống liên lạc của máy bay đã gặp sự cố.

Kiểm tra sâu hơn, tôi phát hiện ra một trong những máy tính chịu trách nhiệm cung cấp dưỡng khí, hệ thống điều áp và thông tin liên lạc đã gặp sự cố".

Larson được cho là đã khôi phục liên lạc với người hướng dẫn để thông báo về tình huống hiện tại và quyết định quay trở lại căn cứ.

Nhưng khi kiểm tra trước hạ cánh, Larson lại phát hiện thêm một sự cố liên quan tới hệ thống hạ cánh có khả năng sẽ khiến hệ thống hỏng ngay khi chạm đất.

"Vào thời điểm đó, tôi đã lên kế hoạch rằng nếu hệ thống hạ cánh hỏng thì tôi sẽ phóng ra bằng ghế phóng. May mắn thay, điều đó đã không xảy ra và tôi đã có thể đưa máy bay an toàn đến cuối đường băng và máy bay chờ đợi đội bảo trì ở đó".

Larson đã thành công nhờ khả năng giữ "một cái đầu lạnh" trong trường hợp khẩn cấp, và quá trình huấn luyện tâm lý và thể chất đã giúp anh chuẩn bị cho bất kỳ sự cố nào.

Trong khi những máy bay chiến đấu tiên tiến như F-35 gặp sự cố nghiêm trọng là khá hi hữu còn đối với Larson, sự cố đã được giải quyết không chỉ bởi kiến ​​thức về các hệ thống trên máy bay phản lực mà còn là khả năng đánh giá tình hình với sự điềm tĩnh của phi công.

F-35 bay thấp tại căn cứ Edwards, California.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại