Bỏ tiền thuê toàn bộ một hòn đảo trong 75 năm khiến cư dân bản địa sốc và sợ hãi: Mục đích của TQ là gì?

Thủy Thu |

"Trung Quốc không thể đến đây và thuê toàn bộ hòn đảo như thế", một chủ doanh nghiệp trên đảo Tulagi, đang tham gia soạn thảo bản kiến ​​nghị phản đối thỏa thuận với Bắc Kinh nói.

Trung Quốc tiếp cận Nam Thái Bình Dương

Trong thời kỳ người Anh kiểm soát Thái Bình Dương, đảo Tulagi từng là trụ sở chiến lược cho Anh ở vùng biển này. Sau đó, Nhật Bản thống trị khu vực này, Tulagi lại trở thành trụ sở chiến lược Thái Bình Dương của Nhật Bản. Trước Thế chiến thứ II, nó là thủ phủ của Quần đảo Solomon. Trong thời kỳ Thế chiến thứ II, bến cảng nước sâu tự nhiên giữa hòn đảo này và đảo Guadalcanal đã biến nó thành một viên ngọc quân sự.

Giờ đây, Trung Quốc đang tiếp cận Tulagi.

Theo một thỏa thuận bí mật được ký vào tháng trước với chính quyền tỉnh ở quốc đảo Nam Thái Bình Dương, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh - có liên quan với chính phủ Trung Quốc - đã giành được quyền độc quyền để phát triển toàn bộ hòn đảo và các khu vực lân cận, The New York Times (Mỹ-NYT) cho biết.

Thỏa thuận cho thuê đã khiến người dân Tulaji sốc nặng và cũng khiến các quan chức Mỹ lo ngại bởi họ cho rằng chuỗi đảo Nam Thái Bình Dương có vai trò vô cùng quan trọng để ngăn chặn sự mở rộng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến đường huyết mạch trên biển.

Bỏ tiền thuê toàn bộ một hòn đảo trong 75 năm khiến cư dân bản địa sốc và sợ hãi: Mục đích của TQ là gì? - Ảnh 1.

Người dân đảo Tulagi trèo thuyền trên biển. Ảnh: LEON SCHADEBERG/SHUTTERSTOCK

NYT nhận định, đây là ví dụ mới nhất về lời hứa sẽ theo đuổi khát vọng toàn cầu với cam kết thịnh vượng của Trung Quốc, nhưng thường bằng cách chuyển tiền cho chính phủ bản địa và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng địa phương, mà các nhà phê bình gọi là bẫy nợ cho các nước đang phát triển. .

"Địa lý nói với mọi người rằng hòn đảo nằm ở một vị trí tốt", bà Anne-Marie Brady, một học giả người Trung Quốc tại Đại học Canterbury ở thành phố Christchurch, New Zealand cho biết. "Trung Quốc đang mở rộng tài sản quân sự sang khu vực Nam Thái Bình Dương và đang tìm kiếm các cảng biển thân thiện và sân bay thân thiện, giống như các cường quốc đang trỗi dậy khác trong quá khứ".

Theo NYT, tham vọng của Bắc Kinh tại Nam Thái Bình Dương có những hậu quả về kinh tế, chính trị và quân sự khó lường.

Cư dân đảo quốc sốc và tức giận

Khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên khiến Mỹ-Australia lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc. Hai nước lo lắng rằng các dự án này có thể tạo điện giúp Bắc Kinh xác lập chỗ đứng quân sự từ hạm đội tàu chiến, máy bay cho đến hệ thống định vị toàn cầu.

Trung Quốc cũng đang cố gắng chấm dứt vị thế như một thành trì ngoại giao của Đài Loan ở khu vực này. Chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận Tulagi đạt được, Quần đảo Solomon đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Một đảo quốc khác ở Thái Bình Dương, Kiribati, cũng theo gương Quần đảo Solomon trong cùng một tuần.

Thậm chí so với các thỏa thuận phát triển trước đây của Trung Quốc đã ký tại các quốc gia lân cận - bao gồm thỏa thuận về một cầu cảng ở Vanuatu, điều khoản này phải sau nhiều năm mới được công bố, thỏa thuận phát triển Tulagi rất đáng chú ý về cả phạm vi và sự minh bạch.

Giành được hợp đồng thuê 75 năm có thể tiếp tục được gia hạn là China Sam Enterprise Group, được thành lập năm 1985 và là một tập đoàn doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

NYT có trong tay bản sao Thỏa thuận hợp tác chiến lược Trung Quốc-Tulagi, được hai nguồn tin thân cận xác nhận độ chính xác, cho thấy tham vọng gần đây của China Sam và giống như bản thỏa thuận với Vanuatu về khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng kép quân sự-dân sự.

Bỏ tiền thuê toàn bộ một hòn đảo trong 75 năm khiến cư dân bản địa sốc và sợ hãi: Mục đích của TQ là gì? - Ảnh 2.

Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đón tiếp Thủ tướng Quần đảo Solomon vào tuần trước. Ảnh: AP

Được ký vào ngày 22/9, thỏa thuận bao gồm các điều khoản cho một cơ sở thủy sản, một trung tâm vận hành và xây dựng hoặc cải tạo sân bay. Mặc dù trữ lượng dầu khí và khí thiên nhiên của Quần đảo Solomon chưa được xác nhận nhưng thỏa thuận cũng đề cập China Sam quan tâm đến việc xây dựng một cảng dầu khí.

Thỏa thuận nêu rõ rằng chính quyền sẽ cho thuê toàn bộ đảo Tulaji và tất cả các đảo xung quanh trong tỉnh để phát triển "đặc khu kinh tế hoặc bất kỳ ngành công nghiệp nào khác phù hợp cho mọi sự phát triển".

Phóng viên NYT hiện không thể liên lạc được với ông Stanley Maniteva, Thống đốc tỉnh đã ký thỏa thuận này. Trước đó, trong một cuộc họp báo gần đây, ông cho hay, thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thành và sẽ dựa trên sự tôn trọng pháp luật và quyền sở hữu đất đai.

"Tôi muốn làm rõ rằng, thỏa thuận này chưa được đóng dấu, vì vậy đây vẫn không phải là văn bản chính thức cuối cùng", ông nói.

Nhưng nhiều cư dân của Tulagi, một hòn đảo có hơn 1.000 người, tức giận cho rằng, chữ ký trên bản thỏa thuận chứng tỏ đây là thỏa thuận có thật.

"Họ không thể đến đây và thuê toàn bộ hòn đảo như thế", ông Michael Salini, một chủ doanh nghiệp 46 tuổi trên đảo Tulagi, người đang tham gia soạn thảo bản kiến ​​nghị phản đối thỏa thuận với Trung Quốc.

"Tất cả mọi người đều rất sợ hãi về khả năng Trung Quốc biến hòn đảo thành một căn cứ quân sự", ông nói thêm. "Đó là điều thực sự khiến mọi người sợ hãi - nếu không tại sao họ lại muốn thuê toàn bộ hòn đảo?".

Mỹ vẫn còn cơ hội can thiệp

Các cơ sở quân sự luôn có ý nghĩa chiến lược và biểu tượng. Một số quan chức Mỹ nhận định, những nỗ lực của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã lặp lại tình hình trước Thế chiến II và trong Thế chiến thứ II. Nhật Bản đã giành quyền kiểm soát các hòn đảo có giá trị này trước Thế chiến II, sau đó là Mỹ và Australia.

Nhưng đây cũng là một vấn đề khả thi: Trung Quốc sẽ có những vị trí giá trị và có lợi. Theo chính sách Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donal Trump, Mỹ đang rút khỏi nhiều nơi trên thế giới trong khi Bắc Kinh lại đang mở rộng việc tiếp cận những khu vực này.

Bỏ tiền thuê toàn bộ một hòn đảo trong 75 năm khiến cư dân bản địa sốc và sợ hãi: Mục đích của TQ là gì? - Ảnh 3.

Thủ tướng Australia Scott Morrison từng đi "du thuyết" Quần đảo Solomon vào đầu năm nay. Ảnh: ABC

Một số quan chức Mỹ và Quần đảo Solomon lo ngại các công ty Bắc Kinh sẽ sử dụng các hình thức thiếu minh bạch như hối lộ tiền và quà tặng để lôi kéo quan hệ với chính khách bản địa.

"Dù là chính trị hay kinh tế, điều khiến tôi lo lắng là Trung Quốc sẽ sử dụng hình thức can thiệp này sẽ lôi kéo giới tinh hoa", Jonathan Pryke, chuyên gia về vấn đề đảo quốc Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Lowy nói.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng này. Trong bức ảnh được chụp trong chuyến thăm, ông mỉm cười với giám đốc điều hành của China Sam.

Chuyến thăm này đã mang đến một tin vui cho Bắc Kinh. Trước đó, Australia và Mỹ đã cố gắng thuyết phục Quần đảo Solomon tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan nhưng việc này thất bại.

Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đến thăm Quần đảo Solomon vào tháng 6 năm nay, chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Australia trong một thập kỷ. Ông đã công bố một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 250 triệu đô la Australia (khoảng 168 triệu USD), tài trợ trong vòng 10 năm.

Phó Tổng thống Mike Pence cũng kêu gọi Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare giữ quyết định về Đài Loan, cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng và lên kế hoạch cho một cuộc thảo luận trực tiếp vào tháng 9 tại cuộc họp ở Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, ông Sogavare sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan và ông Pence đã hủy cuộc họp.

Tuy nhiên, một số ý kiến ​​cho rằng Mỹ có thể vẫn tiếp tục ủng hộ đất nước này.

"Vẫn chưa quá muộn để tham gia cuộc chơi này", ông Phillip Tagini, cố vấn cho Thủ tướng Quần đảo Solomon giữa năm 2012-2015 nói. "Ở giai đoạn này, chúng tôi chưa có kinh nghiệm bắt tay với Trung Quốc, không thể nói rằng chúng tôi có thể tin tưởng họ".

Nhưng những tác động hữu hình từ thỏa thuận của Trung Quốc đang được lan rộng, một số quan điểm cho rằng, ảnh hưởng này có thể thuyết phục được cả những ý kiến hoài nghi.

"Sự thật là người dân ở Quần đảo Solomon sẽ thấy cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng. Khi họ thấy những điều này xảy ra, họ sẽ nói: 'Wow, đây là những gì chúng tôi đã chờ đợi'," ông Tagini nói. "Nếu người Mỹ muốn đến, họ cần chọn những nơi có thể nhìn thấy ảnh hưởng của họ. Ảnh hưởng của họ cần được nhìn thấy."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại