Diplomat: "Cơn khát" thịt lợn là nguyên nhân buộc Trung Quốc nhượng bộ ký thỏa thuận với Mỹ

Minh Khôi |

Đằng sau tín hiệu dường như tích cực từ thỏa thuận "giai đoạn 1" giữa Mỹ - Trung, là động lực chính cho thỏa thuận: Trung Quốc cần nhập khẩu thịt lợn.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã công bố một thỏa thuận thương mại, trong đó Washington hoãn việc tăng thuế còn Trung Quốc đồng ý mua một số sản phẩm nông nghiệp trị giá 40 đến 50 tỷ USD, bao gồm cả thịt lợn.

Đằng sau tín hiệu phát triển dường như tích cực này, thị trường tài chính tăng điểm: chỉ số Dow Jones tăng khoảng 320 điểm hay 1,21%. Tổng thống Trump đã gọi thỏa thuận này là "giai đoạn 1" của một hiệp định thương mại lớn hơn, nhưng đằng sau những lời hoa mỹ tăng vọt là động lực chính cho thỏa thuận: Trung Quốc cần nhập khẩu thịt lợn.

Sự thật là trước khi có thỏa thuận, lượng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ của Trung Quốc đã tăng lên. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã nhập khẩu gấp 3 lần từ 23,4 đến 93,4 triệu pound từ tháng 1/2019 đến tháng 8/2019, với lượng nhập khẩu nói chung tăng trong suốt giai đoạn này.

Việc nhập khẩu tăng là do dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc. Dịch tả lợn châu Phi dễ lây lan đến mức ngân hàng Rabobank của Hà Lan dự đoán Trung Quốc có thể mất 20-70% đàn lợn trong nước trong năm nay, có khả năng khoảng 350 triệu con lợn hoặc một phần tư số lợn thế giới.

Để ngăn chặn lây lan, hơn 1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy. Dịch bệnh này đã ảnh hưởng đến gần một nửa lượng lợn tiêu thụ hàng năm của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Vì vậy, giá thịt lợn Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm là 28 Nhân dân tệ (3,96 USD) mỗi kg, tăng 47% so với tháng 8 năm ngoái; Rabobank dự đoán rằng giá thịt lợn có thể tăng lên hơn 30 - 40 Nhân dân tệ mỗi kg. Hơn nữa, giá lợn tăng đẩy lạm phát thực phẩm lên gần 10%.

Trên thực tế, Trung Quốc là nước tiêu thụ lợn lớn nhất thế giới, nhiều hơn năm khu vực tiếp theo (EU, Mỹ, Nga, Brazil, Việt Nam) cộng lại.

Việc chi phí thịt lợn tăng lên đã tạo ra sự thất vọng đối với người dân. Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp để đối phó với tình trạng thiếu lợn này. Nhà nước đã bán đấu giá 10.000 tấn từ nguồn dự trữ của nhà nước để đối phó với nguồn cung sụt giảm, tăng giá, trợ cấp cho việc thành lập trang trại mới, xóa bỏ phí vận chuyển lợn sống và thịt lợn đông lạnh cho đến tháng 6 năm sau, và kêu gọi các nhà cho vay tài trợ cho chăn nuôi lợn.

Trung Quốc thậm chí đã thử nghiệm nhân giống lợn mới, cho lượng thịt lớn hơn nhiều lần so với thông thường, hơn 1.100 pounds hoặc lớn như gấu bắc cực, để cải thiện sự thiếu hụt.

Đối mặt với thách thức này, người Trung Quốc không còn cách nào khác là phải nhập khẩu để giảm bớt sự thiếu hụt.

Và Mỹ là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Vì vậy, việc đưa ra sự nhượng bộ để mua thịt lợn không chỉ giúp ích cho cuộc khủng hoảng lợn nội địa Trung Quốc mà còn tạo ra thiện chí cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai, nhà phân tích kinh tế Andy Law nói với Diplomat.

Hiện nay, sau các lần tăng thuế vào tháng 4 và tháng 7/2018 và tháng 9 năm nay, mức thuế Trung Quốc áp lên thịt lợn Mỹ là 72%. Vì vậy, việc sẵn sàng nhập khẩu một lượng ngày càng tăng trong năm, tự nguyện gánh chịu mức "sưu cao thuế nặng", phải thừa nhận rằng Trung Quốc nhượng bộ nhượng quyền mua lợn không phải chủ yếu là thiện chí mà còn là điều bắt buộc.

Mặc dù vẫn sẽ có một thỏa thuận thương mại lớn, nhưng các vấn đề dài hạn như tiền tệ và sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, động thái mua thêm thịt lợn của Trung Quốc không nên được xem như một tín hiệu tích cực cho sự tiến bộ giữa 2 nước về mặt thương mại trong tương lai, ông Andy Law cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại