Nga thắng lợi vang dội ở Syria: Mỹ chưa bao giờ bị "sỉ nhục" đến thế kể từ chiến tranh VN

Tú Anh |

Kể từ khi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, chưa khi nào nước Mỹ lại bị sỉ nhục đến như vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin biết rằng ông phải rất thực tế và cẩn trọng ở Syria.

Một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút các lực lượng quân sự Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bình thản tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 67 của mình. Đó là một ngày mùa Thu rất đẹp ở khu rừng sinh thái Siberia.

Còn gì lý tưởng hơn khi ông Putin ung dung tận hưởng những giây phút yên bình bên thiên nhiên hoang dã trong khi người đồng cấp Donald Trump đang phải đối diện với những chỉ trích gay gắt từ cả chính giới và công luận Mỹ vì đã "phản bội đồng minh người Kurd ở Syria".

Từ một quốc gia bị sỉ nhục ở Kosovo...

20 năm chỉ đạo đường lối đối ngoại Nga đã tích lũy cho Tổng thống Putin đủ bề dày kinh nghiệm để ông biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo.

Ông Putin lên giữ chức Thủ tướng vào tháng 8/1999 khi nước Nga còn là một quốc gia rất khác so với ngày nay. Cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc đã đẩy Liên bang Nga rơi vào tình cảnh hỗn loạn: các nước cộng hòa tan rã, kinh tế suy thoái, xung đột và khủng bố diễn ra thường xuyên.

Cuộc khủng hoảng Kosovo tháng 6/1999 là thời khắc quan trọng chứng kiến sự trỗi dậy của ông Putin.

Khi Nga điều lực lượng tới sân bay ở Kosovo để ngăn chặn Mỹ và NATO, ông Putin đang giữ chức Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Đó chỉ là màn phô diễn lực lượng hạn chế nhưng nó cho thấy nước Nga đã không còn cam chịu cảnh bị bỏ lại phía sau và không thể mãi đứng nhìn các đồng minh truyền thống bị bắt nạt và sỉ nhục.

Từ sau sự kiện ở Kosovo năm 1999, ông Putin đã quyết tâm khôi phục lại vị thế cường quốc của Nga trên trường quốc tế. Ông đã hành động một cách chậm rãi nhưng đầy mạnh mẽ và quyết đoán.

Bước chuyển mình này bắt đầu từ cuộc chiến Chechen lần thứ hai và cuộc chiến ở Georgia năm 2008. Nga đã khôi phục lại sức mạnh quân sự của mình, hiện đại hóa các đơn vị vũ trang, đặc biệt là lực lượng đặc nhiệm và lính dù.

Tiếp đến là sự kiện sáp nhập Bán đảo Crimea và can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Cũng chính trong thời điểm này, Nga chủ động tham gia vào cuộc chiến ở Syria.

Nga thắng lợi vang dội ở Syria: Mỹ chưa bao giờ bị sỉ nhục đến thế kể từ chiến tranh VN - Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm căn cứ Không quân Khmeimim tại Syria tháng 6/2016. Ảnh: Sputnik

... tới nước thiết lập cuộc chơi ở Syria

Rất nhiều người cho rằng Nga sẽ trả đũa quân sự Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của họ vào tháng 11/2015. Thế nhưng Nga đã không làm điều đó. Ông Putin đã rất thức thời.

Thay vì đáp trả, Nga chọn cách thiết lập quan hệ đối tác với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với kết quả cụ thể là một đường ống dẫn dầu được ký kết.

Sau đó, Moscow tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ankara giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Trong tiến trình này, Nga đã ký thành công hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara từ chỗ là đối thủ của Nga trong cuộc chiến ở Syria, giờ đây đã trở thành đối tác.

Là một phần trong thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đồng ý để cho Ankara tiếp quản Afrin ở Tây Bắc Syria vào tháng 1/2018. Mục tiêu của Moscow là làm suy yếu quan hệ giữa Mỹ với Các đơn bị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Tuy nhiên, điều đó chưa phát huy hiệu quả ngay. Nga cần thêm thời gian.

Mục tiêu của Nga là đánh bật Mỹ ra khỏi Syria. Dưới thời chính quyền Donald Trump, Mỹ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết". Vì vậy, Nga đã kiên nhẫn chờ đợi với lập luận rằng, cho tới khi nào Mỹ còn tự cô lập chính mình thì chẳng có lý do gì mà không can thiệp khi đối thủ của mình mắc sai lầm.

Nga thắng lợi vang dội ở Syria: Mỹ chưa bao giờ bị sỉ nhục đến thế kể từ chiến tranh VN - Ảnh 3.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tiến về biên giới Syria. Ảnh: AP

Nga đã chờ đợi và củng cố ảnh hưởng cho riêng mình. Họ hợp tác chặt chẽ hơn với Hy Lạp trong vấn đề Libya, đẩy mạnh các cuộc thảo luận với Iraq, Saudi Arabia và Israel. Mỗi bước đi, Nga đều tìm cách thu hút đồng minh của Mỹ về phía mình.

Quyết định rút quân của Tổng thống Trump vừa qua có thể khiến Nga có đôi chút bất ngờ. Tuy nhiên, Moscow đã thảo luận với Ankara, ít nhất là từ cuối tháng 7/2019, về các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch ở Đông Bắc Syria nhằm thiết lập một khu vực để nước này kiểm soát cộng đồng người Kurd tại đây.

Chi tiết các cuộc thảo luận này không được tiết lộ nhưng điều rõ ràng có thể thấy ở đây là Nga, nước từng giữ mối liên hệ gần gũi với một số nhóm lãnh đạo người Kurd ở Đông Syria, đã xem Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn chính phủ đồng minh Damascus quay trở lại nắm quyền ở Đông Syria.

Moscow hiểu rằng, ngày nay vai trò mà họ đang nắm giữ ở Đông Syria cũng giống như những gì NATO từng làm ở sân bay Pristina tại Kosovo năm 1999. Chính Nga là nước sẽ quyết định kịch bản nào sẽ diễn ra sau các cuộc thảo luận với Ankara, Damascus và giới lãnh đạo người Kurd.

Theo một số nguồn tin, các cuộc thảo luận với người Kurd đã diễn ra tại Căn cứ không quân Khmeimim ở Tây Bắc Syria, địa điểm biểu tượng cho quyền lực Nga tại quốc gia Trung Đông này. Kết quả thảo luận cho thấy, chính phủ Syria sẽ trở lại nắm giữ một số vùng ở Đông Syria và Nga có thể cũng sẽ hiện diện tại đây.

Liệu rằng Nga có đang chuẩn bị triển khai tới đây các lính dù, một số đơn vị đặc nhiệm hay quân cảnh nào đó như cách họ đã làm ở Nam Syria khi Chính phủ Syria tái chiếm địa bàn này vào mùa Hè năm 2018?

Đến thứ Hai vừa rồi (14/10), các kế hoạch vẫn đang được hoạch định do Nga còn chờ xem Mỹ sẽ rời đi như thế nào và giải quyết thỏa thuận giữa SDF và chính phủ Syria.

Nga thắng lợi vang dội ở Syria: Mỹ chưa bao giờ bị sỉ nhục đến thế kể từ chiến tranh VN - Ảnh 5.

Lính quân đội Syria tại thị trấn Tel Tamer ở Đông Bắc Syria. Ảnh: Reuters

Moscow không thể không mường tượng được ra tương lai tốt đẹp phía trước. Hơn 100.000 chiến binh SDF do Mỹ huấn luyện, trang bị vũ khí Mỹ, chuẩn bị ký một thỏa thuận mời chính phủ Syria tới bảo vệ người dân của họ trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, chưa khi nào nước Mỹ lại bị sỉ nhục đến như vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Putin biết rằng ông phải rất thực dụng và cẩn trọng ở đây.

Khoảng trống để lại ở Đông Syria sẽ dẫn tới bất ổn, chẳng hạn như các phần tử khủng bố IS có thể trốn chạy khỏi trại giam, lực lượng phiến quân nổi dậy đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ cuồng loại giết hại thường dân địa phương. Nga muốn là một quốc gia có trách nhiệm trong cuộc chơi và không để bị sa lầy vào cuộc xung đột ở đây.

Sau hai 20 năm cảm thấy bị sỉ nhục và cố gắng trong tuyệt vọng để cứu vãn chút danh tiếng ở Kosovo, giờ đây Nga đã làm chủ cuộc chơi: Bán được hàng tỷ đô la vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ cùng với hệ thống S-400; giữ vững được chính phủ Syria; hạ nhục được người Mỹ, và đặt ra các quy tắc tham gia cho các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Tất nhiên, Nga chưa thể thay thế được vị trí cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay của Mỹ. Nhưng Syria rõ ràng là một cuộc thử nghiệm. Đông Syria là nước cờ cuối cùng để kết thúc một cuộc chơi.

Tiếp đến, một bàn cờ nữa sẽ lại mở ra khi nước Nga tìm cách hoạch định vai trò của Iran trong khu vực để phục vụ cho những tính toán mới trong tương lai.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại