Hơn 2.000 binh sĩ Mỹ - Nhật Bản - Philippines tập trận 10 ngày trên Biển Đông

Minh Thu |

Hơn 2.000 quân nhân thuộc quân đội Mỹ - Nhật Bản - Philippines đã bắt đầu tiến hành đợt tập trận chung thường niên trên Biển Đông từ ngày 9/10.

AP đưa tin, nội dung cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phản ứng nhanh cho quân đội Mỹ - Nhật Bản - Philippines trước các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên nhiên, đồng thời nhấn mạnh cam kết duy trì “sự tự do và mở cửa” trong khu vực.

Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày của quân đội 3 nước còn bao gồm diễn tập bắn đạn thật và tấn công đổ bổ tại vịnh Subic, khu vực từng là nơi hoạt động của một căn cứ hải quân Mỹ ở phía tây bắc thủ đô Manila. Cuộc tập trận cũng có các hoạt động nhân đạo tại 6 tỉnh miền bắc của Philippines.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và các nước đồng minh tiến hành gần những hòn đảo tranh chấp mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ - Philippines khẳng định nội dung cuộc tập trận kéo dài 10 ngày ở vịnh Subic chỉ nhằm đối phó với những mối đe dọa khủng bố, an ninh và cứu trợ nhân đạo.

“Những hoạt động như trên nhằm tăng cường năng lực quân sự và duy trì cam kết về sự tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như năng lực triển khai nhanh các lực lượng trong tình huống xảy ra khủng hoảng hoặc thảm họa thiên nhiên”, tuyên bố từ đại sứ quán Mỹ ở Manila cho hay.

Phát ngôn viên lực lượng thủy quân lục chiến Philippines, Đô đốc Felix Serapio cho biết, khoảng 1.400 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng 600 binh sĩ Philippines đang tham gia cuộc tập trận mang tên “Sự hợp tác của những chiến binh trên biển”.

Theo đại sứ quán Mỹ ở Manila, khoảng 100 quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng được huy động tham gia cuộc tập trận trên cùng với các phương tiện tấn công đổ bộ.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông .

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại