Tại sao Mỹ - NATO "ớn lạnh" hạm đội tàu ngầm của Nga?

Tú Anh |

Khi không còn ưu tiên sản xuất thêm các tàu sân bay, tàu tuần dương và các tàu chiến mặt nước cỡ lớn thì Hải quân Nga lại tập trung nguồn lực vào một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh.

Phương Tây "đau đầu" giải mã hạm đội tàu ngầm Nga

Việc Hải quân Nga đang tập trung đầu tư mạnh mẽ vào các lớp tàu ngầm mới không có gì là bí mật, ngay cả khi ngân sách tổng thể của Moscow dành cho quốc phòng bị sụt giảm trước tình hình kinh tế khó khăn do bị phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, điều màn phương Tây chưa hiểu thấu đáo là Nga sẽ làm gì với hàng chục tàu ngầm hiện đại nếu chiến tranh xảy ra?

"Các nhà phân tích phương Tây nên suy nghĩ một cách rất sáng tạo thì mới nắm bắt được ý định dưới đáy biển của Kremlin", Norman Polmar, nhà phân tích hải quân hàng đầu của Mỹ đã nhận xét như vậy trên Proceedings, tạp chí chuyên ngành của Viện Hải quân Mỹ.

"Tàu ngầm dường như là một ưu tiên cao trong nỗ lực xây dựng lại các lực lượng vũ trang Nga thời gian gần đây", Polmar viết trong ấn bản Proceedings phát hành tháng 10/2019. "Các tàu ngầm sẽ được Nga triển khai theo kịch bản nào khả dĩ nhất? Cần phải suy nghĩ thoát ra khỏi những lập luận thông thường thì mới xác định được câu trả lời chính xác".

Khi Hải quân Nga đã từ bỏ việc sản xuất thêm tàu sân bay, tàu tuần dương và các tàu chiến mặt nước cỡ lớn mới thì họ đã tập trung nguồn lực duy trì một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh, hoạt động tầm xa.

"Mặc dù Hải quân Nga vẫn chủ yếu sở hữu các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm từ thời Liên Xô nhưng một chương trình hiện đại hóa rộng lớn đang được Moscow tiến hành, đặt ưu tiên cao nhất cho lực lượng tàu ngầm", báo cáo của Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết năm 2017. "Nga đã đạt nhiều tiến triển trong chương trình hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm".

Tính tới thời điểm năm 2017, Nga đang vận hành 61 tàu ngầm. "Dù trong lịch sử các tàu ngầm luôn đóng vai trò là xương sống của Hải quân Nga nhưng có tới 75% trong số 61 tàu ngầm đang hoạt động đó đã trên 20 năm tuổi và đang dần được thay thế," DIA giải thích.

Tại sao Mỹ - NATO ớn lạnh hạm đội tàu ngầm của Nga? - Ảnh 1.

Một tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Nga

Ba lớp tàu ngầm chiếm đa số trong các sản phẩm mới hiện nay gồm có: Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei (hay Dolgorukiy), tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen và phiên bản cải tiến của tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo.

"Nga sẽ tiếp tục sản xuất các tàu ngầm lớp Borei thế hệ thứ tư cho đến năm 2020", báo cáo của DIA cho biết.

Nếu căn cứ vào mức chi tiêu ngân sách hiện tại, đến những năm 2020 hạm đội tàu ngầm Nga sẽ bao gồm 11 tàu lớp Borei, 10 tàu lớp Yasen và 12 tàu lớp Kilo cải tiến cộng với khoảng 24 tàu ngầm thuộc lớp cũ hơn, trong đó có các tàu Kilo thế hệ đầu, tàu ngầm diesel Petersburg cùng với các tàu Akula, Oscar nâng cấp và tàu ngầm tấn công Sierra.

Hãng thông tấn TASS ngày 23/8 dẫn một nguồn tin công nghiệp quốc phòng trong nước cho biết, năm 2020 tới đây Hải quân Nga sẽ tiếp nhận 6 tàu ngầm, trong đó có 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là con số kỷ lục trong vòng 28 năm qua.

Theo con số thống kê tới tháng 9/2018, Quân đội Nga sở hữu một lực lượng tàu ngầm lớn thứ tư thế giới với tổng cộng 63 chiếc, chỉ đứng sau Triều Tiên (76 chiếc), Mỹ (70 chiếc) và Trung Quốc (68 chiếc).

Hạt nhân và diesel: Bộ đôi tàu ngầm "rất đáng gờm"

Trong khi toàn bộ tàu ngầm của Hải quân Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân thì Liên Xô trước đây và Nga ngày nay tập trung phát triển song song cả hai loại: hạt nhân và diesel.

Về sức mạnh chiến đấu, chẳng hạn như các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei II (hay còn gọi là Borei-A) là các tàu ngầm thế hệ 4. Mỗi tàu trang bị 20 tên lửa đạn đạo Bulava và mỗi một tên lửa Bulava như vậy có thể mang theo 1 đầu đạn hạt nhân với sức công phá từ 100-150 kiloton, mạnh hơn khoảng 10 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản.

Tàu ngầm hạt nhân có lợi thế lớn là có thể hoạt động dài ngày trên biển trong suốt nhiều tháng liên tục, được xem là một yếu tố chủ chốt để các quốc gia thực hiện đòn tấn công hạt nhân thứ hai, chẳng hạn như tàu ngầm lớp Dolphin của Israel hay Trident của Anh.

Tại sao Mỹ - NATO ớn lạnh hạm đội tàu ngầm của Nga? - Ảnh 2.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Borei Nga. Ảnh Rusvesna

Tuy nhiên, các tàu ngầm diesel lại duy trì được khả năng sống sót cao bởi động cơ của chúng tĩnh lặng hơn khiến đối phương rất khó phát hiện.

Rất nhiều các cuộc tập trận đã chứng minh, tàu ngầm diesel đều vượt qua đối thủ chạy bằng năng lượng hạt nhân trong nhiệm vụ tấn công các tàu mặt nước cũng như các tàu ngầm hạt nhân khác.

Nga hiện nay đang vận hành 28 tàu ngầm diesel lớp Kilo, đóng vai trò bổ trợ cho hạm đội hạt nhân tầm xa của đất nước. Nếu xung đột xảy ra ở châu Âu, Trung Đông và Viễn Đông, các tàu ngầm này thừa khả năng bảo vệ các vùng biển Nga cũng như của các nước đồng minh trước lực lượng hải quân các quốc gia thù địch.

Các tàu ngầm Kilo cải tiến được trang bị tên lửa hành trình Kalibr - loại vũ khí tiên tiến có khả năng tấn công các các mục tiêu mặt nước, trên bộ và mục tiêu ngầm ở vận tốc gấp vài lần vận tốc âm thanh.

Tàu ngầm Kilo cũng có thể triển khai các ngư lôi và thủy lôi tân tiến và thậm chí là hệ thống phòng không Strela-3 cho phép chúng tấn công cả các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển.

Các tàu ngầm Kilo được đánh giá là một thành công rất lớn của Nga, cả về mặt khả năng tác chiến và nhu cầu xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Chúng vẫn bộ lộ là một mối đe dọa lớn với lực lượng hải quân các nước thù địch và là một phương tiện mà phương Tây đặc biệt lo ngại khi phải đối đầu.

Các tàu ngầm “Quái vật Đại Dương” khủng khiếp nhất của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại