2 dự án vũ khí quá tham vọng có thể "nhấn chìm" Hải quân Mỹ

QS |

Hải quân Mỹ hiện đang xúc tiến hai chương trình nâng cấp đối với tàu ngầm USS South Dakota (SSN 790) lớp Virginia và siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN 78).

Dự án nâng cấp đầy tham vọng

Cả hai chương trình nâng cấp tàu sân bay Ford và tàu ngầm Dakota đều có quy mô lớn hơn và mức độ phức tạp hơn so với thông thường, nhằm giúp Hải quân Mỹ làm chủ một loạt các công nghệ thế hệ mới đầy tham vọng. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo Hải quân Mỹ sẽ gặt hái được thành công.

Tại Norfolk, Virginia, USS Gerald R. Ford – chiếc tàu sân bay hạt nhân mới trị giá 13 tỷ USD – đang gặp nhiều khó khăn trong mục tiêu đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các công nghệ điện từ mới trên tàu và các phương pháp phân phối năng lượng tân tiến tỏ ra không dễ làm chủ.

Trong khi đó, ở nhà máy đóng tàu Electric Boat, bang Connecticut, chiếc tàu ngầm USS South Dakota trị giá 2,6 tỷ USD cũng đang trải qua đợt nâng cấp sâu rộng nhằm đảm bảo Mỹ tiếp tục duy trì được vị thế dưới lòng biển.

2 dự án vũ khí quá tham vọng có thể nhấn chìm Hải quân Mỹ - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện. Ảnh: AP

Đây đều là những chương trình tham vọng về mặt kỹ thuật. Và tương tự như những dự án tham vọng khác, chúng khó có thể đạt được mục tiêu "hoàn hảo". Một số công nghệ mới hoặc vũ khí mới trên hai con tàu có thể không đáp ứng được yêu cầu của Hải quân Mỹ hoặc có thể sẽ gặp trục trặc khi đưa vào trang bị.

Cân bằng những rủi ro này với khao khát duy trì lợi thế công nghệ là một thách thức dai dẳng đối với Hải quân Mỹ. Trong khi đó, nước Mỹ sau Chiến tranh Lạnh, với một trong những hạm đội hải quân tiên tiến nhất lịch sử, đã quá tự mãn với khả năng xử lý rủi ro công nghệ của mình.

Trên thực tế, xử lý rủi ro công nghệ không hề đơn giản và rất tốn kém. Việc làm chủ được các hệ thống phức tạp đòi hỏi nỗ lực vô cùng lớn, cũng như phải sẵn lòng thừa nhận và báo cáo các sai sót. Sơ xuất là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong thời điểm Hải quân Mỹ đang trải qua đợt nâng cấp hệ thống cơ bản.

Rủi ro quá lớn cho Hải quân Mỹ

Khi chương trình nâng cấp hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, tàu ngầm USS South Dakota sẽ phục vụ Hạm đội Thái Bình Dương, giữ vai trò như một nền tảng để trình diễn và thử nghiệm công nghệ, giúp các tàu ngầm của Hải quân Mỹ tránh bị phát hiện và tìm ra đối phương trước.

Trong khi đó tàu USS Ford sẽ thay đổi phương thức Hải quân Mỹ triển khai-thu hồi máy bay, phân phối năng lượng điện trên tàu, cũng như phương thức phát hiện, nhận dạng và đáp trả các mối đe dọa đường biển/đường không. Tuy nhiên, điều này chưa thỏa mãn được Bộ Quốc phòng Mỹ.

2 dự án vũ khí quá tham vọng có thể nhấn chìm Hải quân Mỹ - Ảnh 2.

Tàu ngầm USS South Dakota. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Bryan Clark tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách, để thỏa mãn nhu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld về khả năng mới, Hải quân Mỹ đã phải nhồi nhét hàng tá công nghệ mới vào tàu Ford.

Các nhà lãnh đạo Hải quân cho rằng điều đó sẽ giúp giảm chi phí và nhân lực trên tàu, đồng thời cải tiến hỏa lực của nó lên ngang ngửa với các tàu sân bay lớp Nimitz.

Thế nhưng, họ cũng đồng thời cam kết với Bộ trưởng Quốc phòng, Quốc hội Mỹ, cũng như ngành công nghiệp rằng quá trình chế tạo tàu Ford sẽ tiếp tục theo đúng lộ trình, thay vì thừa nhận rằng việc hoàn thiện các công nghệ mới trên tàu Ford có thể mất tới vài năm và có thể tạo ra lỗ hổng trong quá trình thi công.

Tệ hơn cả là những cải tiến mới trên tàu Ford đã không được xem xét một cách kỹ lưỡng, thậm chí là ở cấp độ chiến lược, dẫn tới việc phát sinh một loạt các vấn đề về kỹ thuật và hoạt động.

Hiện nay, phía thi công vẫn gặp nhiều khó khăn với hệ thống thang máy vận chuyển các loại vũ khí quan trọng trên tàu USS Ford, trong khi Hải quân Mỹ tỏ ra do dự khi phải đối mặt với các hệ quả do thay đổi kế hoạch triển khai.

Tàu sân bay Ford vẫn chưa đủ khả năng tác chiến. Nó còn quá nhiều đợt nâng cấp phải trải qua trước khi có thể di chuyển an toàn ở những vùng biển nguy hiểm.

Giới chuyên gia nhận định, cả hai dự án nâng cấp tàu USS Ford và USS South Dakota đều có thể thất bại.

Đặc biệt, mục tiêu quá tham vọng đối với dự án tàu Ford (tích hợp quá nhiều công nghệ, trong khi lịch trình thiếu thực tế) có thể khiến dự án này thất bại thảm hại tới mức Bộ trưởng Hải quân Mỹ Robert V. Spencer và một số lãnh đạo khác khó giữ được chiếc ghế của mình.

Giới thiệu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại