Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử "chôn giấu" bí mật gì?

Trang Ly |

Trước khi hiểu về sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của phi hành đoàn Apollo 11 năm 1969, cùng làm rõ những bí mật xoay quanh sự kiện vĩ đại này.

2019 là năm thế giới kỷ niệm tròn 5 thập kỷ sự kiện Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử đưa người đổ bộ Mặt Trăng trên phi thuyền Apollo 11 ngày 20/7/1969.

Sứ mệnh mà phi hành đoàn Apollo 11 (gồm chỉ huy Neil Armstrong, phi công mô-đun Mặt Trăng Buzz Aldin và phi công mô-đun chỉ huy Michael Collins) hoàn thành cách đây 50 năm vẫn là chiến công vũ trụ hiển hách nhất mọi thời đại mà chưa một quốc gia nào tái lập được cho đến tận ngày nay.

Sở dĩ, Apollo 11 của NASA được lịch sử lưu danh muôn đời là vì chiến công ấy nảy nở từ trong những tháng ngày đối đầu đầy căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh (1946-1991); là thành quả lao động miệt mài, không ngừng sáng tạo của tập thể hơn 400.000 nhà khoa học/kỹ sư/kỹ thuật viên; trên hết là tinh thần Mỹ với quyết tâm cao độ đến từ Tổng thống John F. Kennedy (1917-1963), từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đến Apollo Program và phi hành đoàn mang số thứ tự 11.

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 1.

Đó là lời hiệu triệu hùng hồn của Tổng thống J. F. Kennedy (tại nhiệm 1961-1963) trước Quốc hội Mỹ ngày 25/5/1961, thời điểm mà chỉ cách đó hơn một tháng thôi, người Liên Xô vừa lập được kỳ tích đưa phi hành gia Yuri Gagarin lần đầu tiên trong lịch sử bay ra ngoài không gian, thỏa mãn ước nguyện thoát khỏi lực hút ngàn đời của Trái Đất để sải cánh rộng lớn trong vũ trụ bao la của nhân loại.

Apollo 11 được nhớ mãi đơn giản vì đó là chiến công đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của nhân loại khi lần đầu tiên con người đặt chân lên một thiên thể ngoài Trái Đất.

Nếu không hiểu rõ về Chương trình Apollo, về hành trình chinh phục Mặt Trăng nước Mỹ, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng: Sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ chỉ bắt đầu sau lời hiệu triệu của Tổng thống J. F. Kennedy năm 1961.

Đúng là Tổng thống J. F. Kennedy đã khởi động Chương trình Apollo của NASA cũng như xây dựng bộ máy chính trị cần thiết cho sự thành công cuối cùng của Apollo Program (1961-1972), NHƯNG sự kiện Liên Xô chế tạo và phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới (là Sputnik 1) tháng 10/1957 mới là cú hích khiến giới quân đội Mỹ bừng tỉnh và nhen nhóm kế hoạch về một cuộc đổ bộ Mặt Trăng 'vô tiền khoáng hậu' trong lịch sử nhiều năm trước đó (trước năm 1961).

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 2.

Apollo 11 được nhớ mãi đơn giản vì đó là chiến công đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của nhân loại khi lần đầu tiên con người đặt chân lên một thiên thể ngoài Trái Đất. Nguồn ảnh: Internet

Tháng 1/1958, 3 tháng sau khi Sputnik 1 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, Tướng Homer Boushey (phi công tiên phong Mỹ bay trên máy bay phản lực thập niên 1940) tuyên bố: Không quân Mỹ đang lên kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự trên bề mặt Mặt Trăng.

Vào thời điểm đó, cả Quân đội và Không quân Mỹ đang tìm mọi cách để kiểm soát kho vũ khí tên lửa chiến lược, và việc cả Bộ Lục quân, Bộ Không quân và Bộ Hải quân Mỹ cùng phác thảo kế hoạch lên Mặt Trăng là động thái 'nhất cử lưỡng tiện', vừa củng cố kho vũ khí, vừa tạo đà phát triển chương trình vũ trụ còn non trẻ của quốc gia.

Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower (tại nhiệm 1953-1961) nhằm đối phó với mối đe dọa từ chương trình Sputnik của Liên Xô là tạo ra một cơ quan mới trong Bộ Quốc phòng để điều phối các chương trình công nghệ tiên tiến.

Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Tiên tiến - ARPA (tiền thân của Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến - DARPA), thành lập ngày 7/2/1958, nhận sứ mệnh đảm bảo cho Mỹ tránh được sự bất ngờ về công nghệ trong tương lai.

Cuối tháng 2/1958, ARPA thông báo với giới lãnh đạo Không quân Mỹ chi tiết những kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng, gồm:

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 3.

Một tháng sau quyết định của ARPA, Tướng Không quân Bernard Schriever trực tiếp chỉ đạo kế hoạch đưa phi hành gia quân sự Mỹ đổ bộ Mặt Trăng năm 1964 mang tên Project LUMAN.

Bản thảo đầu tiên của Không quân Mỹ được chính tay Đại tá Harry Lee Evans (người sỡ hữu trong tay biệt đội 60 người gồm những sĩ quan, bác sĩ và kỹ sư quân sự lão luyện) xem xét và trình lên giới lãnh đạo ngày 25/4/1958.

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 4.

Đại tá David Carter, một chuyên gia hoạch định kỹ thuật thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến đấu thuộc Không quân Mỹ, được giao phụ trách Project LUMAN. Nguồn: Không quân Mỹ (USAF)

Theo đó, kế hoạch đưa phi hành gia quân sự đổ bộ Mặt Trăng được chia thành 2 giai đoạn nhằm phục vụ cho sứ mệnh cao nhất là "Đưa tàu có người lái đổ bộ Mặt Trăng và trở về an toàn" hay còn gọi là Project LUMAN. Theo kế hoạch, Đại tá David Carter, một chuyên gia hoạch định kỹ thuật thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến đấu thuộc Không quân Mỹ, được giao phụ trách Project LUMAN.

Giai đoạn đầu tiên bắt đầu với sứ mệnh "Đưa người vào không gian sớm nhất" (Man in Space Soonest - MISS), đảm nhận nhiệm vụ phát triển một phương tiện phóng tầm quỹ đạo Trái Đất

Giai đoạn thứ hai có tên MISSOPH (Kế hoạch đưa người vào không gian phức tạp hơn). MISSOPH gồm 3 giai đoạn và 28 chuyến bay trinh sát Mặt Trăng.

MISSOPH 1 sẽ phóng đi mô-đun có người lái MISS cải tiến (MISS capsule). Tên lửa đẩy chịu trách nhiệm phóng MISS capsule là Super-Titan-Fluorine với lực đẩy là 200 tấn.

MISSOPH 2 sẽ tiếp tục nâng cấp MISSOPH 1, trong khi đó MISSOPH 3 sẽ chuyển sang phát triển tàu con thoi quân sự Dyna-Soar đầu tiên. Dyna-Soar sẽ phục vụ cho sứ mệnh LUREC (Trinh sát Mặt Trăng) tại khu vực quỹ đạo Mặt Trăng.

Kết hợp MISS và MISSOPH, Không quân Mỹ sẽ tiến hành sứ mệnh cao nhất Project LUMAN nhằm đưa người đổ bộ Mặt Trăng và trở về năm 1964. Theo kế hoạch, "Big B" - mật danh tên lửa sở hữu lực đẩy 1000 tấn - sẽ chịu trách nhiệm phóng tàu đưa người đổ bộ Mặt Trăng năm 1964.

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 5.

Phác thảo hệ thống tàu đổ bộ 1 người lái của Project LUMAN. Nguồn: Robert Godwin/Air Space Magazine

Ba tuần sau khi báo cáo về Project LUMAN được đệ trình, Đại tá Harry Lee Evans nhận được phản hồi rằng: Kế hoạch này quá tham vọng để trở thành hiện thực; và được yêu cầu sửa đổi kế hoạch liên quan đến Mặt Trăng.

Khi nhóm của Đại tá Harry Lee Evans đang điều chỉnh lại bản kế hoạch thì Tổng thống Dwight D. Eisenhower quyết định thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 29/7/1958.

Sau nhiều tháng nổ ra tranh luận, cuối cùng, phía Không quân Mỹ phải từ bỏ chương trình đổ bộ Mặt Trăng của mình, trong khi đó NASA bắt đầu với Project Mercury (1958-1963) và sau đó là Apollo Program (1961-1972) nổi tiếng của mình.

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 6.

Khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiến hành Chiến dịch Paperclip, bí mật chiêu mộ hàng nghìn tài năng khoa học Đức Quốc xã về làm việc cho Mỹ.

Kết quả, CIA thu nạp được hơn 1.600 nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên người Đức, trong đó có Tiến sĩ Wernher Von Braun - người về sau được mệnh danh là "Cha đẻ chương trình vũ trụ Mỹ" khi đội của ông chế tạo được hệ thống tên lửa đẩy Saturn V mạnh nhất trong lịch sử, đưa Apollo 11 về sau đổ bộ thành công Mặt Trăng.

Trong bối cảnh NASA vừa thành lập năm 1958, đồng thời Project LUMAN bị hủy bỏ, số tiền quỹ dự định đổ cho Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (ARPA) để cơ quan này phát triển chương trình liên quan đến Mặt Trăng, được chuyển sang cho nhóm nghiến cứu của Tiến sĩ Wernher Von Braun (lúc này đang làm việc cho Cơ quan tên lửa đạn đạo quân đội - ABMA).

Tiến sĩ Wernher Von Braun và một đồng sự người Đức tên là Hermann Koelle (cũng làm việc cho ABMA ở Huntsville, Alabama, Mỹ) đã dùng khoản tiền trị giá 10 triệu USD chuyển từ một phần quỹ của ARPA sang, để hoàn thành thiết kế hệ thống tên lửa đa tầng Juno V có sức đẩy 750 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/1958.

Khi nhóm của Tiến sĩ Wernher Von Braun sắp hoàn thành kế hoạch tên lửa Juno V, ARPA đột ngột dừng cấp quỹ, kế hoạch về Juno V bị dang dở.

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 7.

Tiến sĩ Wernher von Braun (trái) và Hermann Koelle về sau chuyển công tác từ quân đội sang NASA làm việc. Tại đây họ đã tạo ra hệ thống tên lửa vũ trụ Saturn V mạnh nhất trong lịch sử, đưa Apollo 11 đổ bộ Mặt Trăng thành công ngày 20/7/1969. Nguồn: NASA

Không nản chí, vào ngày 8/6/1959, ABMA tiếp tục đưa ra kế hoạch chinh phục Mặt Trăng mang tên Project Horizon.

Project Horizon là một nghiên cứu nhằm xác định tính khả thi của việc xây dựng tiền đồn khoa học/quân sự trên Mặt Trăng, trong bối cảnh Bộ Lục quân, Bộ Không quân và Bộ Hải quân Mỹ khi đó chịu trách nhiệm hoàn toàn cho chương trình không gian Mỹ.

Theo Project Horizon, nhóm của Tiến sĩ Wernher Von Braun sẽ sử dụng khoảng 15 tên lửa đẩy Juno V để phóng các tàu vũ trụ hạ cánh xuống Mặt Trăng, xây dựng tiền đồn trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.

Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử chôn giấu bí mật gì? - Ảnh 8.

Thiết kế của tên lửa đa tầng Juno V. Nguồn: USAF

Project Horizon nhấn mạnh tầm quan trọng của tiền đồn quân sự Mặt Trăng cho an ninh quốc gia và được các nhà khoa học tên lửa khẩn thiết xây dựng "càng sớm càng tốt". Dự kiến, Project Horizon tiêu tốn khoảng 6 tỷ USD và đến tháng 12/1966 sẽ đưa phi hành gia quân sự đổ bộ Mặt Trăng.

Tiếc rằng, khi đến tay Tổng thống Dwight D. Eisenhower, Project Horizon bị từ chối thẳng thừng khi ông cho rằng đội của Tiến sĩ Wernher Von Braun nên chuyển công tác từ quân đội sang làm việc cho NASA. 

Project Horizon kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.

Còn nữa...

Chuyển dịch từ nguồn: Air Space Magazine

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại