Gắn mác cách mạng màu cho biểu tình Hong Kong, báo TQ nhắc lại phát ngôn "can thiệp" của Đặng Tiểu Bình

Thi Anh |

"Nếu có bất ổn, chính quyền trung ương nên can thiệp", Đặng Tiểu Bình nói khi gặp gỡ phái đoàn Hong Kong - Macau năm 1984.

Phát ngôn của Đặng Tiểu Bình năm 1984

Trong bài bình luận mới đây, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đã dẫn lại phát ngôn năm 1984 của Đặng Tiểu Bình rằng chính quyền Trung Quốc "nên can thiệp" trong trường hợp Hong Kong rơi vào bất ổn.

SCMP nhận định, bài bình luận của Tân Hoa xã cho thấy một sự thay đổi khi mà hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc gắn cho các cuộc biểu tình ở Hong Kong cái mác "cách mạng màu", thay vì chỉ so sánh như các bài viết trước, đồng thời khuếch đại những lời cảnh báo từ các cố vấn cấp cao rằng Hong Kong đã chìm đắm trong cuộc chiến quyết định sự tồn vong của "một quốc gia, hai chế độ".

Bài bình luận có đoạn: "Những sự kiện gần đây ở Hong Kong đã vượt khỏi khuôn khổ của các cuộc tuần hành và biểu tình thông thường, và là 'những cuộc cách mạng màu' nhằm phá hoại trị an của đặc khu [Hong Kong]. Chúng tôi không thể chấp nhận [những hành động ấy] và những hành động ấy phải được xử lý theo luật pháp".

Bloomberg cho biết, trước đó, các quan chức Trung Quốc đã mô tả cuộc biểu tình ở Hong Kong là có một số đặc tính của một cuộc "cách mạng màu" - ám chỉ các phong trào chống chính quyền hình thành ở một số nơi bao gồm cả một số nước Liên Xô cũ hồi đầu những năm 2000.

Phát ngôn của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được viện dẫn trong bài bình luận của Tân Hoa Xã. Bài viết đề cập tới việc ông Đặng nói với phái đoàn Hong Kong - Macau năm 1984 rằng "một số người lo lắng về việc can thiệp".

"Một số hành động can thiệp là cần thiết. Điều đó phụ thuộc vào việc liệu sự can thiệp ấy có đem lại lợi ích cho nhân dân Hong Kong, cho sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong hay không". Sau đó, Đặng nói: "Nếu có bất ổn, chính quyền trung ương nên can thiệp".

Về vấn đề này, Tân Hoa xã nhấn mạnh: "Điều đó đã được quy ước rõ ràng trong Luật Cơ bản, cũng như Luật Đồn trú, và đây không chỉ là quyền hạn, mà còn là trách nhiệm của chính quyền trung ương".

Gắn mác cách mạng màu cho biểu tình Hong Kong, báo TQ nhắc lại phát ngôn can thiệp của Đặng Tiểu Bình - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và thủ hiến Hong Kong Murray MacLehose trong cuộc gặp năm 1979. Ảnh: Handout/SCMP

Bài báo được đăng tải nhân dịp kỷ niệm cuộc gặp cách đây 40 năm giữa Đặng Tiểu Bình và thủ hiến Hong Kong khi đó Murray MacLehose nhằm bàn về tương lai của Hong Kong, khi ông Đặng lần đầu nói tới khái niệm mà sau này trở thành "một quốc gia, hai chế độ".

Đây cũng là thời điểm đánh dấu 12 tuần liên tiếp các cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong, vốn bùng phát từ đầu tháng 6 bởi làn sóng phản đối dự luật dẫn độ.

Hong Kong đang đứng bên bờ vực

Trong bài bình luận, Tân Hoa xã còn nhắc lại phát ngôn mà Xu Ze, người đứng đầu Hiệp hội Trung Quốc về Nghiên cứu Hong Kong và Macau, đưa ra hồi cuối tuần qua. Xu cho rằng Hong Kong đang đứng trước rủi ro "rơi xuống vực thẳm", và mô tả tình trạng biểu tình ở Hong Kong là "một cuộc chiến mang tính quyết định" sự tồn vong của "một quốc gia, hai chế độ".

Phát biểu trong một hội thảo ở Thâm Quyến, Xu nói: "Những hành động bạo lực ở Hong Kong đã tác động tới lợi ích cơ bản của Hong Kong và của đất nước chúng ta, những chuyện này đã diễn ra được một thời gian".

"Nếu để cho sự việc lan rộng và tiếp diễn, Hong Kong sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi xuống vực thẳm. Không hề phóng đại khi nói rằng, nó đã trở thành một cuộc chiến mang tính quyết định về sự tồn vong của một quốc gia - hai chế độ".

Maria Tam Wai-chu, phó chủ tịch Ủy ban Luật Cơ bản cho biết, chính sách "một quốc gia, hai chế độ" không cản trở chính quyền Hong Kong can thiệp: "Tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở Hong Kong và chính quyền trung ương đương nhiên có thể can thiệp.

Mặc dù xuất hiện các phát ngôn đầy cứng rắn nhưng một học giả nắm rõ tình hình Hong Kong cho hay, Bắc Kinh vẫn chưa cho rằng đây là thời điểm để điều động quân đội nhằm giải quyết các sự việc ở Hong Kong và đó sẽ là phương cách cuối cùng nếu tất cả các biện pháp khác thất bại.

Tian Feilong, chuyên gia thuộc Đại học Beihang ở Bắc Kinh, cho rằng bài bình luận mới nhất của Tân Hoa xã chỉ mang tính thăm dò, chứ không phải quyết định cuối cùng của Bắc Kinh.

"Sự nghiêm trọng của tình hình vẫn chưa lên tới mức cần chính quyền trung ương can thiệp quân sự trực tiếp", ông Tian nói, "Chính quyền Hong Kong có nhiều cách khác vẫn chưa được sử dụng tới, ví dụ như tuyên bố thiết quân luật. Chúng ta cũng chưa thấy tòa án Hong Kong xét xử người dân về các cáo buộc gây rối".

"Khi nào chính quyền Hong Kong thực hiện đầy đủ các quyền mà vẫn không ngăn cản được bạo động thì chính quyền trung ương mới ra tay. Quyết định cuối cùng để can thiệp còn cần sự ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại