Bắc Kinh phản bác cảnh báo của ông Trump
"Tôi cho rằng sẽ rất khó để thỏa thuận [thương mại] nếu họ (Trung Quốc) sử dụng vũ lực," ông Trump trả lời báo giới hôm thứ Hai, 19/8. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận rất tốt, và tôi cho là Trung Quốc cần thỏa thuận này hơn chúng ta rất nhiều."
Hồi tuần trước, Trump cũng đăng tải một loạt dòng tweet đề cập các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông, trong đó ông kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ giải quyết nhân đạo với người biểu tình để ổn định trật tự. Tổng thống Mỹ cũng gợi ý chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ trực tiếp với những người biểu tình, và cho rằng ông Tập có thể "dàn xếp trong vòng 15 phút" nếu ngồi xuống đối thoại.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Trung Quốc phản ứng cứng rắn trước kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng. Bắc Kinh tuyên bố các vụ biểu tình ở Hồng Kông đã kéo dài và diễn ra theo chiều hướng bạo lực "xâm phạm giới hạn của nguyên tắc 'Một quốc gia, hai chế độ'".
Chính phủ Trung Quốc khẳng định lập trường ủng hộ chính quyền và cảnh sát Hồng Kông hành động quyết liệt để lập lại trật tự ở đặc khu và trừng phạt những người biểu tình bị xác định là "phần tử phạm tội bạo lực".
Trong bài bình luận ngắn đăng vào tối ngày 19, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cảnh báo Mỹ không liên hệ vấn đề đàm phán thương mại với tình hình Hồng Kông, đồng thời gọi đây là một bước đi sai lầm.
"Làm ầm ĩ chuyện về Hồng Kông sẽ không có lợi cho đàm phán kinh tế thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc," tờ báo viết. "[Mỹ] sẽ thật ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ nếu họ dùng đến lá bài Hồng Kông."
Chính phủ Trung Quốc nói ưu tiên hiện nay đối với Hồng Kông là chấm dứt tình trạng bạo lực và khôi phục trật tự. Bắc Kinh cũng chỉ trích các chính khách Mỹ là "gửi thông điệp sai trái" đến người biểu tình chống chính quyền.
Trung Quốc và Mỹ đang lên kế hoạch cho các vòng đàm phán thương mại tiếp theo nhằm hóa giải cuộc chiến thuế quan đã ảnh hưởng đến hai nước và kinh tế toàn cầu trong 1 năm qua. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 18/8 cho biết kế hoạch điện đàm giữa đại biểu hai nước đã được lên kế hoạch trong vòng 10 ngày, và vòng đàm phán có thể được nối lại vào thời điểm thích hợp.
Ông Tập làm gì giữa căng thẳng Hồng Kông?
Các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở Hồng Kông từ ngày 9/6 nhằm đòi hỏi chính quyền hủy bỏ dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự về Đại lục. Dù bà Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố dự luật bị đình chỉ vô thời hạn, làn sóng biểu tình vẫn không hạ nhiệt, với yêu cầu chính quyền đặc khu phải rút hoàn toàn hạng mục lập pháp này.
Tại cuộc họp báo vào sáng nay 20/8, bà Lam thông báo chính quyền sẽ ngay lập tức khởi động nền tảng đối thoại với các tầng lớp trong xã hội nhằm đưa đặc khu thoát khỏi tình trạng căng thẳng hiện nay.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc những ngày vừa qua không thông báo bất kỳ hoạt động hoặc chỉ thị nào của ông Tập Cận Bình liên quan đến tình hình Hồng Kông.
Kể từ ngày 9/6 đến nay, quan chức cấp cao nhất lên tiếng công khai về vấn đề Hồng Kông là Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Macau (HKMAO) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Trương Hiểu Minh.
Dù tổng thống Mỹ Trump đưa ra những đề xuất với cá nhân ông Tập liên quan đến Hồng Kông, Trung Nam Hải chưa đưa ra phản hồi hay bình luận.
Ông Tập thị sát ở thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, ngày 19/8/2019 (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung Quốc xuất hiện công khai trước truyền thông từ ngày 19, khi ông đến thị sát tỉnh Cam Túc. Tân Hoa Xã thông báo, chiều cùng ngày, ông Tập đến thăm hang Mạc Cao - di tích văn hóa được bảo vệ trọng điểm của Trung Quốc - ở thành phố Đôn Hoàng, "tiến hành khảo sát thực địa công tác gìn giữ văn vật và tình hình nghiên cứu, quảng bá văn hóa lịch sử ưu tú,..."
Theo Tân Hoa Xã, sáng nay, ông Tập tiếp tục đến viếng Mộ liệt sĩ trận vong và thăm Bia kỷ niệm Tây lộ quân thuộc Hồng quân công nông Trung Quốc, đặt vòng hoa tưởng niệm và tham quan Nhà tưởng niệm Tây lộ quân.
Động thái gần đây nhất của Bắc Kinh nhằm khẳng định lập trường của ông Tập Cận Bình trong các vấn đề liên quan là bài viết đăng trên website của tạp chí Cầu thị - cơ quan của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - hôm 12/8, trong đó tổng hợp một loạt phát biểu của chủ tịch Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2019 về nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", cũng như mục tiêu thống nhất Đài Loan.
Cùng ngày 12, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu đăng tải hình ảnh tập trung lực lượng tới gần biên giới với Hồng Kông. Đoạn video do Nhân dân Nhật báo phát đi cho thấy hàng loạt phương tiện bọc thép của Trung Quốc di chuyển tại thành phố Thâm Quyến.
Đến nay, hàng nghìn cảnh sát vũ trang bán quân sự cùng khí tài Trung Quốc đã tập trung tại thành phố này, động thái được xem như cảnh báo cứng rắn từ chính phủ trung ương nhằm vào người biểu tình Hồng Kông.
Các nhà tổ chức biểu tình nói rằng có đến 1.7 triệu người đã xuống đường tuần hành trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật, 18/8, ở Hồng Kông (Ảnh: Bloomberg)