Đề cập "gợi ý" được ông Trump đưa ra trên Twitter hồi tuần trước, và việc tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn có kết quả tốt đẹp cho tình hình ở Hồng Kông, cũng như hy vọng Trung Quốc "giải quyết nhân đạo" căng thẳng ở đặc khu này, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 16/8 nói:
"Chúng tôi nhận thấy tổng thống Trump từng nói, 'Hỗn loạn ở Hồng Kông đã diễn ra rất lâu'. Kể từ tháng 6 đến nay, hoạt động tội phạm bạo lực không ngừng leo thang tại Hồng Kông, chà đạp lên trật tự xã hội và pháp trị, phá hoại nghiêm trọng thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông, ngang nhiên thách thức giới hạn nguyên tắc 'Một quốc gia, hai chế độ'."
Bà Hoa tuyên bố, "nhiệm vụ cấp bách và áp đảo tất cả" hiện nay là ngăn chặn bạo loạn và khôi phục trật tự đặc khu.
"Chính phủ trung ương kiên định ủng hộ Trưởng đặc khu Carrie Lam dẫn dắt chính quyền đặc khu quản trị theo luật pháp, kiên định ủng hộ cảnh sát Hồng Kông chấp pháp nghiêm khắc, kiên định ủng hộ các cơ quan chính quyền và cơ quan tư pháp đặc khu nghiêm khắc trừng trị phần tử tội phạm bạo lực theo luật pháp," bà Hoa Xuân Oánh nói.
Người biểu tình Hồng Kông tuần hành dưới mưa ở khu Causeway Bay ngày Chủ nhật, 18/8 (Ảnh: Sam Tsang/SCMP)
Trước đó 1 ngày, bà Hoa cũng phản bác phát ngôn của Trump trên Twitter, với hàm ý thúc giục Trung Quốc giải quyết nhân đạo vấn đề Hồng Kông trước khi nghĩ tới thỏa thuận thương mại song phương. Bà nói sự vụ Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, và yêu cầu ông chủ Nhà Trắng thực hiện lời nói trước đó về việc không can thiệp vào vấn đề Hồng Kông.
Trong tuần qua, hàng nghìn cảnh sát vũ trang Trung Quốc - lực lượng bán quân sự nằm dưới quyền chỉ huy của Quân giải phóng nhân dân (PLA) - cùng các phương tiện bọc thép đã được điều động tới thành phố Thâm Quyến, gần biên giới với Hồng Kông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát đi các đoạn video ghi lại hình ảnh lực lượng này diễu hành ở sân vận động Xuân Kiển, Thâm Quyến - vị trí chỉ mất 10 phút để di chuyển tới Hồng Kông. Động thái này được cho là gây sức ép với người biểu tình và thể hiện lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong yêu cầu lập lại trật tự ở đặc khu.
Bất chấp áp lực từ chính phủ trung ương, người biểu tình Hồng Kông tiếp tục xuống đường trong hai ngày cuối tuần bất chấp trời mưa.
Các nhà tổ chức biểu tình khẳng định có đến 1.7 triệu người đã tham gia tuần hành ôn hòa hôm Chủ nhật, 18/8, trong khi cảnh sát nói rằng số lượng người biểu tình chỉ vào khoảng 128.000 người.
Vào ngày 17, hàng chục nghìn người - gồm các chủ doanh nghiệp và các nhà tài phiệt Hồng Kông - cũng tham gia một buổi mít-tinh ôn hòa tại công viên Tamar, khu Admiralty, để thể hiện sự ủng hộ chính quyền đặc khu. Một số người mang theo quốc kỳ Trung Quốc, hát quốc ca và hô khẩu hiệu "Nói không với bạo lực, hãy cứu lấy Hồng Kông".
Hành động của các doanh nghiệp lớn được cho là chịu sức ép từ Bắc Kinh, bởi hoạt động của các công ty như nhóm Big Four - PwC, Deloitte, KPMG và Ernst & Youxuaasthay còn được gọi là EY - tại thị trường nội địa 1.4 tỉ dân của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng lớn nếu các hãng này không kiểm soát nhân viên tham gia biểu tình tại Hồng Kông.
Hôm 16, giám đốc điều hành hãng hàng không Cathay Pacific Airways ông Rupert Hogg đã phải từ chức, sau khi một số nhân viên của hãng tham gia biểu tình.
Làn sóng biểu tình bùng lên ở Hồng Kông từ hôm 9/6 nhằm phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự sang Đại lục, buộc bà Carrie Lam phải tuyên bố đình chỉ vô thời hạn dự luật này. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình không hạ nhiệt mà tiếp tục leo thang, gây thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế Hồng Kông - đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và du lịch.