Trả lời hai câu hỏi của phóng viên về cùng vấn đề trong cuộc họp báo chiều ngày 20/8, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng lặp lại khẳng định Bắc Kinh "không nắm thông tin liên quan".
Trước đó cùng ngày, Bộ ngoại giao Anh lên tiếng bày tỏ "hết sức quan ngại" trước thông tin một nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông đã bị bắt giữ tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.
"Chúng tôi hết sức quan ngại trước thông tin một thành viên của chúng tôi bị bắt giữ trên hành trình từ Thâm Quyến trở về Hồng Kông," Bộ ngoại giao Anh nói. "Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình ông ấy và tìm kiếm thêm thông tin từ nhà chức trách tỉnh Quảng Đông và Hồng Kông."
Trang tin HK01 (Hồng Kông) tiết lộ, nhân viên phụ trách thương mại và đầu tư tại lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông - ông Simon Cheng - đã đến Thâm Quyến để dự một sự kiện về kinh doanh và có kế hoạch trở về đặc khu trong ngày.
Tuy nhiên, bạn gái ông Cheng cho biết đã mất liên lạc sau khi nhận tin nhắn từ ông này vào tối ngày 8/8, nói rằng ông đang trên tàu cao tốc chuẩn bị qua biên giới từ Đại lục về Hồng Kông.
Nghi vấn nhân viên lãnh sự quán Anh bị bắt rộ lên trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Hồng Kông tiếp tục nối dài, với yêu cầu Trưởng đặc khu Carrie Lam hủy bỏ hoàn toàn dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự về Đại lục - thay vì tình trạng "dừng vô thời hạn" dự luật như hiện nay.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 9/8 đã điện đàm với bà Lam để bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn tại Hồng Kông. Ngay sau đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ trích ông Raab phạm sai lầm khi trực tiếp liên hệ và gây sức ép lên chính quyền Hồng Kông, đồng thời thúc giục Anh "ngưng can thiệp" vào công việc nội bộ của Trung Quốc.