Iran bất ngờ xuống nước với các quốc gia vùng Vịnh: Liệu có vượt qua được "bức tường dày" của Mỹ?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Đề nghị của Iran có thể là bước đầu tiên góp phần giảm bớt căng thẳng giữa Tehran và các quốc gia vùng Vịnh, nhưng việc thực hiện mục tiêu ấy liệu có dễ dàng?

Trong chuyến thăm Qatar (12-14/8/2019) và Kuwait (17-20/8/2019), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã khẳng định lại đề xuất của Tehran tiến hành đàm phán giữa Iran với các nước khu vực vùng Vịnh để đi tới ký kết một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau.

Trước đó, ngày 25/5, trong chuyến thăm Iraq, ông M.J. Zarif đã đưa ra đề nghị này. Ông nhấn mạnh, Tehran muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước vùng Vịnh và hoan nghênh bất cứ đề nghị nào nhằm làm giảm căng thẳng đang leo thang trong khu vực.

Bối cảnh Iran đưa ra đề nghị ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với các nước vùng Vịnh

Tehran đưa ra đề nghị này trong bối cảnh xuất hiện một số dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa Iran với các nước vùng Vịnh, đặc biệt là với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi.

Các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh hồi tháng 5-6 vừa qua ngay trước mũi các lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ cho thấy Washington không thể bảo vệ được an toàn cho tàu bè qua lại khu vực này.

Mục tiêu chính của Mỹ không phải là bảo đảm an toàn hàng hải ở khu vực vùng Vịnh vì họ có rất ít tàu bè đi qua đây mà chủ yếu là gây căng thẳng để tập hợp lực lượng chống Iran. Chính vì lẽ đó, Washington đang ráo riết vận động thành lập một Liên minh quốc tế nhằm bảo vệ anh ninh hàng hải, nhưng thực chất là nhằm chống Tehran.

Kế hoạch của Washington thành lập liên minh chống Iran rất khó trở thành hiện thực, nếu không muốn nói là thất bại. Đến nay, mặc dù hơn hai tháng đã trôi qua, nhưng vẫn chưa có nước Ả Rập nào khẳng định sẽ tham gia, kể cả hai đồng minh thân cận có tiềm năng nhất của Mỹ là Ả Rập Saudi và UAE. Các nước châu Âu đồng minh của Mỹ và nhiều nước khác tỏ ra không mặn mà gì đối với sáng kiến của Washington.

Iran bất ngờ xuống nước với các quốc gia vùng Vịnh: Liệu có vượt qua được bức tường dày của Mỹ? - Ảnh 1.

Mặt khác, Ả Rập Saudi bị các lực lượng Houthi ở Yemen liên tiếp tấn công mà các lực lượng của Mỹ không động tĩnh gì chứng tỏ mục tiêu của Mỹ không phải để bảo vệ đồng minh mà là gây căng thẳng để bán vũ khí và những hoạt động của họ là nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của Mỹ, trước mắt là tranh thủ lá phiếu của cử tri Mỹ cho Tổng thống D. Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nước vùng Vịnh, đặc biệt là UAE và Ả Rập Saudi đã bắt đầu nối lại tiếp xúc với Iran. Lần đầu tiên kể từ 2013, UAE đã cử một số đoàn, trong đó có đoàn bảo vệ bờ biển thăm Tehran để thảo luận với các quan chức Iran các biện pháp hợp tác cùng nhau bảo đảm an ninh hàng hải và xuất khẩu dầu từ các nước vùng Vịnh.

Bộ Ngoại giao Iran đánh giá cao việc Ả Rập Saudi đã đón tiếp chu đáo và thân thiện các đoàn Iran hành hương đến thánh địa Mecca, đồng thời cho biết đã nhận được thông điệp của phía Ả Rập Saudi tỏ quan tâm tới đề nghị của Tehran nhằm giảm căng thẳng xung quanh tuyến vận tải dầu qua eo biển Hormuz.

Những diễn biến gần đây tại khu vực cho thấy, Mỹ không sẵn sàng đối đầu quân sự với Iran. Ngược lại, Washington cũng đang đề nghị đàm phán trực tiếp với Iran. Điều đó có nghĩa là các nước vùng Vịnh, trước hết là Ả Rập Saudi và UAE không thể dựa vào Mỹ trong cuộc đối đầu với Tehran. Họ buộc phải tìm cách cải thiện quan hệ với Iran trước khi có bất cứ sự tiếp xúc nào giữa Washington và Tehran.

Iran bất ngờ xuống nước với các quốc gia vùng Vịnh: Liệu có vượt qua được bức tường dày của Mỹ? - Ảnh 2.

Washington đang ráo riết vận động thành lập một Liên minh quốc tế nhằm bảo vệ anh ninh hàng hải, nhưng thực chất là nhằm chống Tehran. Ảnh minh họa: AP.

Những cản trở trong việc đàm phán ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa các nước vùng Vịnh với Iran

Cần phải đánh giá khách quan rằng, đề nghị của Iran rõ ràng có thể giúp khôi phục sự ổn định, củng cố lòng tin lẫn nhau và là bước đầu tiên góp phần giảm bớt căng thẳng giữa Tehran và các quốc gia vùng Vịnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện được mục tiêu này không dễ dàng chút nào. Sự có mặt quân sự dày đặc của Mỹ ở tất cả các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là cản trở lớn nhất cho bất cứ bước đi nào nhằm cải thiện quan hệ giữa các quốc gia vùng Vịnh với Iran.

Bộ chỉ huy Trung tâm của Lực lượng vũ trang Mỹ (CENTCOM) với hơn 1.000 quân nhân phục vụ được đặt tại căn cứ Essaia trên lãnh thổ Qatar. CENTCOM chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho các hoạt động và chỉ huy các lực lượng của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến sự ở khu vực Trung Đông, Đông Phi và Trung Á.

Không quân Mỹ cũng đang sử dụng căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar. Căn cứ Al-Udeid có thể chứa hơn 100 máy bay và với đường băng dài hơn 4.000 mét có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay chiến đấu và vận tải quân sự.

Trong khi một lực lượng lớn của Mỹ có mặt trên lãnh thổ của mình như vậy, Qatar rất khó có thể thỏa thuận với Iran một điều gì đó mà không được sự đồng ý của Washington, chứ chưa nói đến việc ký một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Tehran.

Bộ chỉ huy hạm đội 5 của Hải quân Mỹ được đóng tại Bahrain. Cùng với căn cứ Hải quân ở Manama, căn cứ không quân Isa của Mỹ cũng đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2009 có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay chiến đấu, kể cả máy bay ném bom chiến lược B-52. Trong tình hình như vậy, khả năng Bahrain ký một hiệp ước không xâm lược với Iran là khó có thể xảy ra.

Một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông là Ả Rập Saudi.

Hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi gần đây đã được tăng cường nhanh chóng, chủ yếu là nhằm chống Iran. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Ả Rập Saudi bị đóng cửa cuối năm 2003 sau khi Mỹ hoàn thành chiến dịch quân sự lật đổ chế độ Saddam Hussein và chiếm đóng Iraq mới đây đã được mở lại.

Hai nước đã ký một thỏa thuận mới cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Prince Sultan gần Thủ đô Riyahd, sân bay quân sự ở ngoại ô thành phố Dahran và căn cứ hải quân King Faisal. Lầu Năm góc đã điều động một lực lượng quân sự lớn đến đây gồm nhiều loại vũ khí hạng nặng và hàng ngàn cố vấn quân sự. Đây là chưa kể đến các hợp đồng Mỹ cung cấp vũ khí cho Ả Rập Saudi trị giá 110 tỷ USD trong những năm tới.

Trong tình hình như vậy, việc ký kết bất kỳ thỏa thuận nào giữa Riyadh và Tehran tại thời điểm hiện tại là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là điều không tưởng.

Sự có mặt của quân đội Mỹ tại Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng khá mạnh. Không quân Mỹ đang sử dụng hai căn cứ không quân Ahmed Al-Jaber và Ali Salem tại Kuwait. Tại UAE, cách Thủ đô Abu Dhabi 32 km về phía Nam, các lực lượng UAE và Mỹ đang sử dụng chung căn cứ không quân Al-Dhafra. Các máy bay trinh thám không người lái hiện đại RQ-4 Global Hawk và U-2S của Mỹ xuất phát từ căn cứ này.

Tại Vương quốc Oman, Mỹ có ba căn cứ quân sự lớn ở Raysut, Sidi Lehza và Muscat. Oman thỏa thuận cho Mỹ quyền sử dụng các căn cứ không quân Al-Hasib, Sib, Markaz-Tamarid và Masir.

Trong chiến dịch quân sự tại Iraq năm 2003, máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã xuất kích từ căn cứ Markaz-Tamarid. Oman cũng là nơi đặt sở chỉ huy của Không quân Mỹ. Từ các căn cứ không quân của Mỹ ở Oman, các máy bay của Mỹ có thể bay tới lãnh thổ của nhiều quốc gia khu vực Trung Đông.

Theo một số nguồn tin tình báo, hiện nay số quân Mỹ đang có mặt tại khu vực vùng Vịnh lên tới khoảng 40 ngàn người, nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Hồi tháng 5, Mỹ triển khai nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Abraham Linncoln, máy bay ném bom chiến lược B-52, tên lửa phòng không Patriot và mới đây là nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Boxer đến khu vực nhằm gây áp lực với Iran.

Iran bất ngờ xuống nước với các quốc gia vùng Vịnh: Liệu có vượt qua được bức tường dày của Mỹ? - Ảnh 4.

Cuối cùng, để có thể đi đến ký kết một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau, các nước vùng Vịnh đòi hỏi Iran phải chấm dứt tài trợ và cung cấp vũ khí cho các tổ chức hồi giáo theo dòng Shia gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, rút tất cả vũ khí và đội quân Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) khỏi Syria, Iraq, từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo... và quan trọng hơn cả, Iran phải ngừng kế hoạch giành ảnh hưởng vượt trội tại Trung Đông. Đây là những đòi hỏi không dễ gì được Iran chấp nhận.

Iran bất ngờ xuống nước với các quốc gia vùng Vịnh: Liệu có vượt qua được bức tường dày của Mỹ? - Ảnh 5.

Không nên quá kỳ vọng vào việc sớm ký kết một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Iran và các nước vùng Vịnh.

Đến nay, chưa có nước nào tuyên bố hoan nghênh hay phản đối đề nghị này. Quả bóng vẫn đang nằm bên sân các nước Ả Rập vùng Vịnh. Dù sao, sáng kiến này của Tehran cũng là một bước nhằm tháo ngòi nổ cho tình hình căng thẳng hiện nay cần phải được xem xét tích cực.

Các bất đồng hiện nay giữa Iran và các nước Ả Rập vùng Vịnh chỉ có thể giải quyết được bằng các biện pháp ngoại giao. Hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực này chỉ có thể được đảm bảo khi đạt được thỏa thuận về một cơ chế an ninh tập thể với sự tham gia của Iran và các nước Ả Rập, trước hết là các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại