Tàu chiến ven bờ Mỹ chuẩn bị "lột xác" thành khinh hạm cực mạnh?

Hải Dương |

Hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ khi làm nhiệm vụ sẽ được hộ tống bởi đội tàu mặt nước gồm khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga.

Vào hôm 31/7, nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ dẫn đầu bởi siêu hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71) đã tiến hành cuộc tập trận tại vùng biển thuộc khu vực phía Đông Thái Bình Dương.

Tham gia hoạt động diễn tập này còn có khu trục hạm USS Kidd (DDG 100) lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) lớp Ticonderoga. Tuy nhiên sự chú ý lại tập trung vào tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10), bởi đây là lần đầu tiên lớp chiến hạm đặc biệt này phối hợp cùng tàu sân bay.

Câu hỏi được đặt ra là chiếc LCS 10 nắm giữ vai trò gì trong đội hình trên, bởi vũ khí mà nó mang theo chẳng thể đảm trách nhiệm vụ phòng không hay chống ngầm để bảo bảo vệ hoạt động của hàng không mẫu hạm trước nguy cơ từ các đòn tấn công của phía đối địch.

Tàu chiến ven bờ Mỹ chuẩn bị lột xác thành khinh hạm cực mạnh? - Ảnh 1.

Tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của Hải quân Mỹ

Các tàu chiến ven bờ của Hải quân Mỹ được thiết kế để bí mật xâm nhập vào vùng duyên hải của đối phương để tung đòn tấn công nhờ thiết kế có tính tàng hình cao và trang bị động cơ đẩy phản lực (pump-jet) tối ưu hóa cho hoạt động tại vùng nước nông.

Những chiếc LCS đều có khả năng kiêm luôn nhiệm vụ của tàu đổ bộ tấn công do sở hữu khoang đổ quân và sàn đáp trực thăng rất lớn, trong đó các tàu mang số chẵn thuộc lớp Independence còn có thể kiêm luôn chức năng tàu sân bay hạng nhẹ nếu mang theo tiêm kích hạm tàng hình cất hạ cánh thẳng đứng F-35B Lightning II.

Tuy nhiên khi tác chiến trong biên đội tàu sân bay thì những tính năng trên lại tỏ ra hoàn toàn không cần thiết. Với chỉ 1 khẩu pháo tự động Mk 110 cỡ 57 mm cùng 1 bệ phóng tên lửa SeaRAM, LCS 10 thậm chí còn là đối tượng cần được bảo vệ.

Tàu chiến ven bờ Mỹ chuẩn bị lột xác thành khinh hạm cực mạnh? - Ảnh 2.

Tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) chạy trước mũi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71)

Mặc dù vậy cần lưu ý rằng LCS là loại tàu chiến được thiết kế với kết cấu module tiên tiến, có thể dễ dàng tùy biến để thích ứng với từng nhiệm vụ cụ thể.

Khoảng không gian trống trên các tàu đã triển khai hiện vẫn chiếm tới 40% diện tích, nếu cần thiết con tàu sẽ bổ sung vũ khí chống hạm, chống ngầm và phòng không trong thời gian rất ngắn.

Khi được vũ trang đầy đủ, các tàu chiến ven bờ LCS sẽ thực sự trở thành những khinh hạm có sức mạnh cả tấn công lẫn phòng thủ rất đáng gờm.

Đây nhiều khả năng sẽ là hướng đi mà Hải quân Mỹ triển khai thí điểm trong thời gian trước mắt khi hạm đội của họ đang thiếu một lớp chiến hạm thay chế chiếc Oliver Hazard Perry trước kia.

Nếu được tích hợp bệ phóng đa năng Mk 41 vào khoảng không gian trống phía sau tháp pháo, chiếc LCS có thể phóng tên lửa phòng không SM-2/6 theo sự chỉ dẫn của radar Sea GIRAFFE 3D, tạo lớp phòng thủ khá tin cậy để bổ trợ cho các tàu khu trục Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga.

Phương án này tỏ ra rất đáng để thử nghiệm, nhất là khi dự án khinh hạm tương lai FFG-X của Hải quân Mỹ vẫn đang tiến triển rất chậm chạp. Việc để chiếc USS Gabrielle Giffords tham gia biên đội tác chiến tàu sân bay có lẽ chính là thử nghiệm đầu tiên của Washington.

Tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) khai hỏa pháo 57 mm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại