Tháng 7/2019 đã viết lại lịch sử khí hậu thế giới: Là tháng nóng nhất, lật đổ mọi kỷ lục

Trang Ly |

Khủng hoảng khí hậu là thứ con người đang đối mặt. Đáng buồn thay, chính chúng ta đang tự đào lỗ chôn mình vào hố sâu khủng hoảng này.

Tháng 7/2019 đã viết lại lịch sử khí hậu thế giới: Là tháng nóng nhất, lật đổ mọi kỷ lục - Ảnh 1.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo giai đoạn từ ​2015 đến 2019 sẽ là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

WMO cho hay, riêng tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trong lịch sử (so với các tháng 7 của các năm trước đó). Kỷ lục này xác lập sau khi tháng 6 của năm 2019 cũng trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử.

"Tháng 7/2019 đã viết lại lịch sử khí hậu thế giới với hàng chục kỷ lục nhiệt độ mới ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu. Những đám cháy dữ dội chưa từng thấy đã bùng phát ở Bắc Cực trong 2 tháng liên tiếp (tháng 6, 7), tàn phá trên diện rộng những khu rừng nguyên sinh, biến chúng từ nguồn hấp thụ CO2 thành nguồn phát thải khí nhà kính khổng lồ.

Đây không phải là khoa học viễn tưởng. Đây là hiện thực đáng sợ của biến đổi khí hậu. Nó đang xảy ra ngay bây giờ và ngày một xấu đi trong tương lai, bất chấp các hành động khẩn cấp về khí hậu để cứu lấy Trái Đất của con người." - Tổng thư ký của WMO Petteri Taalas lên tiếng.

Tháng 7/2019 đã viết lại lịch sử khí hậu thế giới: Là tháng nóng nhất, lật đổ mọi kỷ lục - Ảnh 2.

Năm 2019 chứng kiến nhiệt độ tăng kỷ lục ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Những kỷ lục về nhiệt độ này đang chứng minh dự báo '2019 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng' của các chuyên gia khí hậu là đúng đắn.

Sóng nhiệt, các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang gây nên những trận hỏa hoạn tàn phá các cánh rừng rộng lớn ở Siberia, các khối băng khổng lồ tại Greenland đang tan chảy với tốc độ kỷ lục, nguy cơ hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại Trung và Đông Âu...

Riêng châu Âu, châu lục vốn có khí hậu ôn hòa này đã phải liên tiếp hứng chịu các đợt nắng nóng khác thường, phá vỡ mọi nền nhiệt đã từng tồn tại trước đó. Nghiêm trọng nhất là ở Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh...

"Dù cho các mức nhiệt này phá vỡ mọi kỷ lục trước đó nhưng chúng không có khả năng duy trì như vậy trong thời gian dài. Chúng sẽ không làm nên lịch sử. Vì sao ư? Bạn đừng vội mừng, vì các mức nhiệt này sẽ lại bị phá vỡ trong vài năm nữa!" - Chuyên gia khí hậu học Friederike Otto, thuộc Đại học Oxford (Anh) cảnh báo.

Những gì chúng ta đang được chứng kiến về sóng nhiệt và nắng nóng kỷ lục ở châu Âu là minh chứng cho thấy đã đến lúc chúng ta hiểu lại về các mô hình khí hậu có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nắng nóng, mưa bão, sự nóng lên toàn cầu... giờ đã không bỏ sót bất cứ khu vực nào trên Trái Đất!

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, người đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia một Hội nghị thượng đỉnh khí hậu đặc biệt vào tháng 9 tới, cho biết các mùa trong năm đang đi chệch với quỹ đạo thông thường của chúng một cách đáng báo động. Mùa hè thì ngày càng gay gắt, mùa đông thì có nơi vô cùng khắc nghiệt có nơi lại ấm bất thường...

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra dự báo thời tiết mùa mưa bão 2019 rằng: Mùa bão 2019 ở Thái Bình Dương bắt đầu từ ngày 1/6 đến 30/11. Do tác động của El Nino, các cơn bão có xu hướng di chuyển về phía Tây Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là các quốc gia ở Đông Nam Á, Australia... có khả năng chịu nhiều bão hơn so với các khu vực còn lại ở Đông và trung tâm Thái Bình Dương.

Tháng 7/2019 đã viết lại lịch sử khí hậu thế giới: Là tháng nóng nhất, lật đổ mọi kỷ lục - Ảnh 3.

Theo công trình nghiên cứu của tập thể các nhà khí tượng học và khí hậu học thuộc Văn phòng khí tượng MET (Anh), Đại học Oxford (Anh) và các tổ chức khí hậu khác ở châu Âu, nguyên nhân khiến nhiệt độ cao bất thường trên toàn cầu không phải vì năm 2019 này xuất hiện hiện tượng El Nino (thường khiến nhiệt độ toàn cầu tăng), mà là vì sự nóng lên toàn cầu bị thúc đẩy bởi lượng lớn khí thải CO2 tăng ồ ạt từ các hoạt động quá tải của con người (giao thông, sản xuất công nghiệp, đốt rừng, sinh hoạt, dân số tăng...)

Bao nhiêu yếu tố (hợp thành biến đổi khí hậu nhân tạo) này đã cùng 'phát huy' tác hại của chúng, làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng diễn ra trên toàn cầu thời gian qua.

Tập thể các tác giả nhận định, mức nhiệt độ cực cao tại một số nước châu Âu (lên tới hơn 40 độ C) có thể tăng ít nhất từ 2 đến 3 lần do tác động từ các hoạt động của con người.

Thế kỷ 21 chứng kiến những hậu quả đáng sợ từ khí hậu, từ thiên nhiên, mà nguyên nhân lại đến từ chính con người và các hoạt động sinh sống của chúng ta. Nếu không sửa sai, e rằng cái giá mà chúng ta phải trả sẽ rất đắt!

Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đến kinh tế và các hoạt động khác. Thậm chí, các chuyên gia phải nói rằng, loài người hiện đại đang đối mặt với cuộc 'khủng hoảng khí hậu' thay vì biến đổi khí hậu như trước đây, để thể hiện sự cấp bách của vấn đề quy mô toàn thế giới này.

"Giờ không còn là 'biến đổi khí hậu' nữa, thứ mà thế giới đang đối mặt chính là 'khủng hoảng khí hậu" - Thượng nghị sĩ Mỹ Kamala Harris phát biểu trên The Guardian (Anh).

Về mặt khoa học, thuật ngữ 'biến đổi khí hậu' để chỉ sự thay đổi thực sự của khí hậu, nhưng thuật ngữ này quá nhẹ để mô tả mối đe dọa đang hiện hữu trên hành tinh mà (mặt trái) khí hậu mang lại. Phải hiểu rằng, không tự nhiên mà giới khoa học xếp 'biến đổi khí hậu' có nguy cơ tàn phá sự sống hành tinh, sánh ngang với chiến tranh hạt nhân hay thiên thạch khổng lồ tấn công Trái Đất.

Có thể nói, giới khoa học khí hậu thế giới đã mòn mỏi nhắc đi nhắc lại vấn đề về biến đổi khí hậu rất nhiều lần. Đối với nhiều người, đó là một vấn đề gì đó rất vĩ mô, rất xa vời.

Đúng là biến đổi khí hậu rất vĩ mô bởi tác động của nó có phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu, nhưng ít ai hiểu rằng, việc chúng ta đang chịu đựng những cái nắng nóng gay gắt, bất thường vào mùa hè; chịu đựng cái lạnh giá buốt mùa đông; những trận bão/siêu bão lớn, bất thường, khó dự đoán; những trận cháy rừng diện rộng... tất cả chúng đều là hệ quả 'có thể nhìn rõ' từ biến đổi khí hậu.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đưa ra một dẫn chứng, một sự kiện El Nino mạnh từ năm 1997 đến năm 1998 đã cướp đi 24.000 sinh mạng trên toàn cầu, gây thiệt hại kinh tế lên đến 34 tỷ USD.

Xa hơn nữa, biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu có thể khiến nước biển xâm lấn đất đai; gây khủng hoảng lương thực và nước sạch.

Chỉ vài thập niên tới thôi, những vấn nạn này sẽ trở nên nhức nhối và cấp bách hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu con người hành động ngay bây giờ có đủ thời gian để cứu Trái Đất?

Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại