2019 là năm ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ được giới khoa học khí hậu thế giới đưa ra. Với sự xuất hiện của El Nino, 2019 dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử. Đó là lý do, mùa hè năm 2019 cũng được cho là mùa hè khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.
Riêng tháng 6/2019, các nhà khí hậu kết luận là tháng nóng nhất trong nhiều năm qua trên quy mô toàn cầu, theo ghi nhận của Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng hơn 0,10 độ C so với tháng 6 nóng nhất từng lập kỷ lục trước đó (tháng 6/2016, năm có hiện tượng El Nino). Đáng lo ngại hơn, kỷ lục này có thể bị phá vỡ khi tháng 7/2019, nhiệt độ toàn cầu không có dấu hiệu giảm.
Tại châu Âu, châu lục vốn nổi tiếng có khí hậu ôn hòa đã liên tiếp hứng chịu những đợt nắng nóng, sóng nhiệt khắc nghiệt và bất thường, phá mọi kỷ lục nhiệt trong lịch sử. Tháng 6/2019 được CNN thông tin là tháng nắng nóng kỷ lục trong lịch sử của châu lục này.
C3S thông tin cụ thể: Nhiệt độ toàn châu Âu cao hơn 2 độ C so với các năm trong lịch sử. Trong đó, nhiệt độ nắng nóng tại Pháp, Đức, Ý, Áo, Thụy Sĩ liên tục phá vỡ mọi kỷ lục trước đó, cao hơn bình thường từ 6 - 10 độ C.
"Địa ngục đang đến!" là nhận định của Silvia Laplana, nhà khí tượng học Tây Ban Nha, nói về đợt nắng nóng tấn công châu Âu tháng 6 vừa qua.
Theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất trên Euro News, trong tuần cuối tháng 7/2019 này, châu Âu sắp phải hứng chịu một đợt nắng nóng dữ dội, hoành hảnh khắp miền Trung và Bắc Âu.
"Khối không khí nóng từ bán đảo Iberia sẽ khuấy đảo nhiều khu vực của châu Âu. Không chỉ gây nắng nóng vào ban ngày này còn không có dấu hiệu giảm mạnh vào ban đêm." - Nhà khí tượng học Paul Gundersen thuộc Văn phòng Met - Dịch vụ thời tiết quốc gia của Vương quốc Anh - cho biết.
Hiện nay, người dân châu Âu đang phải vật lộn với những đợt nắng nóng khốc liệt nhất trong lịch sử:
Theo nhận định của Met Office, kỷ lục nắng nóng tại Anh có thể bị phá vỡ trong tuần này, vượt qua mức 38,5 độ C - mức nhiệt cao nhất trong lịch sử Anh - ghi nhận tại hạt Kent (Đông Nam nước Anh) tháng 8/2003.
Chịu chung "số phận" với Anh là Pháp. Cơ quan khí tượng nước này cảnh báo, mức nhiệt kỷ lục có thể tiếp tục "tấn công" Pháp vào ngày 25/7 này. Với đợt nắng nóng này, Pháp có thể phải chịu mức nhiệt lên đến hơn 40 độ C.
Bản đồ nhiệt khuấy đảo nhiều khu vực châu Âu trong tuần này của C3S. Trình bày: Antonio Vecoli/C3S
Tại Bồ Đào Nha, nắng nóng gây cháy rừng khiến sở cứu hỏa quốc gia điều động hàng nghìn lính cứu hỏa nhằm ngăn chặn những đợt cháy rừng dữ dội, khiến hàng chục người bị thương.
C3S cảnh báo, nắng nóng có thể đặt các quốc gia là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý vào tình trạng "nguy hiểm cao độ" cho các nguy cơ cháy rừng trên diện rộng.
Euro News cho hay, các quốc gia vùng Scandinavi vốn ôn hòa cũng phải hứng chịu những cơn sóng nhiệt từ đợt nắng nóng này. Nhiều quốc gia ở châu Âu đưa ra cảnh báo đỏ (cao nhất) về nắng nóng trong tuần này.
Theo nhận định của các nhà khoa học Trái Đất, nắng nóng và sóng nhiệt chính là "sát thủ thầm lặng" đối với con người. Và càng về sau, con người càng phải đối mặt với "sát thủ" này nhiều hơn.
Điều đáng nói, các nhà khoa học nhận định, nắng nóng và sóng nhiệt chính là hệ quả từ biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Khi biến đối khí hậu, đặc biệt là biến đổi khí hậu nhân tạo trong thời đại công nghiệp bùng nổ này đang diễn biến ngày càng phức tạp thì việc con người phải hứng chịu những tác động khôn lường từ khí hậu bất thường.
Tờ Guardian của Anh trích dẫn công trình khí hậu đăng trên Tạp chí Nature Geoscience (2019) của tập thể các nhà khoa học quốc tế đưa ra hiện thực đáng lo: Do hậu quả của khí thải công nghiệp trong những năm gần đây, thế giới đã phải hứng chịu sự nắng nóng bất thường. Và không phải tác nhân nào khác, chính con người đã làm "biến dạng" khí hậu theo những cách chưa từng thấy trong lịch sử.
Các nghiên cứu chỉ ra sự nhất trí giữa các nhà khoa học khí hậu rằng các yếu tố con người (biến đổi khí hậu nhân tạo) từ khí thải xe hơi, ống khói nhà máy, phá rừng và các nguồn khí nhà kính khác - là tác nhân gây nóng lên toàn cầu mạnh mẽ thời đại này.
Nhiều năm qua, giới khoa học quốc tế đã mòn mỏi nói rằng: Hệ quả đáng sợ của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu là rất lớn, nếu không nói là sánh ngang với thảm họa thiên thạch và chiến tranh hạt nhân trên quy mô toàn cầu.
Hiểu đơn giản, những trận nắng nóng, sóng nhiệt, siêu bão, cháy rừng, hạn hán, băng tan, nước biển dâng xâm chiếm đất đai và có nguy cơ nhấn chìm nhiều hòn đảo... chính là hệ quả của biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Nếu không nhận thức đầy đủ tác động của con người đến khí hậu, thế giới sẽ khó lòng cứu Trái Đất trong tương lai. Trong khi đó, chúng ta vẫn hàng ngày phải hứng chịu những "cơn sốt nguy hiểm" từ khí hậu khôn lường thời thế kỷ 21.
Vì sao nói nắng nóng, sóng nhiệt là "sát thủ thầm lặng" của con người?
Thực tế cho thấy: Nắng nóng, sóng nhiệt, nóng lên toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người.
- Dưới khía cạnh tác động trực tiếp, sóng nhiệt có thể khiến nhiều người (người nghèo, người lao động ngoài trời...) tử vong; gây ảnh hưởng đến kinh tế.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông tin, một sự kiện El Nino mạnh từ năm 1997 đến năm 1998 đã cướp đi 24.000 sinh mạng trên toàn cầu, gây thiệt hại kinh tế lên đến 34 tỷ USD.
- Dưới tác động gián tiếp: Nắng nóng, nóng lên toàn cầu sẽ "hun nóng" nhiệt độ bề mặt đại dương, khiến cho các siêu bão, bão mạnh dễ xuất hiện với tần suất mạnh và khó lường hơn.
Không những thế, nhiệt độ toàn cầu tăng lên còn khiến băng ở 2 cực tan nhanh hơn khiến mực nước biển xâm lấn đất đai, có khả năng nhấn chìm các hòn đảo nhỏ trong tương lai.
Bài viết sử dụng các nguồn: The Guardian, Euro News
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.