Cố vấn an ninh quốc gia Philippines: 113 tàu Trung Quốc vây quanh đảo Thị Tứ

Hải Võ |

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon, Jr. ngày 31/7 nêu báo cáo có 113 tàu thuyền Trung Quốc được xác định di chuyển gần đảo Thị Tứ hồi tuần trước.

Ông Esperon phát biểu tại diễn đàn Kapihan sa Manila Bay: "Có quá nhiều tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 2 có 61 tàu. Ngày 24/7 vừa qua, có 113 tàu được xác định."

Ông cho biết thêm, hiện nay số tàu cá nói trên đã không còn xuất hiện ở vùng biển quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Cũng trong sáng nay, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thông báo trên Twitter rằng chính phủ nước này đã gửi công hàm phản đối liên quan việc hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc "lảng vảng" xung quanh đảo Thị Tứ.

Động thái của Bộ ngoại giao Philippines được đưa ra sau khi ông Esperon kiến nghị chính phủ gửi văn kiện phản đối theo hình thức này.

Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mới đây cho biết binh sĩ trên thực địa của nước này báo cáo, các tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi, Philippines 4 lần trong vòng 4 tháng.

Ông Lorenzana không loại trừ khả năng tàu sân bay Trung Quốc có thể đã di chuyển qua vùng biển Philippines trong đêm khiến quân đội nước này không quan sát thấy. Theo ông, 4 tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu đã tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), khiến chúng không thể bị theo dõi, nhưng vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dù vậy, việc tàu Trung Quốc tắt AIS là không bình thường.

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines: 113 tàu Trung Quốc vây quanh đảo Thị Tứ - Ảnh 1.

Ông Hermogenes Esperon, Jr. đưa ra một bản đồ số, cho thấy số lượng lớn tàu cá Trung Quốc hiện diện trong vùng nước xung quanh đảo Thị Tứ của Việt Nam ngày 24/7/2019 (Ảnh: Noy Morcoso/INQUIRER.net)

Liên quan đến các diễn biến ở đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/3 nêu rõ:

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Đồng thời Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực".

Vào đầu tháng 3, giới chức Philippines cáo buộc các tàu cá Trung Quốc ép ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn nằm trong lãnh hải đảo Thị Tứ - thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ngày 7/2 xác định có gần 100 tàu Trung Quốc - bao gồm tác tàu hải quân, tàu cảnh sát biển và tàu cá, áp sát khu vực đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018. Báo cáo cho rằng đây là nỗ lực gây sức ép nhằm buộc Manila ngừng hoạt động cải tạo ở đảo này.

Ngày 4/3, quân đội Mỹ điều hai máy bay ném bom B52 bay qua biển Đông. Chiến dịch được thông báo là nhằm duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của không quân Mỹ. Đến ngày 14/3, hai máy bay B52 khác được triển khai trong khu vực với mục tiêu hỗ trợ đồng minh, đối tác và củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại