Ông Duterte ngày 4/4 yêu cầu Trung Quốc "tránh xa" đảo Thị Tứ, và cho biết ông sẽ cho triển khai quân đội Philippines ở đây nếu Bắc Kinh xâm phạm đảo này.
Thông điệp của tổng thống Philippines được đưa ra sau thông cáo của Bộ ngoại giao nước này, gọi sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền Trung Quốc ở vùng nước xung quanh đảo Thị Tứ là "phi pháp". Ông Duterte nói phát ngôn của ông không phải là một lời cảnh cáo gửi đến Bắc Kinh, mà như một lời khuyên dành do bạn bè.
"Tôi sẽ không nài nỉ hay cầu xin, tôi chỉ nói với các vị (Trung Quốc) rằng hãy rời khỏi đảo Pagasa (cách gọi của Philippines đối với đảo Thị Tứ, thuộc chủ quyền Việt Nam), bởi tôi có binh lính ở đó. Nếu các vị đụng đến đảo này thì đó sẽ là câu chuyện khác. Tôi sẽ yêu cầu binh sĩ 'sẵn sàng cho nhiệm vụ cảm tử'."
Duterte nhiều lần nhắc lại rằng ông sẽ không đi đến chiến tranh với Trung Quốc bởi hành động đó là tự sát.
Trước đó, quân đội Philippines mô tả các tàu thuyền hiện diện gần đảo Thị Tứ là lực lượng "dân quân trên biển khả nghi".
Đại úy Jason Ramon, phát ngôn viên Bộ chỉ huy miền Tây thuộc quân đội Philippines, cho biết "Có nhiều lúc họ chỉ ở đó mà không hề đánh bắt cá. Cũng có khi họ chỉ đứng yên".
"Những hành động như vậy, khi không bị chính phủ Trung Quốc phủ nhận, thì được xem như là họ đã chấp nhận," Bộ ngoại giao Philippines tuyên bố trong thông cáo chỉ trích hiếm thấy nhằm vào Bắc Kinh.
Tổng thống Duterte đã theo đuổi chính sách hòa dịu với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, để đổi lại hàng tỉ USD cam kết tín dụng và đầu tư. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không cho phép Trung Quốc chiếm đảo Thị Tứ.
Theo Manila, sự hiện diện của các tàu bè Trung Quốc gần đảo Thị Tứ làm dấy lên nghi vấn về mục đích và vai trò của chúng "trong việc hỗ trợ những mục đích cưỡng chế".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không đề cập trực tiếp sự phản đối của Manila. Ông Cảnh nói rằng các cuộc đối thoại song phương về vấn đề biển Đông tổ chức ở Philippines hôm 3/4 đã diễn ra "thẳng thắn, hữu nghị, và mang tính xây dựng".
Hồi tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bảo đảm với Philippines rằng Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh này nếu họ bị tấn công ở biển Đông.
Đề cập vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Thị Tứ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/3 vừa qua khẳng định:
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Đồng thời Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực."