Ráo riết "chiêu binh mãi mã" cho tàu sân bay, Trung Quốc có kế hoạch lớn gì?

Hải Võ |

Trung Quốc đang ráo riết tuyển dụng phi công điều khiển chiến đấu cơ trên tàu sân bay - tín hiệu rõ ràng thể hiện tham vọng hải quân của nước này.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Trung Quốc đã chiêu mộ lượng học viên phi công điều khiển chiến đấu cơ trên tàu sân bay trong năm 2019 nhiều hơn 41% so với năm 2018. Đây là con số đáng kể trong bối cảnh lĩnh vực tàu sân bay của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.

Kỳ tuyển dụng phi công thường niên của hải quân Trung Quốc đã kết thúc vào đầu tháng 7 vừa qua.

Quân giải phóng nhân dân (PLA) hiện đang sở hữu và vận hành duy nhất tàu sân bay Liêu Ninh, trong khi tàu sân bay thứ hai - do Trung Quốc tự sản xuất - được kỳ vọng sớm đưa vào biên chế, và tàu sân bay thứ ba đang trong quá trình chế tạo.

"Trung Quốc đang huấn luyện nhiều phi công hơn cho tàu sân bay, và xu hướng này sẽ tiếp tục để bảo đảm việc vận hành chiến hạm," chuyên gia quân sự ẩn danh bình luận với Hoàn Cầu, nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không chỉ có thêm nhiều mẫu hạm trong tương lai mà kích thước của các tàu này cũng sẽ to lớn hơn, cho phép chúng mang theo nhiều máy bay hơn và do đó nhu cầu về số lượng phi công cũng lớn theo.

Xử lý chiến đấu cơ trên tàu sân bay được biết đến là một nhiệm vụ khó khăn. Nhiều phi công đăng ký tham gia chương trình của PLA đã không thể vượt qua những vòng sơ tuyển. Trên 4.500 phi công vượt qua vòng kiểm tra ban đầu năm nay, gần gấp đôi so với con số 2.600 năm ngoái. Khoảng 800 phi công tiếp tục tiến được vào vòng tuyển chọn cuối cùng, nhưng số lượng chính xác mà PLA tiếp nhận không được công khai.

Ráo riết chiêu binh mãi mã cho tàu sân bay, Trung Quốc có kế hoạch lớn gì? - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ J-15cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận trên biển Đông (Ảnh: REUTERS/Stringer)

Theo trang Insider, Lầu Năm Góc đánh giá tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ "to lớn hơn và được trang bị hệ thống phóng", cùng với thiết kế "cho phép hỗ trợ máy bay tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định, và hoạt động bay nhanh hơn".

Wang Yunfei, chuyên gia hải quân và là cựu sĩ quan trên tàu khu trục của PLA, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng đến năm 2035 Trung Quốc cần có ít nhất 6 mẫu hạm.

"Đất nước cần tiếp tục phát triển [tàu sân bay] cho đến khi đạt được cấp độ bằng với Mỹ," ông Wang nói.

Quân đội Mỹ có tổng cộng 11 tàu sân bay hạt nhân với nhiều sức mạnh vượt trội so với khả năng của mẫu hạm Trung Quốc hiện nay hay trong tương lai gần. Bên cạnh công nghệ ưu việt, hải quân Mỹ còn có hàng thập kỷ kinh nghiệm vận hành các tàu sân bay.

Trong khi Trung Quốc đang gây dựng hạm đội của riêng mình, việc đào tạo phi công cho tàu sân bay là cần thiết bởi đây vẫn được coi là điểm yếu của hải quân nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại