Ông Lorenzana gặp ông Triệu tại buổi lễ đọc diễn văn Thông điệp quốc gia của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 22/7.
Bộ trưởng Lorenzana trả lời CNN Philippines cho hay, "Theo lời ông Triệu, tàu Liêu Ninh đã không đi qua eo biển Sibutu, nhưng tôi nói với ông ấy rằng theo lời các binh lính trên thực địa của chúng tôi thì đã có 4 trường hợp các chiến hạm Trung Quốc di chuyển qua đây."
Đại sứ Triệu Giám Hoa cam kết với ông Lorenzana rằng sẽ đề nghị hải quân Trung Quốc cung cấp thông tin cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nếu có sự vụ tàu chiến nước này di chuyển qua vùng biển của Philippines, sau đó sẽ có câu trả lời đối với Bộ quốc phòng Philippines.
Trước đó, các binh sĩ của Philippines nói rằng các tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi, Philippines 4 lần trong vòng 4 tháng, nhưng tàu Liêu Ninh không được ghi nhận trong số đó.
"Tôi đã hỏi chỉ huy quân đội ở Tawi-Tawi, đại tá Camilo Balutan, và ông ấy cho biết họ không thấy tàu sân bay nào di chuyển qua eo biển trong 6 tháng qua, nhưng theo ông thì có 4 trường hợp các chiến hạm của Trung Quốc đi qua đây," ông Lorenzana nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng quốc phòng Philippines không loại trừ khả năng tàu sân bay Trung Quốc đã di chuyển trong đêm nên quân đội Philippines không quan sát thấy. Theo ông, 4 tàu hải quân Trung Quốc đã đi qua eo biển Sibutu nhưng tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), khiến chúng không thể bị theo dõi, nhưng vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dù vậy, việc tàu Trung Quốc tắt AIS là không bình thường.
Ông nói thêm, đây cũng có thể là lý do khiến binh lính Philippines không báo cáo về tàu sân bay Liêu Ninh.
"Họ (tàu Liêu Ninh) có thể di chuyển qua [eo Sibutu] trong đêm. Do họ không mở hệ thống nhận dạng AIS nên radar của chúng tôi không thể xác định được, cũng như những người canh gác không thể nhìn thấy họ vì trời tối," ông nói.
Lorenzana cho biết ông sẽ tiếp tục yêu cầu đại diện Trung Quốc làm rõ vấn đề này. "Tôi không hiểu tại sao ông ấy (đại sứ Triệu Giám Hoa) không thừa nhận điều đó," Bộ trưởng nói.
Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa (phải) và Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (Ảnh: The STAR/KJ Rosales)
Trong khi đó, các hãng thông tấn Philippines đăng tải một bản đồ do truyền thông Đài Loan cung cấp, được cho là lộ trình di chuyển gần đây của tàu sân bay Liêu Ninh, cho thấy chiến hạm này có đi qua eo biển Sibutu. Theo bản đồ này, mẫu hạm Trung Quốc đã đi từ eo biển Đài Loan, tiến về phía Tây Nam và đi xuống đảo Mindanao, trước khi tiến vào biển Đông từ phía nam tỉnh Palawan, Philippines.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận hành trình này. Trong thông cáo đăng trên website của mình, cơ quan này nói quân đội Đài Loan đang theo dõi các động thái của tàu Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ tống.
Ông Lorenzana nhắc lại vụ việc một tàu Trung Quốc hiện diện ở vùng biển Benham Rise vào năm 2017, nhưng đã tắt AIS khiến radar không thể nhận diện.
"Có thể họ làm điều này một cách cố ý để không bị nhận ra," Lorenzana nói với CNN ngày 29/7, đề cập việc các tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu. "Chúng tôi nghi ngờ họ đang thực hiện điều gì đó hơn là lưu thông vô hại."
Theo luật biển quốc tế, tàu thuyền nước ngoài có quyền lưu thông vô hại qua vùng biển của nước khai nếu không làm ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự và an ninh nước sở tại. Ông Lorenzana nói chiến hạm nước ngoài có thể di chuyển qua vùng biển Philippines, nhưng cần phải thông báo với nhà chức trách Philippines về sự hiện diện của mình.