Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN

Hoàng Phương |

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cáo buộc Trung Quốc công khai xem thường luật pháp quốc tế và sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng.

Biển Đông sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi quan chức này đến Đông Nam Á vào tuần sau.

"Sự quan tâm dường như ngày càng gia tăng tại khu vực (đối với tình hình biển Đông), trong đó có các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), cũng như mong muốn bảo đảm bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng đều phải phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, cụ thể là luật biển. Những vấn đề này sẽ được nêu ra và rõ ràng chúng tôi muốn bảo đảm sự ổn định tại đó" - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26-7 cho biết.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến thủ đô Bangkok - Thái Lan ngày 30-7 để dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan. Tại đây, ông Pompeo sẽ dự một số hội nghị, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN(ARF)... cũng như có bài phát biểu về sự gắn kết kinh tế của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo Bangkok Post hôm 27-7 dẫn lời một quan chức Thái Lan cho biết biển Đông là một trong những nội dung được bàn đến tại các cuộc họp ở Bangkok.

Theo đài NHK, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN dự kiến bày tỏ quan ngại về những hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị sắp tới.

Trước thềm chuyến đi trên của ông Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại trước thông tin Trung Quốc đang cản trở hoạt động khai thác dầu khí của các nước ở biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành vi bắt nạt, khiêu khích và gây bất ổn. Một quan chức ngoại giao Mỹ nhận định với hãng tin AP rằng một loạt vụ việc gần đây ở biển Đông, như tàu Hải quân Trung Quốc đâm vào tàu cá Philippines, đi ngược lại tuyên bố quan tâm đến hòa bình và an ninh tại khu vực mà Bắc Kinh hay đưa ra.

Chưa hết, cộng đồng quốc tế còn tiếp tục công kích mạnh mẽ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông. Hôm 26-7, nghị sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát. Tuyên bố nêu rõ sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và các quyền hợp pháp trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Ngoài ra, theo tuyên bố, hành vi của Trung Quốc đang đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực này.

"Tuần trước, khi có thông tin về các tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc vào EEZ của Việt Nam, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi EEZ của mình song các yêu cầu này đã bị Trung Quốc cố tình phớt lờ. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc" - tuyên bố nêu rõ. Nghị sĩ Engel đã kêu gọi Bắc Kinh ngay lập tức rút tàu ra khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này.

Trước đó, trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, nghị sĩ Mike Gallagher thuộc Đảng Cộng hòa ở Mỹ cũng chỉ trích "những hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông là không thể chấp nhận được". Ông Gallagher đã thúc giục quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật lưỡng đảng của ông và nghị sĩ Jimmy Panetta để đáp trả hành động của Bắc Kinh ở khu vực này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại