Căng thẳng Anh-Iran chạm đỉnh, ông Rouhani thẳng thừng đề xuất phương án "giữ thể diện" cho cả hai bên

Tất Đạt |

Đây là động thái bất ngờ giữa lúc Iran và Anh lâm vào bế tắc vì các vụ bắt giữ tàu chở dầu.

Theo Guardian, phía Iran đã ngầm hàm ý muốn giảm bớt căng thẳng với Anh thông qua việc trao đổi hai tàu chở dầu bị bắt giữ.

"Chúng tôi không muốn tiếp tục căng thẳng với các quốc gia Châu Âu," tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố trong cuộc họp nội các. "Nếu Anh từ bỏ những hành động sai trái ở Gibraltar, họ sẽ nhận được phản ứng tương ứng từ Iran."

Thông điệp này được đưa ra 2 ngày sau khi Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi tới Tehran vào tuần này để đàm phán việc thả tàu Anh Stena Impero theo đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt. Con tàu này đã bị lực lượng Iran bắt giữ tại Eo biển Hormuz vào ngày 19/7 vừa qua.

Thủ tướng Iraq tiết lộ: "Tôi đã nhận cuộc gọi từ Bộ trưởng Quốc phòng Anh để đàm phán mối quan hệ song phương, khủng hoảng khu vực, những nỗ lực giảm căng thẳng cũng như hòa giải mâu thuẫn giữa các nước và số phận của những con tàu đang bị bắt giữ."

Iran cho biết đã bắt giữ tàu Stena Impero sau khi Anh giữ tàu Grace 1 của Iran ngoài biển Gibraltar. Văn phòng Đối ngoại của Anh cho biết các cuộc đàm phán với quan chức Iran tại London về việc thả tàu dầu Iran đã đổ vỡ sau khi Tehran bất ngờ quyết định bắt giữ Stena Impero. Anh đã đề nghị thả tàu Grace 1 nếu Iran đảm bảo rằng con tàu này sẽ không đưa dầu Iran tới cảng Syria nữa. Anh tuyên bố việc bán dầu thô để tinh chế bị cấm theo luật EU.

Một nghiên cứu cho hay việc bắt giữ tàu Iran là đúng với luật Gibraltar - tuy nhiên luật này mới được thông qua vào ngày 3/7, một ngày trước ngày bắt giữ.

Michlle Linderman, tác giả của nghiên cứu, cũng cho biết cấm vận chỉ được áp dụng nếu con tàu ở trong vùng biển Gibraltar vào thời điểm bị bắt giữ.

"Cành ô liu" từ ông Rouhani về việc trao đổi tàu bị bắt giữ là một phần trong hàng loạt các tuyên bố của Iran, xen lẫn giữa sự đe dọa và thiện chí đàm phán.

Hossein Dehqan, cố vấn của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, cho rằng tất cả các trang thiết bị của quân đội Mỹ ở khu vực có thể sẽ bị đưa ra làm mục tiêu nếu Washington quyết định gây chiến.

Ông Dehqan cũng nhấn mạnh rằng nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ sẽ phải đối diện với Iran và toàn bộ đồng minh của Tehran. Điều này có nghĩa rằng bất kì thay đổi nào ở Eo biển Hormuz cũng có thể làm tăng căng thẳng và mở cánh cửa cho tương lai "đen tối".

Cũng trong cuộc họp, ông Rouhani nói sẽ tiếp tục rời xa khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trừ khi các nước châu Âu dỡ các cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Tehran.

"Chúng tôi sẽ bước tiếp bước thứ 3," ông Rouhani tuyên bố giữa bối cảnh Iran đã phá vỡ mức làm giàu uranium được cho phép.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại