Theo các nguồn tin, một tàu chở dầu bỏ hoang ngoài khơi Yemen đang có nguy cơ "nhuộm đen" cả Biển Đỏ. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc tích tụ khí gas dễ bay hơi trên con tàu có thể gây ra một vụ nổ thảm họa và làm loang hàng triệu lít dầu xuống biển.
Được biết, con tàu này thuộc về Tập đoàn Dầu khí Yemen. Hiện tại, tàu đang neo đậu gần cảng Ras Isa của Yemen, chứa khoảng 1,1 triệu thùng dầu nhưng đã bị mắc kẹt tại địa điểm này từ năm 2015. Tuy nhiên, vì không được bảo dưỡng trong nhiều năm, con tàu xuống cấp nhanh chóng và có nguy cơ gây ra một thảm họa toàn cầu, thậm chí vượt qua nhiều thảm họa khác trong lịch sử.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề về nhân đạo Mark Lowcock nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, phụ thuộc vào thời điểm trong năm và các dòng hải lưu, dầu loang từ tàu chở dầu có thể nhanh chóng được đưa tới Kênh đào Suez, và có thể đi tới tận Eo biển Hormuz.
"Tôi sẽ để mọi người tự tưởng tượng hậu quả kinh hoàng của thảm họa tràn dầu đối với môi trường, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa và với nền kinh tế thế giới. Cần phải thảo luận để giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt."
Ông Lowcock cho biết đội ngũ của ông đã lên kế hoạch đánh giá rủi ro của tàu chở dầu, nhưng cho biết chính quyền địa phương đã tỏ ra không hợp tác và không cung cấp những giấy phép cần thiết cho hoạt động điều tra.
Mặc dù lực lượng Houthi ở Yemen ban đầu đã đưa ra yêu cầu để hỗ trợ vấn đề tàu chở dầu, nhưng ông Lowcock cho biết chính quyền Houthi "liên tục trì hoãn" mọi biện pháp giải quyết vấn đề.
Trước đó, chính quyền do lực lượng Houthi dẫn đầu đã yêu cầu được phép lấy lại lượng dầu có giá trị gần 60 triệu USD sau khi con tàu bị thu hồi. Tuy nhiên, cấm vận quốc tế đã khiến kế hoạch này không thể thực hiện được, và có thể đây là lí do cho việc chính quyền Yemen do dự trước đề xuất của LHQ.
Từ khi cuộc nội chiến Yemen nổ ra vào năm 2015, có hai chính phủ đòi quyền làm chủ hợp pháp ở Yemen, nhưng chỉ có chính phủ được Ả Rập Saudi hậu thuẫn được quốc tế thừa nhận.
Cuộc mâu thuẫn đã đẩy quốc gia này trở thành một trong những nơi chịu thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới - theo số liệu từ LHQ và các tổ chức nhân quyền. Hơn 14 triệu người Yemen đã phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế bằng cách này hoặc cách khác trong khi dân số nước này chỉ có 24 triệu người.
Trả lời CNN, Doug Weir, một chuyên gia chính sách tại Cơ quan Quan sát Xung đột và Môi trường có trụ sở tại Anh cho biết một "vụ nổ dầu" hoàn toàn có thể sẽ xảy ra, thậm chí sẽ nổ rất mạnh. Vụ nổ sẽ không chỉ gây nguy hại lớn cho môi trường mà còn đe dọa tới tính mạng của người hoặc sinh vật có mặt vào thời điểm tàu phát nổ.
Con tàu chở dầu mắc kẹt trong nhiều năm qua ngoài khơi Yemen có nguy cơ phát nổ.