Diễn biến bất ngờ
Hôm qua (23/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã gửi một thông đẹp rõ ràng rằng hai phía đang thử nghiệm giới hạn của việc hợp tác quân sự trên vùng biển Thái Bình Dương.
Cụ thể, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều phải cử chiến đấu cơ để phản ứng lại hoạt động tập trận chung tầm xa của máy bay quân sự Nga, Trung Quốc.
Mọi chuyện đã diễn biến phức tạp hơn dự kiến. Theo Hàn Quốc, hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc và hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ). Tham mưu trưởng Hàn Quốc tuyên bố các chiến đấu cơ Hàn Quốc đã bắn 360 phát đạn cảnh cáo nhằm vào máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 của Nga sau khi phát hiện xâm phạm không phận.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản sau đó lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Hàn Quốc, cho rằng máy bay A-50 cũng xâm phạm không phận của Nhật Bản trong khi các máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc bay quanh lãnh thổ nước này.
Phía Seoul cho biết máy bay A-50 đã bay trên quần đảo đang tranh chấp chủ quyền giữa Seoul và Tokyo trên Biển Nhật Bản, hòn đảo này được phía Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima.
Moskva phản đối phát ngôn của Seoul, cho rằng máy bay quân sự Hàn Quốc đã can thiệp một cách nguy hiểm đối với hai máy bay ném bom của Nga ở trên vùng biển trung lập.
Sau đó ít lâu, quân đội Nga cho biết các máy bay của nước này đã cùng tham gia vào "cuộc tuần tra chung" với các máy bay tầm xa của Trung Quốc.
Vậy chính xác Nga và Trung Quốc đang mong muốn điều gì ở lần tập luyện này?
Theo CNN, đây là một bài kiểm tra sơ khai về hoạt động liên minh quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh. Trong bài phát biểu vào chiều ngày 23/7, Bộ Quốc phòng Nga nói chiến dịch này là "Cuộc tuần tra không quân chung đầu tiên sử dụng máy bay tầm xa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" của lực lượng Nga và Trung Quốc.
"Cuộc tuần tra chung được tiến hành nhằm làm sâu sắc và phát triển mối quan hệ Trung-Nga trong bối cảnh mối quan hệ đối tác toàn diện [giữa Moskva và Bắc Kinh] đang được củng cố, tiếp tục tăng cường mức độ tương tác giữa lực lượng quân sự giữa hai quốc gia, cải thiện năng lực hành động quân sự chung và củng cố sự ổn định chiến lược quốc tế," thông báo nói.
Mối quan hệ đối tác Nga-Trung Quốc đã được thể hiện từ trước sự kiện ngày hôm qua. Năm ngoái, Nga đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất từ sau khi Liên Xô tan rã và có mời cả quân đội Trung Quốc và Mông Cổ.
Cuộc tập trận với tên gọi Vostok 2018 đã diễn ra giữa lúc cuộc gặp mặt song phương giữa tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức ở thành phố Vladivostok.
Nằm cách Moskva 7 múi giờ, thành phố này là căn cứ của Nga trong việc củng cố sức mạnh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và Bắc Kinh trong những năm gần đây đã cử tàu chiến tới cảng chiến lược nhằm tham gia cuộc tập trận hải quân chung.
Ông Putin đã tổ chức diễn đàn thường niên tại đây để quảng bá các mũi nhọn kinh tế của Nga tới châu Á.
Tuy nhiên, theo CNN, vụ việc ngày 23/7 có thể sẽ gây nguy hiểm đối với mối quan hệ đối tác Nga-Trung.
Mặc dù hai quốc gia không có hiệp ước phòng thủ chung - như Mỹ có với Nhật Bản và với các nước NATO - cuộc tập trận có thể sẽ là bài kiểm tra đối với năng lực hợp tác của quân đội Trung Quốc và Nga ở mức thực tiễn.
Artyom Lukin, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho biết, Moscow và Bắc Kinh đã liên tục củng cố cái gọi là "liên minh ảo". Ông nhận định hai phía đã tuần tra để "thể hiện sức mạnh chung của họ cũng như gửi thông điệp tới Tokyo, Seoul và Washington."
"Thẳng thắn mà nói, tôi rất bất ngờ khi đọc tin này. Tôi không nghĩ rằng Nga-Trung sẽ thể hiện một cách công khai và thách thức như vậy".
Ông Putin có mối quan hệ khá tốt đẹp với ông Tập. Tháng trước, ông Putin đã công khai ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc đối đầu kinh tế với Washington. Hiện tại, cả thế giới sẽ theo dõi liệu ông Tập và ông Putin có cùng "sát cánh" trong các mâu thuẫn quân sự hay không.