4 chiến thắng vĩ đại từng giúp Nga thoát khỏi nguy cơ "bị xóa vĩnh viễn khỏi bản đồ"

Quốc Vinh |

Chiến thắng quân sự thường mang lại cho Nga những lãnh thổ mới, danh tiếng và tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, có những chiến thắng cần thiết để giúp cho Nga tiếp tục tồn tại mà không bị xóa khỏi bản đồ vĩnh viễn.

Trận Kulikovo (1380)

Vào giữa thế kỷ 14, các lãnh thổ Nga đã phải chịu sự khuất phục về kinh tế và chính trị đối với Mông Cổ gần 150 năm và hầu như không có cơ hội thoát khỏi điều đó trong tương lai, theo RBTH.

Tuy nhiên, khi Golden Horde (Hãn Quốc Kim Trướng) phải đối mặt với một cuộc đấu tranh quyền lực ở thời điểm đó, người Nga hiểu rằng họ đang có cơ hội để tự giải phóng mình.

Mạnh nhất trong số các lãnh thổ của Nga khi đó là Đại công quốc Moscow, đã thách thức tướng Mamai, người đã chiếm quyền lực ở Horde. Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm bằng trận giao tranh trên Cánh đồng Kulikovo gần sông Don, cách Tula không xa, vào năm 1380.

Không có thông tin chính xác về số lượng quân tham gia, nhưng giới sử gia tin rằng tổng số chiến binh là khoảng 60.000 người.

4 chiến thắng vĩ đại từng giúp Nga thoát khỏi nguy cơ bị xóa vĩnh viễn khỏi bản đồ - Ảnh 1.

Nga đã từng bước thoát khỏi ảnh hưởng từ Đế quốc Mông Cổ trong quá khứ.

Tưởng rằng sắp sửa thất bại, người Nga bất ngờ lật ngược tình thế bằng cách kêu gọi viện binh tấn công kỵ binh Mông Cổ ở phía sau. Từ bờ vực thua cuộc, người Nga đã biến thành một chiến thắng lớn. Bị nghiền nát, quân Mông Cổ rút lui.

Mặc dù chiến thắng này không giải phóng được người Nga khỏi sự phụ thuộc vào Đế quốc Mông Cổ nhưng nó được coi là tiền đề cho sự phát triển và độc lập của Nga sau này.

Danh tiếng về sức mạnh quân sự của người Mông Cổ bị giảm đi đáng kể và Đại công quốc Moscow đã kiên định thể hiện mình là trung tâm chính trị của các lãnh thổ Nga.

Người Mông Cổ từ đó đã không còn muốn tái khẳng định ảnh hưởng của họ đối với các vùng đất Nga, và vào năm 1480 - một thế kỷ sau trận Kulikovo - cuộc giải phóng được chờ đợi từ lâu cuối cùng đã diễn ra.

Trận Poltava (1709)

4 chiến thắng vĩ đại từng giúp Nga thoát khỏi nguy cơ bị xóa vĩnh viễn khỏi bản đồ - Ảnh 2.

Thụy Điển đã bị một thế lực ở phía Đông châu Âu thách thức vào thế kỷ 18.

Mặc dù trận Đại chiến Bắc Âu nổi tiếng trong lịch sử diễn ra từ thế kỷ 18 xa xôi, nhưng kết quả của nó đã quyết định số phận của Nga và Thụy Điển cho đến ngày nay.

Thụy Điển thời đó là bá chủ của Bắc Âu và có một trong những đội quân mạnh nhất thế giới. Bất ngờ thay, quốc gia này bị thách thức bởi một thế lực ít danh tiếng ở phía Đông châu Âu.

Người Thụy Điển thực sự đã thua cuộc chiến trước cả khi nó chính thức kết thúc vào năm 1721. Trong trận Poltava năm 1709, Peter Đại đế đã mang đến cho họ một thất bại nặng nề.

Trong những năm đầu tiên của cuộc chiến, Quốc vương Karl XII của Thụy Điển đã luôn thể hiện sự bất bại khi nhiều lần chiến thắng Nga và các đồng minh: Sachsen, Ba Lan và Đan Mạch.

Để kết liễu kẻ thù của mình, Karl đã tổ chức một chiến dịch tiến sâu vào lãnh thổ Nga, nhưng bị mắc kẹt tại thành phố Poltava, nơi quân đội ông bị bao vây. Ở đó, vào ngày 8/7, quân đội Thụy Điển phải đối mặt với quân đội Nga do Peter Đại đế lãnh đạo, trong một cuộc chiến quyết định.

Quân đội Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công của bộ binh và kỵ binh Thụy Điển hung hãn và có cơ hội tiến hành một cuộc phản công. Điều này buộc người Thụy Điển phải rút lui, và chẳng mấy chốc, cuộc rút lui đã biến thành sự hỗn loạn.

Quân đội Thụy Điển đã mất gần 7.000 người, trong khi tổn thất của Nga là khoảng 1.300. Hai ngày sau, gần 16.000 binh sĩ Thụy Điển đã đầu hàng người Nga tại cầu vượt sông Dnieper.

Chiến thắng tại Poltava đã mang lại cho Nga mọi quyền sắp đặt cho đến khi cuộc chiến chính thức kết thức. Uy tín quân sự của Nga lên đến đỉnh cao và người châu Âu bắt đầu ca tụng Nga như một đế chế, mặc dù Peter Đại đế chỉ chính thức tuyên bố mình là hoàng đế vào năm 1721.

Trận Stalingrad (1942-1943)

4 chiến thắng vĩ đại từng giúp Nga thoát khỏi nguy cơ bị xóa vĩnh viễn khỏi bản đồ - Ảnh 3.

Trận Stalingrad nổi tiếng.

Stalingrad mang ý nghĩa to lớn đối với Đức quốc xã. Là một trung tâm công nghiệp lớn trên sông Volga, đây là một ngã tư kết nối khu vực Trung Nga với khu vực Kavkaz và Trung Á. Hơn cả, một khi chiếm được "Thành phố Stalin", đó sẽ là một chiến thắng khổng lồ về mặt tuyên truyền cho Hitler.

Vào tháng 9/1942, các cuộc đụng độ ác liệt bắt đầu trên đường phố. Những người lính Nga bị lấy mất các cứ điểm quan trọng, họ giành lại chúng và lại đánh mất một lần nữa.

Các nhà máy sản xuất vũ khí chỉ cách chiến tuyến vài km tiếp tục sản xuất ngay cả khi các cuộc đụng độ nổ ra ngay tại đó.

Vào tháng 11, 2 triệu binh sĩ từ cả hai phía đã chiến đấu để kiểm soát thành phố. Người Đức được các đơn vị của quân đội Ý, Croatia, Hungary và Rumani giúp đỡ. Tuy nhiên, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho phe Hitler thất bại.

Khi quân đội Đức tấn công sâu vào thành phố, quân đội Rumani tỏ ra hụt hơi so với các đồng minh. Vào ngày 19/11, quân đội Liên Xô đã phát động Chiến dịch Uranus, phá vỡ các tuyến quân của Rumani và bao vây Quân đoàn 6 của Đức. Đến tháng 1 năm sau, Liên Xô đã chính thức loại bỏ kẻ thù.

Chiến thắng tại Stalingrad có tác động lớn về quân sự và chính trị cho quân Đồng minh, và thường được coi là bước ngoặt của Thế chiến II. Đức phải chịu một thảm họa lớn và buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình ở Mặt trận phía Đông.

Trận Kursk (1943)

4 chiến thắng vĩ đại từng giúp Nga thoát khỏi nguy cơ bị xóa vĩnh viễn khỏi bản đồ - Ảnh 4.

Trận Kursk tiếp tục là thất bại cay đắng của Đức.

Được coi là một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử thế giới, trận Kursk có sự tham gia của hơn 3 triệu binh sĩ ở cả hai phía. Đức muốn trả thù trận Stalingrad và giành lại thế chủ động.

Kế hoạch của Hitler là bao vây quân đội Liên Xô gần Kursk bằng hai cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, quân đội Liên Xô đã chuẩn bị sẵn cho cuộc tấn công này và đứng vững.

Trận Kursk cũng chứng kiến ​​trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử (có sự tham gia của hơn 1.000 xe tăng), diễn ra gần Prokhorovka. Xe tăng Tiger mới và đầy uy lực của Đức đã chiến đấu với T-34 nổi tiếng của Liên Xô. Tuy nhiên, cả hai đều chịu tổn thất lớn và không bên nào có thể giành chiến thắng.

Sau khi cuộc tấn công của Đức dừng lại, Liên Xô bắt đầu phản công, dẫn đến một bước đột phá nhanh chóng.

Trận Kursk được coi là sự nối tiếp chiến thắng tại Stalingrad. Người Đức đã thất bại trong nỗ lực cuối cùng nhằm giành lại thế chủ động ở Mặt trận phía Đông. Quân đội Liên Xô đã nắm quyền kiểm soát và tiến tới chiến thắng toàn diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại