Ông Putin vung tiền mua sắm vũ khí hiện đại: Ngành CNQP Nga "nợ như chúa Chổm"

Anh Tú |

Theo các quan chức và giới phân tích công nghiệp quốc phòng Nga, phần lớn các khoản nợ xấu đã tồn đọng từ nhiều năm nay và sẽ khó mà chi trả được.

Trong thập kỷ qua, việc Tổng thống Vladimir Putin bỏ ra 20 nghìn tỷ rúp (300 tỷ USD) để mua sắm vũ khí đã mang lại cho Nga nhiều phương tiện hiện đại, chẳng hạn như các đầu đạn tên lửa siêu âm và tàu ngầm không người lái tiên tiến.

Tuy nhiên, hoạt động chi tiêu "quá tay" trên cũng đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga rơi vào cảnh khốn đốn với một khoản nợ khổng lồ mà theo các quan chức cao cấp ở Moscow là nó đang bóp nghẹt lĩnh vực chiến lược quan trọng bậc nhất này của Nga.

"Ngành công nghiệp Quốc phòng Nga hiện nay đang phải sống theo cảnh "giật gấu vá vai" và không đủ tiền để đầu tư vào các công nghệ mới quan trọng", Phó Thủ tướng Yuri Borisov chia sẻ trong một hội nghị đầu tháng 7/2019.

Theo các quan chức và các nhà phân tích công nghiệp quốc phòng Nga, phần lớn các khoản nợ xấu đã tồn đọng từ nhiều năm nay và sẽ khó mà chi trả được. Đây là hậu quả từ các sai lầm trong quản lý và hoạt động không hiệu quả tại phần lớn các công ty sản xuất vũ khí nhà nước Nga.

Ông Putin vung tiền mua sắm vũ khí hiện đại: Ngành CNQP Nga nợ như chúa Chổm - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của Nga. Ảnh: RT

Sau khi Kremlin quyết định cắt giảm chi tiêu trong năm 2017-2018, giá dầu lửa - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga bị sụt giảm cùng với một số yếu tố tác động khác đã làm cho vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng nước này càng trở nên trầm trọng hơn.

"Quả bom hẹn giờ này đang phát nổ", Konstantin Makienko, Phó giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, một nhà tư vấn cho ngành công nghiệp quốc phòng ở Moscow bình luận.

Cốt lõi của vấn đề là cách Chính phủ Nga chi trả các khoản ngân sách mua sắm vũ khí lớn của mình. Chính phủ Nga sẽ không giải ngân cho các hệ thống vũ khí mới cho đến khi chúng được hoàn thành, vì vậy buộc các nhà sản xuất phải vay từ các ngân hàng thương mại - thường là dưới sự bảo lãnh của chính phủ - để trang trải chi phí trước đó.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Chính phủ Nga thì lãi suất của những khoản vay đó trung bình khoảng 10% một năm, khiến các công ty phải trả một khoản nợ rất lớn.

Anton Danilov-Danilyan, nhà phân tích trưởng tại Oboronprom - một trong những công ty quốc phòng lớn nhất của Nga cho biết: "Sẽ rất khó giải ngân các khoản vay này vì chi tiêu của chính phủ cho các giao dịch mua sắm vũ khí mới đang bị cắt giảm".

Ông Danilyan đổ lỗi tình trạng trên cho cung cách quản lý sai lầm của Nga. "Một số công ty đánh giá quá cao bản thân mình, trong khi số khác lại ra giá hợp đồng quá thấp hoặc tỷ lệ hoàn vốn bị âm. Một số lại tính toán sai mức chi phí đưa các hệ thống vào sản xuất".

Thời gian gần đây, vấn đề còn có xu hướng diễn biến nghiêm trọng hơn khi những hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Nga bị thanh toán chậm do khách hàng lo sợ lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Nga khoe khả năng tấn công "đến khó tin" của hệ thống phòng không S-500

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại