Trung-Triều liên thủ hành động lớn vào trước cuối năm nay: Cuộc gặp cấp cao nhất mới đây tiết lộ điều này?

An An |

Một cuộc gặp cấp cao nhất giữa quan chức Trung Quốc và Triều Tiên đã được tiến hành tại Bắc Kinh, kể từ sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Triều Tiên và cuộc gặp thứ ba của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un diễn ra ở Bàn Môn Điếm, một đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên mới đây đã tới Bắc Kinh và gặp gỡ Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào.

Ông Tống Đào là đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, giữ vai trò kết nối liên lạc giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy hai nước sẽ có một bước chuyển lớn trước cuối năm nay.

Cụ thể, vào ngày 11/7, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, Phó trưởng Ban quốc tế thứ nhất trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Sung Nam - người dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên đang ở thăm Trung Quốc - đã có cuộc hội đàm với Trưởng ban Liên lạc đối ngoại trung ương ĐCSTQ Tống Đào tại Bắc Kinh.

Cùng ngày, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng xác nhận tin tức về cuộc gặp giữa ông Kim Sung Nam và ông Tống Đào.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là, Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Bình Nhưỡng vào ngày 10/7 và tiến hành gặp gỡ trao đổi với người đứng đầu Cục báo chí Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

Trung-Triều liên thủ hành động lớn vào trước cuối năm nay: Cuộc gặp cấp cao nhất mới đây tiết lộ điều này? - Ảnh 1.

Ông Tống Đào (thứ hai, bên phải) đi đón Chủ tịch Kim Jong Un tại Liêu Ninh vào tháng 1 vừa qua. Ảnh: KCNA

Huyền cơ của chuyến thăm

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Ban Liên lạc đối ngoại trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một bữa tiệc tại Nhà khách Điếu Ngư Đài vào ngày 10/7 để chào đón phái đoàn từ Ban quốc tế trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Sang ngày 11/7, hai ông Kim Sung Nam và Tống Đào tiến hành hội đàm ở Bắc Kinh, đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kể từ sau chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên vào tháng 6 vừa qua.

Tại cuộc họp, ông Tống Đào phát biểu rằng, kỷ niệm 58 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau Trung-Triều là nền tảng và biểu tượng của mối quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thực hiện theo ý muốn cao cả của lãnh đạo tối cao hai đảng, sẵn sàng thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Trung-Triều trong kỷ nguyên mới.

Giới phân tích cho rằng, phát biểu của ông Tống tiết lộ hai thông tin: Thứ nhất, đề cao vai trò lãnh đạo của lãnh đạo tối cao hai nước, mọi vấn đề, bao gồm phương pháp và tốc độ xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên đều được tiến hành theo sự chỉ đạo của hai nhà lãnh đạo.

Thứ hai, quan hệ Trung-Triều là nền tảng và biểu tượng, thậm chí đặt trước cả vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Điều này có thể thấy được từ phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình khi gặp Chủ tịch Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng: "Chuyến thăm này của tôi là nhằm để củng cố tình hữu nghị truyền thống Trung-Triều và để thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị về vấn đề bán đảo Triều Tiên".

Nhận định này càng được củng cố khi hãng thông tấn xã Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin về chuyến thăm của ông Kim Sung Nam chỉ với hai câu ngắn gọn.

Câu thứ nhất xác nhận các quan chức cấp cao Trung-Triều đã gặp nhau ở Bắc Kinh. Câu thứ hai nhấn mạnh hai bên "trao đổi quan điểm sâu sắc về các vấn đề cùng quan tâm".

Có ý kiến cho rằng, năm 2019 là năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Triều Tiên; trong hai tháng tới 9-10, đặc biệt khoảng trước sau ngày quốc khánh, hai nước có thể sẽ tổ chức một loạt các hoạt động kỷ niệm chúc mừng trên quy mô lớn.

Do đó, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Sung Nam dược cho có hai mục đích chính: Thứ nhất, thông báo với Trung Quốc về nội dung cuộc họp thứ ba giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump. Thứ hai, làm công tác chuẩn bị cho các hoạt động mừng quốc khánh của cả hai nước.

Trung-Triều liên thủ hành động lớn vào trước cuối năm nay: Cuộc gặp cấp cao nhất mới đây tiết lộ điều này? - Ảnh 2.

Trung Quốc được cho đóng vai trò quan trọng đằng sau các cuộc gặp Mỹ-Trung. Ảnh: VCG

Thân phận đặc thù của quan chức Trung-Triều

Ông Kim Sung Nam được đánh giá là nhân vật nổi tiếng của giới ngoại giao Triều Tiên và giàu kinh nghiệm với các sự vụ liên quan đến Trung Quốc. Ông này lần đầu tiên được bầu vào danh sách Đại biểu Hội đồng Nhân dân Tối cao lần thứ 14. Điều này đánh dấu sự gia nhập chính thức của ông vào đội ngũ quyền lực của Triều Tiên.

Theo Hiến pháp Triều Tiên, Hội đồng Nhân dân Tối cao là cơ quan quyền lực cao nhất và các khu vực bầu cử của Hội đồng Nhân dân Tối cao tiến hành bầu cử bình đẳng sau nhiệm kỳ 5 năm.

Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực của Triều Tiên thường được phản ánh trong kết quả bầu cử của cơ quan này. Đội ngũ đại biểu năm nay đánh dấu sự ra mắt chính thức của tầng lớp lãnh đạo trong nhiệm kỳ nắm quyền thứ hai của Chủ tịch Kim Jong Un.

Trong khi đó, ông Tống Đào là Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban đối ngoại trung ương ĐCSTQ. Vào tháng 3/2018, trung ương ĐCSTQ đã ban hành "Kế hoạch cải cách thể chế đảng và nhà nước theo chiều sâu" và nâng cấp Tiểu tổ lãnh đạo công tác đối ngoại trung ương thành Ủy ban công tác đối ngoại trung ương. Ông Tập Cận Bình là Chủ nhiệm ủy ban, ông Vương Kỳ Sơn là ủy viên và ông Dương Khiết Trì là Chủ nhiệm văn phòng ủy ban này.

Bên cạnh đó, ông Tống còn đảm nhận vai trò đặc phái viên - "sứ giả" liên lạc giữa hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un. Sau Đại hội toàn quốc Trung Quốc lần thứ 19, ông đến thăm Triều Tiên với vai trò là đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo đánh giá, dù vai trò của ông Kim Sung Nam không có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề như thượng đỉnh Mỹ-Triều hay vấn đề bán đảo nhưng không loại trừ khả năng chuyến thăm này của ông nhằm để phục vục việc Trung-Triều sẽ mở rộng quy mô tổ chức sự kiện 70 năm thành lập quan hệ ngoại giao song phương, cũng rất có thể hai bên sẽ chung tay thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Cũng có đánh giá cho rằng, chuyến thăm tới Triều Tiên của ông Tập có ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Bởi sau đó, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un đã dễ dàng thực hiện cuộc gặp thứ ba tại Bàn Môn Điếm và như vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại