Từ "người cha nhân từ" đến "Đại diện quốc gia": Điều gì đặc biệt sau sự đa dạng chức danh của ông Kim?

Đinh Quỳnh |

"Thay đổi chức danh của nhà lãnh đạo hàng đầu Triều Tiên là một phần của việc củng cố sức mạnh", chuyên gia Hàn Quốc nhận định.

Ông Kim Jong Un có chức danh mới

Thông qua việc sửa đổi Hiến pháp vào tháng 4 vừa qua, Triều Tiên bổ sung thêm chức danh "người đại diện cho quốc gia" đối với vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ và vì thế vị trí "người đứng đầu đất nước" của Chủ tịch Kim Jong Un đã được chính thức hóa.

Điều 100 trong Hiến pháp của Triều Tiên đã viết thêm cụm từ "đại diện cho quốc gia" và trở thành "Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là lãnh đạo tối cao, đại diện cho quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên."

Trước đó, vào ngày 16/4, tờ Rodong Sinmun đã đưa tin về chuyến thăm Cung điện Mặt trời Kumsusan của Chủ tịch Kim Jong Un và gọi ông với chức danh là Lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tư lệnh tối cao của đảng, quốc gia và quân đội.

Trong khi đó ông Kim Jong Un đang giữ chức vụ liên quan đến quân đội là Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Trước đây, thay vì được gọi là Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang nước CHDCND Triều Tiên, ông được gọi là Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Kim Il Ki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Triều Tiên tại Viện nghiên cứu chiến lược an ninh Hàn Quốc, cho biết: "Các lực lượng vũ trang được sử dụng để chỉ quân đội chính quy (Quân đội Nhân dân Triều Tiên) và lực lượng bán quân sự (Đội cận vệ thanh niên, Hồng vệ binh Công nhân - Nông dân) và danh hiệu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang nước CHDCND Triều Tiên' có nghĩa là ông Kim Jong Un đã trở thành lãnh đạo của các lực lượng vũ trang quốc gia bao gồm cả quân đội chính quy và lực lượng bán quân sự".

Triều Tiên đưa tin nước này đã sửa hiến pháp, theo đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un là nguyên thủ quốc gia chính thức.

Từ người cha nhân từ đến Đại diện quốc gia: Điều gì đặc biệt sau sự đa dạng chức danh của ông Kim? - Ảnh 1.

Sau khi hiến pháp Triều Tiên được sửa đổi vào tháng 4, ông Kim Jong Un đã trở thành nguyên thủ quốc gia chính thức. Ảnh minh họa: KCNA

Quá trình thay đổi chức danh

Hồi tháng 3 vừa qua, tuy ông Kim Jong Un không có tên trong danh sách đại biểu được bầu vào Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA) khóa 14 nhưng trong cuộc họp đầu tiên của cơ quan này vào tháng 4, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã sử dụng danh hiệu "đại diện cao nhất của toàn nhân dânTriều Tiên" để chỉ ông.

Theo Kim Il Ki, điều này cho thấy, ông không phải là đại diện của SPA mà là đại diện của một quốc gia.

Giới phân tích nhận định, kể từ năm 2009, mỗi khi địa vị chính trị của ông Kim Jong Un được nâng lên thì chức danh của ông cũng thay đổi theo. Nền tảng của sự thay đổi chức danh là việc xây dựng hệ thống kế thừa và củng cố quyền lực.

Truyền thông Hàn Quốc cho hay, danh hiệu chính thức của người kế vị là ‘Lãnh đạo trẻ’. Vào tháng 9/2010, sau khi trở thành người kế nhiệm chính thức tại cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 3, chức danh "Lãnh đạo trẻ" đã được bỏ đi và thay vào đó là chức danh "Đồng chí lãnh đạo Kim Jong Un đáng kính".

Sau khi Chủ tịch Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011, ông Kim Jong Un được biết đến với những chức danh như "nguyên thủ quốc gia kính yêu", "người kế thừa sự nghiệp cách mạng" và "người cha nhân từ".

Lý do của sự đa dạng từ các danh xưng là được cho là vì vị trí của ông Kim Jong Un lúc bấy giờ đang ở một giai đoạn chuyển tiếp giữa người kế nhiệm và người lãnh đạo.

Từ tháng 12/2013, sau khi Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia Jang Song Thaek bị thanh trừng, truyền thông Triều Tiên bắt đầu gọi ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo vĩ đại.

Cho đến tận thời điểm đó, chức danh "Lãnh tụ vĩ đại" chỉ được sử dụng cho hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Điều này có nghĩa là địa vị chính trị của ông Kim Jong Un đã ngang hàng với người ông và người cha của mình. Danh hiệu "Lãnh tụ vĩ" đại có liên quan đến việc thiết lập thể chế quản lý quân đội của Triều Tiên và thể chế hóa các lực lượng vũ trang hạt nhân.

Vào tháng 6/2016, Triều Tiên thành lập Ủy ban Quốc vụ sau khi sửa đổi hiến pháp và chức danh của ông Kim Jong Un là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ. Điều này được xem như là sự theo đuổi quá trình chuyển đổi từ thời kì mang hệ tư tưởng Tiên Quân chính trị hay là thời kì ‘Quân đội trước nhất’ sang thành một quốc gia bình thường.

Jeon Jae Woo - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết: "Thay đổi chức danh của nhà lãnh đạo hàng đầu Triều Tiên là một phần của việc củng cố sức mạnh. Nhưng việc thay đổi chức danh không chỉ biểu hiện sự tăng cường sức mạnh mà còn cho thấy quỹ đạo biến đổi chính của quốc gia đó."

Ông cũng giải thích thêm: "Kể từ năm 2016, sự thay đổi trong chức danh của Chủ tịch Kim Jong Un là do nhu cầu thể chế hóa và nhấn mạnh vào khái niệm ‘nhà nước’."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại