Ngoài Huawei, hơn 140 thực thể Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ

Phương Anh |

Chính phủ Mỹ bổ sung Huawei Technologies vào "danh sách đen" thương mại vào đầu tháng 5, tuy nhiên còn hơn 140 thực thể Trung Quốc nằm trong danh sách này.

"Danh sách đen" của Mỹ, chính thức được gọi là Danh sách Thực thể, xác định các tổ chức và cá nhân được cho là có liên quan hoặc có nguy cơ tham gia đáng kể, trong các hoạt động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng cộng, hiện có 143 thực thể thuộc Trung Quốc trong danh sách đen thương mại này, dựa trên đánh giá tài liệu 281 trang hiện có do Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ duy trì.

Tuy nhiên, số lượng các thực thể Trung Quốc vẫn đứng sau Nga, nước có 317 mục trong "danh sách đen".

Danh sách được BIS xem xét và sửa đổi liên tục, trong đó bổ sung Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến và 68 chi nhánh Huawei không thuộc Mỹ vào ngày 16/5.

Các tổ chức hoặc cá nhân trong Danh sách Thực thể phải xin giấy phép từ BIS trước khi họ xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc chuyển bất kỳ mặt hàng nào bị hạn chế thương mại, bao gồm phần mềm và các công nghệ khác. Tuy nhiên, các đơn xin cấp giấy phép sẽ phải tuân theo chính sách đánh giá "giả định bị từ chối", nghĩa là sẽ bị từ chối trong hầu hết các trường hợp.

Mặc dù không nổi tiếng ngoài ngành công nghiệp của họ, hầu hết các thực thể Trung Quốc được tìm thấy trong danh sách đen thương mại Mỹ đều thuộc các lĩnh vực như điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và vật liệu được sử dụng cho các ngành công nghệ cao.

Chúng bao gồm Viện Thiết bị điều khiển tự động Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Công nghệ sản xuất hàng không Bắc Kinh, Viện Điện Máy Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khí động học Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Một số nhà phân phối linh kiện công nghệ cao cũng nằm trong Danh sách Thực thể. Bao gồm Tenco Technology Co, Avin Electronics Technology và Multi-Mart Electronics Technology.

Các tổ chức học thuật lớn của Trung Quốc trong danh sách đen thương mại bao gồm Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Sun Yat-sen, Đại học Công nghệ Quốc phòng, Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Sichuan và Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử.

Các công ty Trung Quốc trong danh sách đen không giới hạn ở những công ty từ các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến. Các công ty như Công nghiệp hóa chất Baotou Guanghua, nằm ở Nội Mông, và Tập đoàn Dịch vụ mỏ dầu Yantai Jereh, từ thành phố ven biển Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông, cũng nằm trong Danh sách Thực thể.

Tuy nhiên, số lượng các thực thể Trung Quốc trong danh sách đen thương mại của Mỹ có thể gia tăng trong trường hợp Washington mở rộng mạng lưới của mình, đưa vào các công ty công nghệ cao khác, theo báo cáo của Bloomberg.

Chính phủ Mỹ đang cân nhắc có nên bổ sung các nhà cung cấp hệ thống giám sát lớn Dahua Technology, Hikvision Digital Technology, Megvii, Meiya Pico và iFlytek vào Danh sách Thực thể hay không, báo cáo cho biết.

Khởi đầu là một tranh chấp thương mại, trong đó Washington đơn phương áp thuế và châm ngòi cho các khoản thuế trả đũa từ Bắc Kinh, xung đột leo thang thành các chiến dịch rộng lớn hơn được thiết kế để làm tê liệt "các nhà vô địch" công nghệ Trung Quốc, cắt đứt quyền tiếp cận của họ với các nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ. Sự tiếp cận rộng rãi mà chính sách Mỹ đưa ra đồng nghĩa với việc ngay cả các công ty không phải của Mỹ có sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ cũng có thể bị cấm cung cấp cho các công ty Trung Quốc.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ khởi xướng lệnh cấm làm tê liệt việc bán công nghệ cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp, buộc họ phải trả tiền phạt 1,2 tỷ USD, thay thế toàn bộ quản lý cấp cao của mình và chấp nhận giám sát viên của Mỹ để đảm bảo tuân thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại