Mỹ sẽ "nghiền nát" Không quân Iran nếu chiến tranh xảy ra

Tú Anh |

Việc Iran quảng bá F-5F như một chiến đấu cơ đời mới rõ ràng là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của nước này trong chương trình cải tiến sức mạnh không quân.

Những nỗ lực chứng tỏ sự tuyệt vọng

Năm 2018, Không quân Iran từng xảy ra hai sự cố liên quan đến dòng máy bay chiến đấu F-5F Tiger II khiến giới quan sát đưa ra nhận định rằng lực lượng quân sự vẫn được xem là hùng mạnh này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Ngày 21/8/2018, Iran công bố đã tự phát triển được máy bay chiến đấu thế hệ 4 mới. Đính thân Tổng thống Hassan Rouhani đã đến thị sát và hình ảnh này được truyền thông Iran lan truyền rộng rãi.

Tuy nhiên, giới quan sát am hiểu tình hình quân sự Iran thì cho rằng đây chẳng qua chỉ là một trong số 17 chiếc F-5F mà Tehran đã mua của Mỹ dưới thời lãnh đạo của vua Mohammad Reza Pahlavi chứ không phải chiến đấu cơ tự chế tạo nội địa.

"Iran có thể đã nâng cấp các hệ thống điện tử từ những năm 1960 cùng với một số cải tiến khác", nhà phân tích Nader Uskowi nhận định. "Thế nhưng, không hiểu tại sao tổng thống nước này lại tuyên bố một chiếc máy bay đã 40 tuổi là dòng chiến cơ mới".

Chia sẻ trên trang mạng War Is Boring, chuyên gia Sebastien Roblin cho rằng, trên thực tế đúng là Iran đang phát triển một loại máy bay mới có tên gọi Kowsar-88 nhưng cũng nằm trong danh sách những chiếc F-5 được giải mã công nghệ mà Tehran sử dụng cho mục đích huấn luyện hoặc giữ vai trò là máy bay tấn công hạng nhẹ.

Mỹ sẽ nghiền nát Không quân Iran nếu chiến tranh xảy ra - Ảnh 1.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngồi trên khoang lái tiêm kích Kowsar chế tạo nội địa tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng ở Tehran

Từ năm 1997, Iran đã rất nỗ lực nâng cấp các máy bay chiến đấu F-5 và cũng đã đưa vào hoạt động được khoảng hơn chục chiếc.

Tuy nhiên, việc Iran quảng bá F-5F như một chiến đấu cơ đời mới rõ ràng là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của nước này. Có vẻ như, trước sức ép kinh tế ngày càng gia tăng từ Washington, Tehran luôn muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình bất cứ khi nào có thể.

Phần lớn trang thiết bị của Không quân Iran vẫn là từ thời vua Mohammad Reza Pahlavi hoặc thừa hưởng từ lực lượng không quân Iraq khi ông Saddam Hussein đã điều sang Iran rất nhiều máy bay trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 để tránh bị phá hủy.

Các máy bay do Mỹ chế tạo như F-4, F-5 và F-14 có niên đại từ những năm 1970 vẫn đóng vai trò là xương sống của Không quân Iran hiện nay.

Trong số những chiến đấu cơ mà Iraq gửi sang Iran năm 1991 có cả các máy bay Su-22 do Liên Xô chế tạo. Tháng 7/2018, Tehran tuyên bố đã cải tiến 10 chiếc Su-22 để tiếp tục sử dụng.

"Sau chương trình đại tu này, các máy bay tiêm kích - bom sẽ có khả năng mang theo và sử dụng bom chùm thông minh tấn công chính xác, các tên lửa không đối đất và không đối không cũng như có thể chuyển tiếp dữ liệu và thông tin từ các máy bay không người lái hoạt động ở vị trí cách xa vài km", Tướng Amir Ali Hajizadeh, Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố.

Mỹ sẽ nghiền nát Không quân Iran nếu chiến tranh xảy ra - Ảnh 2.

Iran tuyên bố sản xuất được máy bay tiên tiến mới nhưng hình ảnh cho thấy đó vẫn chỉ là một chiếc F-5F. Ảnh: Tasnim News

Cho phi công lái máy bay cũ là một "tội ác"?

Đúng là các chương trình nâng cấp và cải tiến dòng máy bay thế hệ 3 của Iran cũng đạt một số tiến bộ nhất định đặc biệt trong bối cảnh Tehran không thể mua được các thiết bị mới từ bên ngoài. Thế nhưng, ngay cả khi đã được nâng cấp, những chiến đấu cơ cũ kỹ này vẫn bộc lộ mối nguy hiểm với các phi công Iran.

Ngày 26/8/2018, một chiếc F-5F của Iran bị cháy động cơ. Đại tá Manouchehr Fattahi quyết định hạ cánh khẩn cấp nhưng đã tử vong khi tiếp đất. Phi công phụ may mắn nhảy thoát ra ngoài nên sống sót. Chiếc máy bay về cơ bản không bị hư hại và vẫn có thể cất cánh sau khi sửa chữa.

Tuy nhiên, vụ tai nạn một lần nữa cho thấy những hạn chế cố hữu trong không quân Iran. Chiếc ghế phóng bị lỗi đã không thể cứu được mạng sống cho phi công Fattahi đáng ra phải được thay thế từ cách đây 40 năm.

Sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran tưởng như đã có cơ hội cải tiến lực lượng không quân của mình. Tehran cũng đã định mua các máy bay tiêm kích hiện đại Mirage 2000 của Pháp nhưng cuối cùng lại hủy bỏ với lập luận rằng họ quen thuộc hơn với các thiết bị của Mỹ và của Nga.

Iran cũng từng có cơ hội mua khoảng 30 chiếc tiêm kích Su-30 tiên tiến từ Nga nhưng cũng đã không xúc tiến. Nguyên nhân có thể bởi vì Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran không muốn quân đội thông thường của Iran trở nên quá mạnh mẽ.

"Không quân của chúng tôi tồn tại quá nhiều điểm yếu", một thiếu tá IRIAF tiết lộ trên tờ Al-Monitor năm 2015. "Các máy bay thế hệ thứ 4 của chúng tôi, chẳng hạn như MiG-29, chưa hề được nâng cấp lên biến thế STM, F-14 thì vẫn ở phiên bản "A" còn các máy bay hỗ trợ cận chiến như F-5 thì quá cũ".

Reza Pahlavi, con trai của vị vua Iran cuối cùng Mohammad Reza Pahlavi đồng thời cũng là một cựu phi công F-5 đã từng chỉ trích chính quyền Iran khi vẫn tiếp tục phải sử dụng các máy bay cũ.

"Việc sử dụng những chiến đấu cơ già nua mà đáng ra đã phải cho nghỉ hưu hoặc thay thế bằng các máy bay hiện đại từ nhiều năm trước đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của chính quyền mà còn là tội ác với các phi công dày dặn kinh nghiệm".

Vì vậy, trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với Mỹ, lực lượng không quân Iran rất có thể sẽ bị "nghiền nát". Quân đội Mỹ hiện đang có trong tay rất nhiều vũ khí lợi hại như các máy bay tiêm kích tàng hình F-35, F-22 hay máy bay ném bom chiến lược B-2.

Để chiếm ưu thế trên không, Không quân Mỹ có thể sẽ triển khai F-22 ngay từ những phút mở màn và theo thiết kế đây chính là sứ mệnh chủ đạo của dòng máy bay hai động cơ một ghế ngồi này. Với tiềm lực quân sự như hiện nay, Iran khó mà có các biện pháp hiệu quả để đối phó với chỉ riêng F-22 chứ chưa nói tới các vũ khí lợi hại khác của Mỹ.

Iran hồi sinh thành công tiêm kích F-14 Tomcat

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại