EU rơi vào “thế bí” trong thương chiến Mỹ-Trung

Kiều Anh |

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến EU phải “chọn phe” giữa bối cảnh liên minh này phụ thuộc vào cả 2 nước trong kinh tế và an ninh. Vị thế bất lợi

Vị thế bất lợi

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề thương mại đang khiến các quốc gia khác phải chọn lựa để “về phe” 1 trong 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Liên minh châu Âu - khối trao đổi thương mại lớn nhất và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước một tình thế khó khăn sau khi Tổng thống Trump gia tăng sức ép với Bắc Kinh đầu tháng này - đặc biệt là quyết định ký sắc lệnh cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp cận chuỗi cung ứng của Mỹ.

"EU ở một vị thế vô cùng bất lợi khi mà các quốc gia trong khối này đang tìm cách để cùng tồn tại với cả Mỹ và Trung Quốc. Liên minh châu Âu phải đưa ra chọn lựa gần như bất khả thi và chứng minh sự trung thành với một trong hai bên", Gal Luft - giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Washington nhận định.

Giữa bối cảnh đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy mạnh ngoại giao con thoi nhằm đảm bảo sự ủng hộ cũng như củng cố mối quan hệ với các đồng minh khắp châu Âu.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ thăm Đức và Hà Lan tuần này, chỉ vài ngày sau khi một quan chức cấp cao khác của Trung Quốc là ông Lật Chiến Thư - Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội) vừa kết thúc chuyến thăm Hungary, Áo và Na Uy.

Chuyến thăm của ông Vương cũng trùng với thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Berlin để hội đàm với Thủ tướng Đức Angel Merkel ngày 31/5. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sau đó ông Pompeo sẽ thăm Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh.

Chuyến thăm 4 nước châu Âu của ông Pompeo được cho là nhằm chuẩn bị trước cho các chuyến thăm của ông Trump khi Tổng thống Mỹ dự kiến thăm Anh và Pháp vào đầu tháng 6.

EU đang phải "đi trên dây" trong việc cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc giữa bối cảnh 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang tiếp tục căng thẳng về vấn đề thương mại. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với Bắc Kinh, EU đang đứng giữa ngã tư đường với những dấu hiệu tiềm tàng của sự cạnh tranh.

Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU trong một thay đổi quan trọng về chính sách hồi tháng 3/2019 đã lần đầu tiên gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và một "đối thủ hệ thống".

Các nhà quan sát nhận định rằng với sự tái diễn của một cuộc chiến tranh thương mại, EU vốn mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành một "chiến trường" cho những toan tính địa chính trị của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

"Về cơ bản, quan điểm chung ở châu Âu là EU nhất trí với những chỉ trích của Mỹ về Trung Quốc nhưng không tán thành với các biện pháp và cách thức đối phó của Washington", Tamas Matura - một giáo sư tại Đại học Corvinus ở Budapest và cũng là một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Đông Âu cho biết.

John Seaman - một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế của Pháp cho biết các nước EU có chung các mối lo ngại với Mỹ về Trung Quốc.

Những lo ngại này gồm việc mở cửa thị trường, các đặc quyền đôi bên, cạnh tranh công bằng và sự can dự quá mức chính phủ Trung Quốc, những rủi ro về an ninh với các cơ sở hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước ngoài hay đặc biệt là năng lực công nghệ ngày càng phát triển của Trung Quốc.

Ông Seaman đã gọi các động thái gần đây nhất của Washington nhằm vào Huawei là "một bước ngoặt rõ ràng trong cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc".

"Dường như chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu trong chiến lược đối phó nghiêng nhiều về cấu trúc hơn của Mỹ với Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Trump đang tìm cách để gia tăng ảnh hưởng quyền lực của Mỹ", chuyên gia Seaman nhận định.

Lựa chọn khó khăn

Các quan chức Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận nhằm chấm dứt các chính sách thương mại được cho là bất hợp lý của nước này. Điều đó đã khiến chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25% sau khi hai bên khép lại vòng đám phán thứ 11 vào đầu tháng này ở Washington mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Trung Quốc cũng có hành động đáp trả khi ngay sau đó áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Chưa dừng lại, Tổng thống Trump tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh 2 tuần trước với sắc lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho Huawei và các chi nhánh của công ty này với lý do đe dọa đến an ninh quốc gia.

Washington trong các tháng qua cũng nỗ lực để hình thành một liên minh quốc tế nhằm chống lại Huawei - một trụ cột trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu về thương mại và công nghệ của Bắc Kinh.

Trong khi Australia và Nhật đã có các biện pháp chống lại Huawei thì nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu vẫn chưa quyết định liệu có tuân theo lệnh cấm chống lại công ty Trung Quốc này hay không.

Trong chuyến thăm sắp tới đến châu Âu, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo dự tính sẽ gia tăng sức ép với các đồng minh truyền thống của Mỹ để những nước này đứng về phía Washington thay vì Bắc Kinh và Huawei khi cho rằng các sản phẩm của công ty này có thể hỗ trợ việc do thám của Bắc Kinh và gián đoạn mạng lưới kết nối giữa các đồng minh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết họ sẽ không cấm Huawei hay bất kỳ công ty nào khác bởi EU "thực tế và thực dụng".

Ông Seaman cho rằng vấn đề quan trọng nhất là mục tiêu cuối cùng trong hướng tiếp cận đối đầu của chính quyền Tổng thống Trump là gì, cũng như liệu các sách lược cứng rắn hiện nay có phản ánh chiến lược dài lâu của Mỹ hay không, thậm chí cả khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ.

EU sẽ trở thành “chiến trường” cho cuộc đấu Mỹ-Trung

Duncan Freeman - một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu EU-Trung Quốc của trường Cao đẳng EU tại Brussels cho rằng: "EU sẽ khó mà đưa ra một quan điểm hoàn toàn độc lập bởi liên minh này phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực quan trọng về kinh tế và an ninh”.

Chuyên gia này cũng nhận định rằng mặc dù các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump khiến EU lo ngại trong mối quan hệ về an ninh và kinh tế với Mỹ, cũng như đặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này trước nhiều nghi vấn nhưng quan hệ Mỹ-EU vẫn giữ vai trò trung tâm trong chính sách của EU.

Vì vậy, theo ông Freeman, sẽ "không thể có bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chính sách của EU trong ngắn hạn",

Giáo sư Matura của trường Đại học Corvinus và các nhà quan sát khác đều nhất trí rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á không sớm thì muộn sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế đang nổi lên giữa Washington và Bắc Kinh.

"Mặc dù nhiều người cho rằng đã đến lúc EU độc lập hơn với Mỹ nhưng liên minh này sẽ cần nhiều năm trong việc phát triển khả năng quân sự và công nghệ cần thiết để hành động như một chủ thể quan trọng độc lập", chuyên gia Matura cho biết.

Mặc dù một số quốc gia châu Âu như Italy lựa chọn đứng về phía Trung Quốc nhưng "hầu như rất ít nước trong EU đủ can đảm để công khai đối đầu với Tổng thống Trump", ông Luft đánh giá.

Theo chuyên gia Seaman, "nhìn chung, EU đang nỗ lực hết sức để tránh bị kéo vào căng thẳng Mỹ-Trung - nơi mà liên minh này phải đưa ra những lựa chọn rõ ràng".

Và điều gì sẽ xảy ra trong các vị trí lãnh đạo chính trị của EU khi mà cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây chứng kiến sự chiến thắng khiêm tốn của các đảng phái chính trị truyền thống trước phong trào dân túy chống EU?

"Có một nguy cơ đang diễn ra khi mà EU trở nên ngày càng "phân mảnh" hơn vào thời điểm mà bối cảnh địa chính trị đòi hỏi tổ chức này phải xích lại gần nhau", ông Seaman nhận định.

"Chúng ta đang chúng kiến Washington và Bắc Kinh cố gắng tăng cường ảnh hưởng trên lục địa này mà Huawei và 5G là một minh chứng rõ ràng"

Đặc biệt khi EU ngày càng "phân mảnh", liên minh này không những khó tránh bị lôi vào căng thẳng Mỹ - Trung mà có thể còn trở thành "chiến trường" để hai bên đấu đá nhau và tranh giành ảnh hưởng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại