Phi đội oanh tạc cơ Nga-Trung "quần thảo": Nhật-Hàn náo loạn, chiến cơ khẩn cấp xuất kích

Hải Võ |

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ "đáng tiếc" trước việc các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc bay qua Vùng nhận dạng phòng không do Seoul thiết lập, gọi là KADIZ.

Phi đội oanh tạc cơ Nga-Trung lần thứ hai tuần tra chung

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chiều nay (23/12) xác nhận động thái kể trên nằm trong kế hoạch hợp tác quân sự thường niên giữa Nga, Trung Quốc và không nhằm vào bên thứ ba.

"Cần chỉ ra rằng Vùng nhận dạng phòng không không phải là lãnh thổ trên không, các nước có quyền bay qua một cách tự do theo luật pháp quốc tế," ông Triệu nói. "Trong đợt huấn luyện này, các chiến đấu cơ của Nga và Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm quy định liên quan của luật quốc tế, không xâm nhập không phận nước khác."

Trước đó, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) của nước này ngày 22/12 nói rằng có 4 chiến đấu cơ Trung Quốc cùng 15 chiến đấu cơ của Nga bị cho là xâm nhập KADIZ. Không quân Hàn Quốc đã xuất kích khẩn cấp các máy bay chiến đấu.

Cùng ngày 22, Kyodo News (Nhật Bản) dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay 4 oanh tạc cơ Trung Quốc và 2 máy bay ném bom chiến lược của Nga đã bay trên vùng trời ở biển Hoa Đông và biển Nhật Bản. Các chiến cơ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng được xuất kích.

Phi đội oanh tạc cơ Nga-Trung quần thảo: Nhật-Hàn náo loạn, chiến cơ khẩn cấp xuất kích - Ảnh 1.

Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc được chụp từ chiến đấu cơ Su-35 của Nga (Ảnh: Sina)

Hãng tin Tass (Nga) nói rằng, ADIZ mà Seoul lập ra bao phủ không phận Hàn Quốc cùng một phần không phận quốc tế, nhưng quân đội Hàn Quốc vẫn yêu cầu các mục tiêu bay vào ADIZ phải cung cấp thông tin trước. Nếu không nhận được tin tức liên quan, Hàn Quốc sẽ cho xuất kích máy bay đánh chặn bất chấp máy bay nước ngoài không xâm phạm không phận nước này.

Vào tháng 10/2019, Hàn Quốc từng tuyên bố máy bay Nga bay vào KADIZ, trong khi Đại sứ quán Nga tại Seoul đáp trả rằng vùng nhận dạng là do Hàn Quốc đơn phương thiết lập, không có hiệu lực pháp lý với nước khác.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói 6 oanh tạc cơ của Nga và Trung Quốc đã di chuyển qua các vùng trời quanh đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo), eo biển Tsushima, đảo Okinawa và đảo Miyako. Tokyo nhấn mạnh các máy bay Nga-Trung không xâm phạm không phận Nhật, song đã đi qua Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Nhật thiết lập.

Tín hiệu chung về khu vực

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, vào ngày 22/12 nước này đã điều động hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS tham gia hoạt động tuần tra chung trên không lần thứ hai ở vùng trời trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông cùng với bốn máy bay ném bom H-6K của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bộ này cho biết, tổ chức tuần tra chung trên không là một phần trong kế hoạch hợp tác quân sự năm 2020 giữa Nga-Trung, nhằm phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, nâng cao mức độ hợp tác giữa hai lực lượng, tăng cường năng lực áp dụng các biện pháp chung cũng như củng cố ổn định chiến lược toàn cầu.

Phân tích được chia sẻ trên trang Sina (Trung Quốc) cho thấy hành trình của cuộc tuần tra chung ngày 22/12 đã gia tăng 50% so với lần trước đó (diễn ra ngày 23/7/2019). Đáng chú ý, lộ trình bay của phi đội Nga-Trung đã có sự dịch chuyển rõ rệt về phía Đông của đường kinh tuyến 125 độ Kinh Đông.

Trong phạm vi ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông, có hai đỉnh nằm trên đường kinh tuyến này, trong khi ADIZ của Nhật Bản cũng có một đường biên nằm trùng với kinh tuyến 125. Tokyo tuyên bố coi đường kinh tuyến 125 độ 30 phút kinh Đông là "đường trung tuyến thềm lục địa" mà họ "không thể nhân nhượng". Tàu thuyền Trung Quốc thường vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Nhật Bản khi hoạt động ở khu vực này.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn phân tích của chuyên gia ẩn danh, chỉ ra rằng hai cuộc tuần tra chung giữa không quân Nga-Trung Quốc đều được tổ chức ở khu vực biển Hoa Đông và biển Nhật Bản, minh chứng cho sự ổn định chiến lược của Nga-Trung ở phương hướng này, bao gồm các mối quan tâm và lo ngại chung.

Cuộc tuần tra trên không lần thứ nhất giữa hai nước vào năm ngoái từng khiến nhiều nước xôn xao. Các máy bay của Nhật Bản, Hàn Quốc khi đó cũng xuất kích đánh chặn chiến cơ đánh chặn và cảnh cáo đối thủ.

Chuyên gia không quân Fu Qianshao nói với Hoàn Cầu, tình tiết các máy bay Nga-Trung "bay theo nhóm vào vùng nhận dạng của Hàn Quốc" cho thấy công tác trù bị cho cuộc huấn luyện được tổ chức kỹ lưỡng hơn. Ông Fu cho rằng sau này, khi sự xuất hiện của các cuộc tuần tra chung bằng oanh tạc cơ trở nên thường xuyên hơn thì "các bên cũng sẽ quen dần".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại