Đại kế hoạch Mỹ nhắm vào Iran vấp đòn giáng mạnh: Tín hiệu khẩn gì tới Israel?

An Bình |

Việc Ai Cập rút khỏi tiến trình hình thành của một liên minh NATO Ả Rập đối phó với Iran là một cảnh báo rằng cả Israel và Mỹ cần khẩn trương xem xét lại chiến lược của họ đối với Trung Đông, theo Asia Times.

(Tổ Quốc) - Việc Ai Cập rút khỏi tiến trình hình thành của một liên minh NATO Ả Rập đối phó với Iran là một cảnh báo rằng cả Israel và Mỹ cần khẩn trương xem xét lại chiến lược của họ đối với Trung Đông, theo Asia Times.

Cũng theo tờ báo này, vài tuần trước, Cairo đã kín đáo thông báo cho Riyadh và Washington rằng họ tạm dừng tham gia MESA (Liên minh chiến lược Trung Đông), sáng kiến của Mỹ và Saudi để thành lập khối NATO Ả Rập nhằm chống lại Iran.

Điều này có nghĩa là ý tưởng về một NATO Ả Rập đã vấp phải một đòn giáng lớn trong giai đoạn đầu của thời kỳ hình thành, vì Ai Cập cho đến nay là quốc gia lớn nhất và là một trong những đội quân được trang bị tốt nhất trong thế giới Ả Rập – thế lực duy nhất có khả năng trở nên hiệu quả khi đối trọng với Iran.

Mặc dù cả Cairo, Riyadh và Washington đều không chính thức xác nhận các thông tin về điều này - đã xuất hiện trên truyền thông Ai Cập và phương Tây, nhưng có nhiều tín hiệu mang tới một cái nhìn sâu sắc về cái nhìn của người Ai Cập hiện tại.

Các bài báo được đăng tải bởi nhiều nhà bình luận Ai Cập đang cung cấp các giải thích khác nhau về lý do tại sao Tổng thống Sisi đưa ra quyết định này.

Một là ông Sisi muốn làm rõ sự không đồng ý của mình với những nội dung ông cho rằng sáng kiến hòa bình của Mỹ sẽ bao trùm. Trong khi điều này có thể là một yếu tố nhưng còn nhiều duyên cớ khác. Và có ba lý do có khả năng hơn về việc ông Sisi chọn rời khỏi MESA.

Niềm tin vào Mỹ và Saudi

Một là ông thiếu niềm tin vào HoàngThái tử Saudi Arabia Muhammad bin Salman (MBS) và Tổng thống Trump. Các bản tin khác nhau trích dẫn nhiều nguồn tin Ai Cập đang nghi ngờ về cơ hội được tái đắc cử của ông Trump. Nhiều lo ngại đang vang lên rằng một chính quyền Dân chủ mới sẽ loại bỏ dự án và quay trở lại chính sách thời Obama là xoa dịu Iran.

Ai Cập cũng không yên tâm về MBS, người mà ông Sisi và các cố vấn của ông dường như cho là khá nóng tính. Họ cũng lo ngại về khả năng không thể đoán trước của ông Trump. Ông Sisi và lực lượng quốc phòng Ai Cập coi cả hai người này đều có xu hướng thiếu quyết đoán, thậm chí là liều lĩnh. Và điểm mấu chốt là ông Sisi và giới lãnh đạo cấp cao Ai Cập sợ rằng việc ở lại MESA có nhiều rủi ro hơn là lợi ích cho Ai Cập.

Lý do thứ hai là Ai Cập, không giống như Saudi và đồng minh UAE của nước này, không coi Iran là mối đe dọa hiện hữu. Bộ Tư lệnh tối cao thấy không có lý do gì để mạo hiểm hoàn toàn xa lánh Tehran vì một sáng kiến mơ hồ -mà số phận của nó gắn kết chặt chẽ với các nhà lãnh đạo mà Ai Cập cảnh giác. Họ sợ rằng ông Trump và MBS có thể đưa ra những quyết định vội vàng có thể dẫn đến chiến tranh, trong trường hợp đó Ai Cập cuối cùng sẽ phải trả giá cao nhất.

Ai Cập coi Ethiopia và Sudan, nơi kiểm soát phần thượng của sông Nile, là mối quan tâm an ninh quốc gia hàng đầu của nước này. Cả hai nước này đều có những kế hoạch đầy tham vọng xây dựng các nhà máy thủy điện lớn trên các khu vực của dòng sông này. Ai Cập coi bất cứ điều gì liên quan đến sông Nile là lợi ích quốc gia quan trọng, do sự phụ thuộc vào sông Nile và lũ lụt theo mùa hàng năm.

Cairo đã nhiều lần nói rõ rằng bất kỳ công trình nào được thực hiện mà không có sự chấp thuận của họ sẽ là một hành động có thể gây xung đột sâu sắc. Ai Cập cần đảm bảo quân đội của mình có thể đủ khả năng răn đe để ngăn chặn việc phải chiến đấu để ngăn chặn một trong hai quốc gia bắt tay vào xây dựng các con đập đơn phương trên sông Nile. Gây tổn thất lớn trong một cuộc chiến không có kế hoạch và không cần thiết với Iran không phục vụ mục đích này.

Ẩn tình thế trận phức tạp

Lý do thứ ba là Gaza, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Hamas, được cho là một trong những cánh tay của nhóm Huynh đệ Hồi giáo ở Palestine. Ông Sisi muốn xóa sổ sự hiện diện của nhóm này tại Ai Cập và cũng muốn đẩy lui ảnh hưởng của nhóm này ở Gaza.

Tuy nhiên, Ai Cập không hoàn toàn cứng rắn về điều này. Cairo, dù cần đến sự hào phóng từ Saudi, vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với Qatar, quốc gia đang bị Saudi phong tỏa về việc không sẵn lòng đi theo đường lối của Saudi về Iran.

Nhà lãnh đạo Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad tại-Thani, phản đối sự lập trường của Riyadh đối với Tehran, quốc gia ông đã duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại. Dưới sự lãnh đạo của ông, Qatar cũng ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan và Đảng AK Hồi giáo, và dĩ nhiên là Hamas.

Sheikh Tamim là một trong những nhân vật quan trọng nhất khi tình hình ở Gaza vượt khỏi tầm kiểm soát. Qatar đã hỗ trợ phần nào tài chính cho Hamas và đổi lại, Hamas lắng nghe Qatar khi nước này không muốn Hamas giúp đỡ các phe phái liên kết với ISIS tham gia vào một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại lực lượng Ai Cập ở phía bắc Sinai.

Quân đội Ai Cập đang có một thời gian đủ khó để đối phó với các cuộc nổi dậy như hiện tại và họ khó có thể đối phó nổi nếu Hamas được bật đèn xanh để hợp tác với lực lượng ISIS ở Sinai. Việc ở lại MESA có thể làm căng thẳng mối quan hệ của Ai Cập với Qatar, điều sẽ không được ưa chuộng vì Cairo muốn có một vị trí cân bằng hơn, ít đảng phái hơn. Ai Cập sẽ vẫn là một đồng minh của Saudi, nhưng trong giới hạn.

Trong thập kỷ qua, kể từ khi ông Benjamin Netanyahu trở lại nắm quyền, Israel cũng đã dần dần đặt ngày càng nhiều lá bài vào liên minh bí mật nhưng đang phát triển với Saudi. Việc Ai Cập quyết định rút khỏi MESA sẽ là một lý do để Israel xem xét lại cách tiếp cận của mình. Không có Ai Cập, MESA không có khả năng tồn tại trừ khi phải bao gồm cả lực lượng Mỹ hoặc lực lượng Israel.

Trước những ràng buộc đối với mọi chính phủ Ả Rập, ngay cả một thế lực lớn như Saudi thì việc phải đối mặt với sự hợp tác công khai với Israel khi không nhìn thấy cơ hội nào về một thỏa thuận với người Palestine, cũng không phải là điều dễ dàng.

Khi Ai Cập, quốc gia Ả Rập lớn nhất và mạnh nhất về quân sự và là nhà một trong những lãnh đạo truyền thống của thế giới Ả Rập, đã rõ ràng ra tín hiệu về sự thiếu tin tưởng vào giới lãnh đạo Saudi, thì Israel nên khẩn trương xem xét lại chiến lược của mình trong vấn đề này. Đây có thể chỉ là vấn đề chính trị nội bộ nhưng có thể là một chiến lược rất rủi ro, đặc biệt là nếu Nhà Trắng có một nhà lãnh đạo Dân chủ mới kể từ tháng 1 năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại