Ông Tập Cận Bình viết gì trong "bức thư đẹp" khiến Tổng thống Trump thay đổi 180 độ?

Minh Khôi |

Ông Trump tuyên bố, một thỏa thuận với Trung Quốc là có thể trong tuần này và ông Tập Cận Bình đã gửi cho ông một "bức thư đẹp", ​​trái ngược với một loạt tweet cứng rắn vừa qua.

Trả lời các phóng viên khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington để tiến hành vòng đàm phán thứ 11 nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump cho rằng lệnh tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giúp đẩy nhanh quá trình hòa giải.

Ông Trump nhắc lại rằng ông đã tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25% để đáp trả việc Bắc Kinh thay đổi một số cam kết cơ bản.

"Chúng tôi đã tiến rất gần đến một thỏa thuận, sau đó họ bắt đầu đàm phán lại thỏa thuận", ông Trump nói và thêm rằng, một trong những lĩnh vực đó là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, ông Trump đã nhận được một "bức thư đẹp" từ Chủ tịch Tập Cận Bình viết: "Hãy cùng làm việc và xem liệu chúng ta có thể hoàn thành điều gì đó". Ông Trump cũng cho biết, ông có thể sẽ có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

"Tôi rất thích Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy là một người bạn tốt của tôi, nhưng tôi là đại diện cho Mỹ còn ông ấy đại diện cho Trung Quốc. Và tôi sẽ không bị lợi dụng nữa", ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ xác nhận rằng các thành viên trong nội các của ông sẽ gặp ông Lưu Hạc và các thành viên khác trong phái đoàn Trung Quốc vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Năm (giờ địa phương) để khởi động các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ kéo dài 2 ngày.

Scott Kennedy, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, bằng động thái đe dọa tăng thuế, chiến lược của các nhà đàm phán Mỹ sẽ rất thẳng thắn

Phía Washington yêu cầu Bắc Kinh đồng ý khôi phục lại tất cả những gì đã thỏa thuận trước đó. Việc lựa chọn có tiến xa được hay không, là ở phía Trung Quốc, ông nói.

Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp của CSIS lưu ý, dường như vai trò của ông Lưu Hạc, Phó Thủ tướng và là trưởng đoàn đàm phán phía Trung Quốc đã có sự sụt giảm đáng kể so với những vòng trước.

Một tuyên bố do Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra trước chuyến đi tuần này không ghi chức danh Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình của ông Lưu.

Việc không đề cập đến chức danh quan trọng này, kết hợp với việc giảm quy mô của phái đoàn và thời gian lưu trú ngắn ở Washington, cho thấy ông một phạm vi hẹp hơn về các chủ đề đàm phán và khả năng thỏa hiệp, ông Kennedy nói.

Hôm thứ Năm, ông Trump vẫn tuyên bố, quan chức Mỹ đang bắt đầu các thủ tục để áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump đã tuyên bố về việc tăng thuế này vào Chủ nhật tuần trước trên Twitter cá nhân, khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ và gây ra tổn thất cho thị trường tài chính.

Sau đó, vào thứ Tư, ông tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh đang câu giờ với hy vọng có thể đàm phán thỏa thuận thương mại với chính quyền phe Dân chủ vào năm 2020 nếu ông Trump không tái đắc cử.

Tuy nhiên, ông Kenedy cảnh báo rằng, chính quyền đảng Dân chủ có thể không chỉ cứng rắn trong lĩnh vực thương mại mà thậm chí còn mở rộng sang các vấn đề Triều Tiên, nhân quyền và một số vấn đề khác. "Như vậy, sẽ chẳng dễ dàng mà còn khó khăn hơn cho Trung Quốc", chuyên gia CSIS nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại