Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ không có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước Trung Quốc và Mỹ. Về dài hạn, khi hai đầu tàu kinh tế thế giới bị tổn hại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, nhưng trong ngắn hạn có một số nước hưởng lợi, bao gồm Việt Nam.
Dưới đây là những quan sát của giáo sư kinh tế Chu Dĩnh thuộc Viện thương mại Đại học Sư phạm Thượng Hải, Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.
Thứ nhất, Mexico thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Trong bốn năm qua Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tiếp theo là Canada và Mexico. Vào ngày 26/4/2019, trang thông tin của Forbes cho biết, theo dữ liệu mới nhất tính đến tháng 2 năm nay, thương mại Mỹ- Mexico đã tăng 3,36%. Đồng thời, thương mại của Mỹ với Canada giảm 4,12%, trong khi thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm 13,52%.
Thứ hai, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã tạo cơ hội cho Ấn Độ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Năm 2018, Bộ Thương mại Ấn Độ cho rằng Trung Quốc áp thuế 15-25% đối với 333 loại hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ đã mang lại cho Ấn Độ cơ hội để thay thế 100 loại sản phẩm của Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã tạo cơ hội cho Ấn Độ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ấn Độ còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc thêm ngô, lúa mì và cao lương. Ngoài ra Ấn Độ cũng có cơ hội tăng xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm khác như nho, bông, ống lò nướng bằng thép và thuốc lá sấy.
Vào ngày 27/4/2019, hãng truyền thông PTI lớn nhất Ấn Độ đưa tin, một công ty quan hệ Ấn Độ - Mỹ có trụ sở tại Mỹ tiết lộ với hãng tin rằng khoảng 200 công ty Mỹ sẽ chuyển cơ sở sản xuất ở Trung Quốc của họ sang Ấn Độ.
Thứ ba, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Năm 2018, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công nhất ở châu Á về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vào ngày 10/1/2019, tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, theo dữ liệu do chính phủ Việt Nam công bố, so với cùng kỳ năm trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam năm 2018 tăng 9,1% lên mức 19,1 tỷ USD, tạo kỷ lục mới trong sáu năm liên tiếp tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Người lao động Việt Nam. Ảnh minh họa: AFP
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,1%, thuộc vào mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung là lý do chính khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công nhất ở châu Á trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Do bị ảnh hưởng từ thuế quan bổ sung của chính phủ Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, ngày càng nhiều hãng dệt may đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ.
Thứ tư, xuất khẩu đậu nành của Brazil và Argentina đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu nành Mỹ. Điều này đã làm tăng giá đậu nành Mỹ ở Trung Quốc, hiển nhiên làm giảm nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với đậu nành Mỹ, nhưng đây chỉ là suy lý của kinh tế học.
Trên thực tế, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ. Theo dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 24/12/2018, từ tháng 11/2018 Trung Quốc đã không còn nhập khẩu đậu nành từ Mỹ.
Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới, đã thu mua 63% sản lượng xuất khẩu đậu nành toàn cầu, nuôi sống ngành công nghiệp khổng lồ sử dụng bột đậu nành và ép dầu đậu nành.
Khai thác đậu nành Mỹ. Ảnh: Wall Street Journal
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ dẫn đến giá đậu nành Brazil tăng. Vào tháng 06/2018, giá cung cấp đậu nành tại cảng Paranagua của Brazil là 385,60 USD/tấn, cao hơn 35,7 USD so với giá đậu nành ở bờ biển phía Nam nước Mỹ. Đến tháng Tám, giá đậu nành Brazil đã tăng lên 450 USD/tấn. Dữ liệu cho thấy vào tháng 6/2018, Trung Quốc nhập khẩu đậu nành từ Brazil đã tăng lên mức 8,2 triệu tấn, so với cùng kỳ năm 2017 chỉ 6,6 triệu tấn.
Hiện tượng tương tự là Argentina đã biết lợi dụng cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ để mua đậu nành của Mỹ dùng vào ép lấy dầu, sau đó bán dầu đậu nành lại cho Trung Quốc. Vào tháng 8/2018, Bộ Nông nghiệp Argentina tuyên bố sẽ xuất khẩu dầu đậu nành sang Trung Quốc lần đầu tiên sau ba năm.
Hiện tại 29.000 tấn dầu đậu nành đang được nhập tại cảng Timbues gần Trung tâm Ngũ cốc Rosario ở Argentina. Hai con tàu khác chứa đầy dầu đậu nành đang chuẩn bị đưa đến Trung Quốc, với tổng số ước tính khoảng 90.000 tấn dầu đậu nành.
Giới chức chính phủ Argentina cho biết họ hy vọng sau vụ thu hoạch đậu nành kết thúc vào tháng Năm sẽ bắt đầu xuất khẩu một lượng lớn bột đậu nành sang Trung Quốc.
Thứ năm, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ có lợi cho Trung Đông và Nga gia tăng xuất khẩu năng lượng.
Trung Quốc áp thuế 25% đối với khí hóa lỏng (LPG) của Mỹ, dẫn đến năm 2018 Trung Quốc giảm đáng kể nhập khẩu LPG từ Mỹ, và gần như dừng hoàn toàn kể từ cuối tháng 8.
Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 3,6 triệu tấn khí đốt hóa lỏng từ Mỹ, đưa Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng lớn thứ hai tại Trung Quốc. Nhưng 8 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm xuống còn 1 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm 2017 là 2,1 triệu tấn.
Thay vào đó, từ tháng 08/2018, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi và Kuwait. Lần chuyển hướng trong lúc giá dầu đang tăng này đã khiến giá khí hóa lỏng tăng cao. Vào tháng 10/2018, giá LPG lên đến 655 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Iran là nguồn nhập khẩu dầu chính của Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Theo dõi Thương mại toàn cầu S&P tháng 11/2018, kể từ tháng 10/2018, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu 590.000 thùng dầu thô từ Iran.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran khiến Trung Quốc đã giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran và tăng nhập khẩu dầu từ Nga.
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc vào cuối tháng 11/2018, từ tháng 1 đến tháng 10, nhập khẩu dầu Trung Quốc từ Nga trung bình 1,39 triệu thùng mỗi ngày, nhưng trong tháng Mười sản lượng nhập khẩu từ Nga lên đến 1,73 triệu thùng mỗi ngày, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ đã tuyên bố vấn đề miễn trừng phạt đối với nhập khẩu dầu của Iran sẽ không được gia hạn sau khi hết hạn vào ngày 2/5, cũng sẽ không có giai đoạn hòa hoãn xung đột. Bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ quyết định này sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu từ Iran, chắc chắn sẽ tăng nhập khẩu dầu từ Nga. Gần đây tại "Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Bắc Kinh, ông Putin đã chia sẻ với phía Trung Quốc rằng sẽ hết sức hỗ trợ Trung Quốc nếu nguồn cung dầu thô của Trung Quốc không đủ.