Phe "diều hâu" thắng thế
Những quan chức "diều hâu" với Trung Quốc trong chính quyền Tổng thống Trump đang có được ưu thế sau khi Tổng thống gia tăng áp lực lên Trung Quốc do nước này bị cáo buộc không giữ cam kết trong các cuộc đàm phán thương mại.
Tổng thống Trump đã đe dọa vào Chủ nhật tăng thuế với hàng nhập khẩu của Trung Quốc khi hai bên đã gần đạt được một thỏa thuận.
"Việc Tổng thống Trump nghe theo bản năng và không mềm mỏng với mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay mà nước Mỹ từng đối mặt là vô cùng quan trọng", Steve Banon, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng nói hôm thứ Hai.
Các cố vấn của ông Trump đã phải cố gắng để xây dựng một "mặt trận" thống nhất đối với Trung Quốc mặc dù đằng sau vẫn có những cuộc chiến ngầm. Nhưng các quan chức đương nhiệm và những người đã nghỉ việc đều cho rằng, quan điểm của mọi người với Trung Quốc ngày càng trở nên "diều hâu" hơn qua thời gian.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer nói với các phóng viên rằng, toàn bộ nhóm kinh tế của Tổng thống đều nhất trí với động thái mới nhất để tăng thuế.
Ông Lighthizer cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc đã từ bỏ các điều khoản trong thỏa thuận dự thảo trong khi ông Mnuchin nói rằng đã có một sự thay đổi lớn về hướng của các cuộc đàm phán.
Ông Trump đứng giữa "diều hâu" và "bồ câu"
Cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh để giải quyết cuộc chiến thương mại có thể sụp đổ hoàn toàn.
Theo ông Clark Packard, cố vấn chính sách thương mại tại Viện R Street, một nhóm nghiên cứu của Washington, Tổng thống đang ở giữa 2 phe: một bên là phe "bồ câu" gồm Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và cố vấn kinh tế Larry Kudlow - những người không muốn đàm phán sụp đổ; một bên là phe "diều hâu" do cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và Lighthizer dẫn đầu, từ lâu đã coi Trung Quốc là một thế lực thù địch tiến hành chiến tranh kinh tế chống Mỹ.
Về phần mình, ông Trump cũng có xu hướng công khai ủng hộ phe "diều hâu" của chính quyền, với tuyên bố nổi tiếng trong một tweet tháng 12 năm ngoái: "Tôi là người đánh thuế". Nhưng ông cũng coi hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ như một phong vũ biểu cho nhiệm kỳ tổng thống của mình, và đã khuyến khích các nhà đàm phán của mình đạt được thỏa thuận giúp thị trường cổ phiếu tăng giá trước chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.
Tổng thống Trump đã nhiều lần trì hoãn thời hạn cho một thỏa thuận với Trung Quốc và đe dọa các biện pháp thuế quan sẽ được áp dụng trong trường hợp hai nước không đạt được thỏa thuận. Điều này được cho là có lợi cho phe "bồ câu" - những người từng cảnh báo về hậu quả với thị trường tài chính nếu các cuộc đàm phán sụp đổ.
Tuy nhiên, đại diện thương mại Mỹ Lighthizer đang có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán và ông đang có sự ủng hộ của Tổng thống. Quan điểm của đại diện thương mại là cứng rắn hơn so với Mnuchin hoặc Kudlow. Chính Lighthizer đã thúc giục ông Trump đưa ra lời đe dọa tăng thuế trên Twitter vào Chủ nhật, cáo buộc Trung Quốc cố gắng nới lỏng các điều khoản của thỏa thuận, theo những nguồn thạo tin.
Mục đích tối thượng nhất của Tổng thống, là biến chiến dịch tái tranh cử năm 2020 xoay quanh nền kinh tế, và một trong những cách là tham gia vào một trận chiến kéo dài, đẫm máu với Trung Quốc, ông Packard, cựu trợ lý Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley do ông Trump chỉ định nhận định.