Mỹ chẳng thiếu máy bay ném bom ở xung quanh Iran, điều tàu sân bay tới vịnh Ba Tư để làm gì?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Việc di chuyển tàu sân bay luôn bao hàm thông điệp về mưu tính chuẩn bị chiến tranh, đe dọa hoặc răn đe quân sự của Mỹ.

Mỹ cử tàu sân bay dọa Iran

Tàu sân bay được coi là biểu tượng rõ ràng nhất cho sức mạnh quân sự của Mỹ. Với 11 hàng không mẫu hạm hiện có, Mỹ có khả năng gây chiến và tham chiến ở tận mọi hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.

Việc di chuyển tàu sân bay luôn bao hàm thông điệp về mưu tính chuẩn bị chiến tranh, đe dọa hoặc răn đe quân sự của Mỹ. Như hiện tại với tuyên bố của Mỹ đưa tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến vịnh Ba Tư ngoài khơi bờ biển Iran.

Không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump mà cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton công bố điều này.

Cả một phi đội máy bay ném bom chiến lược cũng được cử đến khu vực này. Ông Bolton không giấu giếm mục đích của quyết sách này của Mỹ là nhằm vào Iran. Ông Bolton cho rằng Mỹ có những dấu hiệu và bằng chứng về việc Iran chuẩn bị tấn công quân sự vào Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực. Ông Bolton dọa là Mỹ sẽ đáp trả không khoan nhượng.

Trước đấy, ông Trump đã quyết định chấm dứt thời hạn đối xử ngoại lệ từ ngày 2/5 vừa qua đối với 8 nền kinh tế nhập khẩu nhiều dầu lửa nhất của Iran, coi lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran là lực lượng khủng bố. Phía Iran dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz.

Ông Trump vốn không thân thiện với Iran đã đành, ông Bolton còn thù địch như không thể thù địch Iran hơn được nữa, mà lại còn từ xa xưa chứ không chỉ trên cương vị hiện tại trong bộ máy chính quyền của ông Trump.

Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và đã khôi phục hoàn toàn những biện pháp trừng phạt Iran ở thời trước khi có thỏa thuận. Ông Trump thậm chí còn siết chặt hơn và mở rộng thêm phạm vi áp dụng những biện pháp ấy.

Mỹ chẳng thiếu máy bay ném bom ở xung quanh Iran, điều tàu sân bay tới vịnh Ba Tư để làm gì? - Ảnh 2.

Tiêm kích đáp xuống tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Ảnh: AP.

Cuộc chơi tâm lý

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng, trắc trở và đối địch nhưng cả hiện tại cũng như trước đây, hai phía chưa từng lần nào xô đẩy nhau vào đụng độ quân sự trực tiếp hay chiến tranh với nhau thực thụ.

Ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ và Triều Tiên găng nhau và dền dứ nhau chỉ vì vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, Mỹ và Iran đối địch nhau bên cạnh vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran còn có việc Mỹ tập hợp đồng minh và đối tác thành liên minh nhằm đẩy lùi vai trò và ảnh hưởng của Iran ở khu vực và trong thế giới Ả rập, ngăn cản Iran trỗi dậy và vươn lên trở thành cường quốc khu vực trên mọi phương diện.

Ở cả hai khu vực, Mỹ đều đồn trú lực lượng quân đội không nhỏ ở vùng gần Triều Tiên và Iran. Vì thế, chừng nào chưa triệt thoái lực lượng này ra ngoài phạm vi vũ khí của Iran và Triều Tiên có thể vươn tới được, chừng đó Mỹ không thể và không dám bất ngờ tấn công quân sự Iran và Triều Tiên.

Từ đó cũng có thể thấy Mỹ và đồng minh không thể giải quyết được bằng quân sự mắc mớ của Mỹ với Iran và Triều Tiên liên quan đến vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của hai nước này.

Cho nên việc Mỹ điều binh mới đến khu vực xung quanh Iran dẫu có làm leo thang căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran thì cũng chỉ là cuộc chơi tâm lý.

Chỉ như thế không thôi chưa thể đủ khiến Iran phải lo ngại và để báo hiệu cho thế giới bên ngoài thấy là đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên có thể sắp xảy ra.

Tàu sân bay của Mỹ xuất hiện không có nghĩa là tên lửa của Mỹ sắp sửa được phóng đi và bom Mỹ sắp được thả xuống. Chằng phải ông Trump đã từng tuyên bố điều tàu sân bay USS Carl Winson đến ngoài khơi bờ biển Triều Tiên nhưng trên thực tế thì con tàu này di chuyển theo hướng ngược lại hay sao?

Ở vùng vịnh Ba Tư, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ cho đến nay lại còn là thông lệ chứ đâu có phải chỉ là tiền lệ. Mỹ hiện cũng đâu có thiếu máy bay ném bom đã được triển khai ở các căn cứ quân sự của Mỹ ở xung quanh Iran mà cần phải triển khai thêm mới.

Mỹ chẳng thiếu máy bay ném bom ở xung quanh Iran, điều tàu sân bay tới vịnh Ba Tư để làm gì? - Ảnh 4.

Rõ ràng Mỹ chỉ chủ ý khẳng định sự quyết chí về chính trị là sẽ gia tăng áp lực tối đa đối với Iran, chơi trò chiến tranh tâm lý để củng cố liên quân chống Iran ở khu vực, phần nào còn nhằm răn đe và cảnh báo Triều Tiên.

Nhưng đồng thời qua việc Mỹ vẫn bám giữ vào chiến lược "gia tăng áp lực tối đa" cũng lại có thể thấy ông Trump và cộng sự bắt đầu bế tắc ý tưởng biện pháp chính sách đối với Iran, không có được cái mới nên cứ phải tiếp tục cái cũ.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại