"Thuyết âm mưu": F-35 Nhật Bản đã lao xuống đáy biển rất sâu để Nga không thể tiếp cận?

Bảo Lam |

Cử khá nhiều lực lượng tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc F-35 bị rơi, rõ ràng Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để những công nghệ tuyệt mật không rơi vào Nga hay Trung Quốc.

Chiến dịch săn lùng F-35 dưới đáy biển

Kể từ khi thảm kịch liên quan tới chiếc tiêm kích F-35A của Không quân Nhật Bản xảy ra hôm 09/4/2019, công tác tìm kiếm vẫn đang diễn ra rất tích cực nhưng được giữ kín.

Bản thân Nhật Bản rất muốn tiếp cận xác máy bay trước tiên để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn, và Mỹ, với vai trò của nhà sản xuất không muốn nhiều bí mật của cỗ máy này rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh, hoặc những kẻ địch tiềm tàng như Nga và Trung Quốc, hai nước cũng nắm giữ công nghệ sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5.

Hai quốc gia này, theo phỏng đoán, cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm nhưng không công khai điều đó.

Căn cứ vào việc liên lạc với phi công bị mất vào phút thứ 28 của chuyến bay, F-35 có thể đã ở cách khá xa khu vực phía bắc bờ biển của đảo Honshu (căn cứ không quân Misawa, nơi đóng quân của Không đoàn tiêm kích số 35 thuộc lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ).

Đó chắc chắn không phải khu vực thuộc lãnh hải của Nhật Bản và sự có mặt của các tàu và thuyền thuộc những quốc gia khác ở nơi F-35 có khả năng rơi là không bị cấm. Bản thân Nhật Bản cũng tung 5 chiếc tàu quân sự và 3 tàu hải cảnh, cùng một vài máy bay tuần tra vào chiến dịch tìm kiếm.

Được biết rằng Mỹ cử chiếc tàu tư nhân "Van Gog", chuyên thực hiện các công việc ở độ sâu và trang bị những cần cẩu có khả năng trục vớt các vật dụng từ độ sâu tối đa 3000 mét.

Hiện giờ, chiếc tàu hải thám "Caymay" tối tân nhất của Nhật Bản trang bị máy dò tìm tiếng vọng, máy từ kế và tàu lặn tự hành không người lái có thể lặn sâu tối đa 3km để nghiên cứu đáy biển, đã tham gia vào cuộc tìm kiếm.

Dự đoán chiếc F-35 bị rơi xuống biển có thể nằm ở độ sâu 1.500m, nơi các tàu ngầm thông thường không thể vươn tới.

Không biết chính xác nơi chiếc tiêm kích rơi, mặc dù phía Nhật Bản khẳng định đã tìm được các mảnh vỡ của nó (không nêu chính xác những mảnh vỡ nào), mà có thể là rác đại dương thông thường, có thể bị ném xuống từ chiếc tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ năm ngoái đã đi ngang qua đây để tới khu vực Bán đảo Triều Tiên.

Thuyết âm mưu: F-35 Nhật Bản đã lao xuống đáy biển rất sâu để Nga không thể tiếp cận? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35 ở căn cứ không quân Hyakuri, phía bắc thủ đô Tokyo. Ảnh: AP

Khi cử khá nhiều lực lượng, gồm cả các tàu hải thám, rõ ràng Nhật Bản đang vội vã tìm kiếm chiếc tiêm kích trước Nga và Trung Quốc, để những công nghệ tuyệt mật không rơi vào tay họ - dự đoán rằng, kể cả sau cú va chạm với mặt nước, F-35 vẫn không bị hư hỏng và phần vỏ của nó vẫn còn nguyên vẹn – điều có thể mang lại giá trị đối với việc nghiên cứu.

Điều mà bản thân những người Nhật cảm thấy khá lo lắng, đó là việc chiếc tiêm kích biến mất khỏi màn hình radar (ở đây có thể phỏng đoán rằng phi công đã "mở chế độ tàng hình") và việc phi công không gửi bất cứ tín hiệu mình nguy hiểm hoặc đe doạ nào.

Thiệt hại về mặt danh tiếng cũng được nhắc tới – chiếc F-35A gặp nạn là tiêm kích đầu tiên được tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản lắp ráp, với sản lượng dự kiến gần 190 chiếc. Và người Nhật muốn chứng minh chiếc máy bay đắt đỏ này (100 triệu USD/chiếc) an toàn đến mức nào.

Vụ tai nạn liên quan tới tiêm kích thế hệ thứ 5 không phải là đầu tiên trong suốt thời gian vận hành F-35 – một năm trước đó, chiếc máy bay tương tự của Mỹ đã tan tành trong quá trình bay thử nghiệm tại Nam Carolina (Mỹ).

Trên mặt báo của Nhật Bản, người ta nhắc tới 7 tình huống tai nạn liên quan tới các máy bay chiến đấu này, mà khiến chúng phải hạ cánh khẩn cấp. Nguyên nhân là do hệ thống thiết bị điện tử trên máy bay hoạt động không bình thường. Trong số 13 chiếc F-35 được Mỹ bàn giao cho Không quân Nhật Bản, 5 chiếc phải sửa chữa những trục trặc phát sinh.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn khẳng định rằng không có vấn đề kỹ thuật nào liên quan tới F-35 xảy ra trong quá trình vận hành chúng, để cố gắng che đậy các sự việc trong bối cảnh lực lượng không quân của họ tái trang bị sang chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 này.

Thảm kịch mới đây cũng nằm trong diện tối mật, còn các chuyến bay của tất cả F-35 đã bị tạm dừng cho tới khi phát hiện được nguyên nhân của vụ tai nạn.

Thuyết âm mưu: F-35 Nhật Bản đã lao xuống đáy biển rất sâu để Nga không thể tiếp cận? - Ảnh 2.

F-35A thuộc biên chế của Không đoàn Tiêm kích Chiến thuật Số 302, Căn cứ KQ Misawa, Nhật Bản

Những siêu tàu lặn của Nga có cơ hội tiếp cận F-35?

Tokyo không nhờ Moscow và Bắc Kinh hỗ trợ trong việc triển khai tìm kiếm, mặc dù các nước này có rất nhiều phương tiện lặn chuyên dụng. Lấy ví dụ, máy hải thám "Mir-2" (độ lặn sâu tối đa 6km) được bố trí trên chiếc tàu "Viện sĩ Mstislav Keldysh". (Mir-1 hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng hải dương ở Kaliningrad, Nga).

Các máy lặn Mir, lấy ví dụ, từng nghiên cứu chiếc tàu ngầm "Comsomoletz" bị đắm trên biển Na Uy (ở độ sâu 1.700m) và tàu ngầm nguyên tử "Kursk", đã thực hiện 17 lần lặn xuống chiếc tàu "Titanic" nằm ở độ sâu 3.750m dưới đáy đại dương.

Ngoài các máy Mir, Nga cũng có thể cung cấp máy lặn sâu "Consul" với khả năng lặn xuống độ sâu 6.270m và có vận tốc lặn 3 hải lý/h. Trong thành phần Hạm đội hải quân Nga cũng có các máy lặn cứu hộ AS-30 và AS-34, tuy nhiên mức độ lặn không quá 1.000m, nhưng với tổ lái gồm 3 người thì nó có thể hoạt động dưới lòng đại dương liên tục 120 tiếng.

Thêm một máy lặn cứu hộ tối tân nhất là AS-40 "Bester-1", mà được bố trí trên chiếc tàu "Igor Belousov"của Hạm đội Thái Bình Dương (Nga).

Nhưng không có yêu cầu nào được gửi tới và Nhật Bản, vì lý do tuyệt mật của F-35, nên cho rằng họ sẽ tự tìm kiếm chiếc máy bay này ở dưới đáy đại dương bằng các lực lượng của mình.

Hơn nữa, họ sốt sắng theo dõi sự xuất hiện của các tàu lạ trong khu vực tìm kiếm. Những máy lặn sâu nêu trên của Nga không thể hoạt động độc lập khi lặn, chúng cần có các tàu hỗ trợ, mà không thể không bị phát hiện trên mặt biển.

Bên cạnh đó, tình báo Nga không đứng khoanh tay nhìn cơ hội có được các bí mật của tiêm kích thế hệ thứ 5 và tìm hiểu tất cả những mặt mạnh và yếu của nó. Bằng cách nào?

Rõ ràng các thợ lặn không thể thực hiện nhiệm vụ này, chỉ còn các tàu ngầm. Không phải chính các tàu ngầm với độ lặn tối đa không quá 500-600m, mà là các thiết bị được chúng mang theo.

Chiếc tàu ngầm mới được hạ thuỷ "Belgorod" mang các "Poseidon" tạm thời không thể tham gia vào các chiến dịch thám hiểm-tìm kiếm kiểu này.

Nhưng Nga còn có tàu ngầm nguyên tử "Podmoskovye" và tàu ngầm diezel "Sarov" được hoán cải để chuyên chở các thiết bị lặn tự động, cũng như điều khiển chúng, ví dụ như thiết bị lặn sâu động cơ nguyên tử loại "Losharik" (không mang vũ khí) hoặc trạm lặn sâu tự hành "Paltus" và "Nelma".

AS-12, được biết đến với tên gọi "Losharik" (ngoại hình của nó giống với các bóng khí), mặc dù được gọi là trạm lặn sâu, nhưng về bản chất là chiếc tàu ngầm nguyên tử lặn sâu với khả năng lặn xuống tối đa 6.000m và được sử dụng cho các chiến dịch đặc biệt.

Người Mỹ coi nó là "thiết bị biệt kích" chuyên để phát hiện và phá huỷ các hạ tầng ngầm dưới nước – trước tiên là các cáp liên lạc và những hệ thống theo dõi các tàu ngầm.

Các chuyên gia của NATO còn cho rằng "Losharik" có khả năng di chuyển dưới đáy biển bằng các bánh xe thò ra, điều gần như biến chúng trở thành không thể bị phát hiện bởi các phương tiện thuỷ âm và từ kế.

Về lý thuyết, khi phát hiện F-35 dưới đáy biển, AS-12 của Nga có thể tiêu diệt nó hoặc đưa tới khu vực khác. Và ở đó, các tàu ngầm "Nelma" hoặc "Paltus", mà ngoài những chức năng kể trên, còn có thể thu lượm các mảnh vỡ của tàu thuyền, máy bay và vệ tinh dưới đáy biển, có thể tới trợ giúp.

Có thể phỏng đoán rằng dưới đáy Thái Bình Dương các máy lặn "Losharik" đang "rình rập" để truy tìm chiếc tiêm kích bị rơi của Nhật Bản.

Khả năng chạm mặt giữa các máy lặn của Nga với "những đồng nghiệp" phía Trung Quốc là ít có thể xảy ra – bất chấp khả năng lặn rất sâu của "Gia Long" hoặc "Hải Long-3" (6 đến hơn 10km), chúng là các máy lặn tự hành và khó có thể thực hiện những chuyến lặn sâu đặc biệt. Nói chung, người Trung Quốc có lẽ cũng đang nỗ lực tìm kiếm F-35 theo cách của mình.

Tiêm kích tàng hình F-35B đầu tiên của KQ Mỹ bị rơi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại