Ly kỳ vụ người đàn ông ngoại quốc thua trắng vụ kiện tranh chấp 400 tỷ đồng với vợ cũ

Quốc Chiến |

Cấp phúc thẩm nhận định việc ông Yuen thừa nhận ký vào các thỏa thuận tài sản để hàn gắn tình cảm với vợ, chứng tỏ thỏa thuận này hợp pháp.

Chiều 22/4, sau khoảng 2 tuần xét xử và nghị án, TAND TP HCM quyết định bác kháng cáo, bác yêu cầu khởi kiện của ông Chang Koon Yuen (65 tuổi, quốc tịch Singapore) về việc đòi chia 80% tài sản chung bao gồm 8 bất động sản do vợ cũ, bà Châu Hồng Loan đứng tên.

Bên cạnh đó, HĐXX cấp phúc thẩm cũng bác yêu cầu của người chồng ngoại quốc về việc yêu cầu hủy thỏa thuận tài sản riêng của vợ chồng cũng như hợp đồng cho tặng tài sản. HĐXX cho rằng các bản thỏa thuận đều thể hiện việc ông Yuen đồng ý với việc số bất động sản tranh chấp là tài sản riêng của bà Loan.

Các hợp đồng cho tặng tài sản được thẩm định là đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, tòa cho rằng việc ông Yuen thừa nhận ông chủ động ký vào các thỏa thuận tài sản để hàn gắn tình cảm với vợ - thể hiện ý chí của người chồng trong việc thỏa thuận tài sản là của vợ. 

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Yuen, sửa án sơ thẩm về nội dung ông này có trách nhiệm trả nợ cho người mà vợ vay 6,6 tỷ đồng để mua 2 bất động sản ở Hà Nội và Hải Phòng.

Hai bất động sản nói trên không thể xác định là tài sản riêng nên tòa phán quyết chia đôi. Tòa phán quyết cho bà Loan sở hữu các bất động sản, ông Yoen được thanh toán tiền mặt. Theo đó, 2 căn bất động sản có giá gần 13 tỷ đồng, ông Yuen được hưởng gần 6,5 tỷ đồng.

Ly kỳ vụ người đàn ông ngoại quốc thua trắng vụ kiện tranh chấp 400 tỷ đồng với vợ cũ - Ảnh 1.

Ông Yuen và 3 con nhỏ.

Nội dung vụ án thể hiện, sau 20 năm chung sống, hồi tháng 4/2016, vợ chồng ông Yuen quyết định ly hôn. Do không thỏa thuận được về tài sản chung, người đàn ông ngoại quốc khởi kiện một vụ án khác yêu phân chia 8 bất động sản trị giá khoảng 400 tỷ đồng.

Nguyên đơn cho rằng ông đóng công sức lớn trong việc tạo lập tài sản chung nên yêu cầu được chia 80%. Ông cho rằng vì quá tin tưởng bà Loan nên quá trình chung sống đã ký văn bản thỏa thuận cho vợ đứng tên quản lý toàn bộ tài sản.

Bà Loan sau đó chuyển nhượng một số bất động sản của vợ chồng cho mẹ ruột và người khác. Ông Yuen cho rằng tài sản chung được hình thành trong thời gian hôn nhân không thể tự ý cho tặng nên ông yêu cầu tòa tuyên hủy các văn bản cho tặng.

Trong khi đó, bà Loan khẳng định hai vợ chồng không có tài sản chung nên không yêu cầu phân chia khi lý hôn. Người phụ nữ cho rằng 5 căn nhà do bà hiện đứng tên đều được mua bằng tiền riêng. 

Ông Yuen chỉ công nhận là tài sản của vợ theo các thỏa thuận trước đó. Còn hai bất động sản khác tại Hải Phòng và Hà Nội, bà Loan khai bản thân mua bằng tiền mượn của một người bạn hơn 6,6 tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2018, TAND quận 2 đã xét xử sơ thẩm vụ án. Phía ông Yuen cung cấp hồ sơ thể hiện người nhà ông này gửi tiền hàng chục tỷ đồng, trùng với thời gian mua các bất động sản nói trên.

Phía ông Yuen cũng khẳng định bà Loan có nghề nghiệp không ổn định, không đóng góp nhiều vào việc xây dựng tài sản chung. Nguyên đơn cho rằng bản thân mới là người đóng góp chính. Trong khi đó, phía bà Loan thể hiện quan điểm như đã trình bày ở trên.

Sau khi nghị án, cấp sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu của ông Yuen bởi các bản thỏa thuận có công chứng đều thể hiện ý chí của ông Yuen xác nhận những tài sản này là tài sản riêng của bà Loan.

Các hợp đồng tặng cho của bà Loan là hợp pháp không có căn cứ để hủy.

Theo HĐXX, các bản sao kê ngân hàng chỉ thể hiện việc số tiền gửi và rút, không có nội dung nào cho thấy mẹ, chị ông Yuen gửi tiền cho nguyên đơn để mua nhà đầu tư kinh doanh bất động sản.

Ông cũng không chứng minh được mình đã đưa tiền cho bà Loan. Pháp luật Việt Nam thời điểm đó không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà và sử dụng đất nhưng không cấm ông Yuen được đứng tên trên các giấy tờ thỏa thuận trước khi xác lập hợp đồng mua bán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại