Nga bất ngờ đưa "sát thủ" Iskander tới Syria - Xe, đạn ngổn ngang ở Khmeimim

N. Tuấn Sơn |

Theo Công ty Image Satellite International (ISI) của Israel, các xe nạp đạn và xe bệ phóng của tổ hợp tên lửa đất đối đất Iskander của Nga bất ngờ xuất hiện ở căn cứ Khmeimim.

Không ảnh mới nhất được Công ty Ảnh vệ tinh Image Satellite International (ISI), Israel vừa công bố cho thấy, Quân đội Nga đã triển khai ít nhất một tổ hợp tên lửa đất đối đất Iskander (SS-26) tới căn cứ sân bay Khmeimim - Đầu não của Không quân Nga ở Syria.

Trong những bức ảnh này có thể đếm được tại Khmeimim đã xuất hiện ít nhất 2 xe nạp đạn và 1 xe bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa đất đối đất Iskander. Hiện chưa rõ tổ hợp Iskander này xuất hiện ở Syria vào thời điểm nào và phương tiện chuyên chở chúng tới đây là gì.

Nga bất ngờ đưa sát thủ Iskander tới Syria - Xe, đạn ngổn ngang ở Khmeimim - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh do ISI mới chụp được tại căn cứ sân bay Khmeimim ngày hôm nay 17/04/2019.

Iskander là hệ thống tên lửa đạn đạo cơ động tầm ngắn bắt đầu được đưa vào biên chế hoạt động năm 2007. Nó còn được gọi là SS-26 Stone, 9M720, 9M723 hoặc "Con trai của Scud", vì nó đã biên chế thay thế Scud B và tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-23 Oka (còn được gọi là Spider SS-23) đã bị cấm theo Hiệp ước INF.

Họ tên lửa này có ba biến thể khác nhau: Iskander-M, Tender và phiên bản xuất khẩu Iskander-E.

Tên lửa Iskander kết hợp nhiều phương thức dẫn đường và điều khiển như: dẫn đường bằng ảnh vệ tinh và điều khiển quán tính trên đường bay. Khi chỉ dẫn đường và điều khiển bằng quán tính, sai số mục tiêu ở khoảng cách 280km là 30 mét, còn khi sử dụng điều khiển kết hợp cả ảnh vệ tinh và quán tính, sai số chỉ khoảng 2 m.

Không chỉ có tầm bắn xa và độ chính xác cao, Iskander còn có khả năng tàng hình để tăng khả năng xuyên qua hệ thống phòng không đối phương.

Ngoài lớp sơn phủ bên ngoài bằng vật liệu phức hợp đặc biệt, Iskander còn có kết cấu ngoại hình rất độc đáo chống phản xạ radar.

Iskander có đầu đạn dạng chùm, đầu đạn phá, đầu đạn xuyên boong ke, hầm ngầm; đầu đạn cháy chống bộ binh; đầu đạn xung điện từ. Loại Iskander-M mà quân đội Nga sử dụng còn có thể trang bị cả đầu đạn hạt nhân.

Phiên bản tên lửa đạn đạo Iskander-M được Nga biên chế từ năm 2009, có khả năng tấn công các mục tiêu cỡ nhỏ và lớn ở khoảng cách hơn 500 km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại