Chuyên gia Đức: Ngộ nhận lớn khiến Tướng Haftar tưởng "dễ xơi" Tripoli nhưng lại thất bại ngay trong 24h đầu

Hồng Anh |

Theo chuyên gia Đức Wolfram Lacher, sai lầm lớn nhất của Tướng Haftar là đã phân tích sai tình hình ở Tripoli hiện nay...

Nội dung sau đây được lược dịch từ bài viết của tác giả Wolfram Lacher được đăng tải trên trang The Washington Post. Ông Lacher là một chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu về các Vấn đề An ninh và Đối ngoại Đức, chuyên tìm hiểu về các vấn đề tại Libya, khu vực Sahel (châu Phi), các cuộc xung đột vũ trang và các nhóm vũ trang.


Gần 8 năm sau cái chết của cố lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, Libya lại một lần nữa đứng trước bờ vực nội chiến đẫm máu. Lần này, người khơi mào xung đột là Tướng Khalifa Haftar - thủ lĩnh phe Benghazi (miền Đông Libya).

Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua đã tuyên bố phát động chiến dịch tấn công nhằm vào thủ đô Tripoli. Kể từ đó, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã liên tục tiến hành các cuộc không kích vào thủ đô, khiến hơn 2.000 người dân mất nhà cửa.

Kể từ khi thành lập LNA, Tướng Haftar ngày càng mở rộng và phát triển lực lượng của mình với sự hỗ trợ của nước ngoài. Hiện nay, rõ ràng ông ta cảm thấy lực lượng đã đủ hùng mạnh, thời cơ đã đủ chín muồi để phá vỡ các cuộc đàm phán về việc thành lập một chính phủ lâm thời tại Libya, và lập ra chính phủ mới bằng vũ lực.

Kế hoạch ban đầu của Haftar là đưa một lực lượng nhỏ vào Tripoli trước khi đối thủ của ông ta kịp phản ứng. Lực lượng nhỏ này sẽ có nhiệm vụ kêu gọi các nhóm vũ trang tại Tripoli và các quan chức an ninh đổi phe theo LNA, và điều này sẽ khiến phe Tripoli buộc phải khai hỏa trước ở các khu vực đông dân cư trong thủ đô.

Theo kế hoạch của Tướng Haftar, phe Tripoli sau đó sẽ buộc phải ngừng bắn trước áp lực quốc tế, tạo đà cho ông này có được chỗ đứng và quyền lực chính trị tại Hội nghị Quốc gia do Liên Hợp Quốc chủ trì, dự kiến diễn ra vào giữa tháng này.

Tuy nhiên, kế hoạch trên đã thất bại ngay trong 24 giờ đầu tiên. Thay vì chia rẽ các nhóm vũ trang ở Tây Libya, thì cuộc tấn công của phe Tướng Haftar lại càng khiến họ càng thêm đoàn kết. Ông ta đã đánh giá sai lầm động cơ của các nhóm vũ trang và khả năng có thể thuyết phục họ đổi sang phe mình.

Với tình hình hiện tại, Tướng Haftar chỉ có thể chọn cách vứt bỏ toàn bộ những gì mình có ở Tripoli, nếu không muốn đối mặt với những hậu quả thảm khốc.

Các chính phủ phương Tây có lẽ đang chờ đợi để xem liệu ông Haftar có thể đạt được thỏa thuận với các nhóm vũ trang miền Tây và chiếm được Tripoli hay không, nên phản ứng của họ trước những cuộc tấn công của LNA có phần khá chậm chạp.

Hơn nữa, mặc dù phe Benghazi khơi mào cuộc xung đột, nhưng những phát biểu đầu tiên của các nước phương Tây và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) lại kêu gọi "tất cả các phe" chấm dứt các hành động thù địch.

Và khi kế hoạch ban đầu của tướng Haftar lộ rõ kết cục thất bại, thì phía Mỹ mới bắt đầu rắn giọng hơn. Thế nhưng, Pháp - quốc gia ủng hộ Haftar trong nhiều năm qua - vẫn tiếp tục bảo vệ ông ta trước Liên minh Châu Âu (EU) và trước HĐBA LHQ (Tướng Haftar còn được cả Nga ủng hộ nữa).

Chuyên gia Đức: Ngộ nhận lớn khiến Tướng Haftar tưởng dễ xơi Tripoli nhưng lại thất bại ngay trong 24h đầu - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Reuters.

Tướng Haftar thất bại vì hầu hết "người cũ" đều đã "rửa tay gác kiếm"?

Tôi đã nghiên cứu về các nhóm vũ trang của Libya từ năm 2011, và thu thập những thông tin về họ như xuất thân, hoàn cảnh xã hội...

Có thể thấy rằng hầu hết lực lượng được phe Tripoli huy động chiến đấu chống lại những đòn tấn công vừa qua của phe Tướng Haftar không phải là những người từng tham gia vào cuộc tranh đấu giành quyền lực tại Libya kể từ sau khi chính quyền ông Gaddafi sụp đổ.

Vào năm 2011, rất nhiều nhóm vũ trang đã được thành lập từ các cộng đồng địa phương trong chiến dịch lật đổ Gaddafi, nhưng sau khi chiến dịch này kết thúc, rất nhiều chiến binh đã "gác kiếm" và trở về với cuộc sống bình thường.

Nhiều người trong số đó được nhận lương và các khoản hỗ trợ khác dưới danh nghĩa là thành viên của "đội quân trừng phạt quốc gia", nhưng chỉ một phần rất nhỏ vẫn tiếp tục hoạt động trong đơn vị này.

Hầu hết các nhóm vũ trang này được huy động lần cuối cùng vào năm 2014, khi cuộc nội chiến lần thứ hai nổ ra tại Libya. Mặc dù vậy, cũng chỉ có một bộ phận nhỏ chiến binh trở lại chiến trường, mang trong mình nỗi hoài nghi về mục đích thực sự của cuộc chiến. Khi chiến tranh kết thúc, phần lớn trong số họ đều vỡ mộng, họ cảm thấy mình đã bị các chính trị gia lợi dụng.

Trong những năm sau đó, sự chia rẽ về chính trị đã tiếp tục xuất hiện và nhân rộng tại các thành phố ở Tây Libya. Và sau trận chiến chống IS tại Sirte năm 2016, tất cả những chiến binh và chỉ huy mà tôi có cơ hội tiếp xúc đều khẳng định rằng đó là trận chiến cuối cùng của họ.

Chuyên gia Đức: Ngộ nhận lớn khiến Tướng Haftar tưởng dễ xơi Tripoli nhưng lại thất bại ngay trong 24h đầu - Ảnh 5.

Các thành viên thuộc lực lượng Misrata thuộc phe Tripoli. Ảnh: Reuters

Sự phẫn uất của các nhóm vũ trang tại Tripoli

Trong vòng 3 năm qua, hầu hết các nhóm vũ trang đều rất phẫn nộ khi chứng kiến các nhóm dân quân tranh giành quyền kiểm soát các tổ chức nhà nước ở Tripoli. Một số nhóm dân quân thậm chí còn thành lập một băng đảng ảo để giám sát việc cướp phá kho bạc nhà nước nhằm đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ chính trị gia, doanh nhân và lãnh đạo đối lập.

Tuy nhiên, rất hiếm có nhóm vũ trang nào sẵn sàng đối đầu với các lực lượng dân quân kể trên. Họ cho biết họ không thể chấp nhận bị lợi dụng một lần nữa vì mục đích chính trị, và một mực từ chối tham gia vào một cuộc chiến mới.

Đã có thời điểm các nhóm vũ trang tại khu vực Tây Libya có cái nhìn tích cực hơn về Tướng Haftar. Các quan chức quân đội miền Tây đã cùng tham dự đàm phán với đại diện của ông Haftar về chuyện hợp nhất quyền chỉ huy quân đội.

Phái viên của Haftar cũng đã liên hệ với các chỉ huy nhóm dân quân miền Đông để thỏa thuận về chỗ đứng của Tướng này tại Tripoli. Nhiều chỉ huy cho biết họ sẵn sàng chấp nhận Haftar, nếu ông ta đứng về phe dân sự.

Vì sao Haftar tin rằng kế hoạch của ông ta có cơ hội thành công?

Haftar đã dựa vào sự chia rẽ giữa các nhóm vũ trang miền Đông và chủ nghĩa cơ hội thấy rõ của các nhóm dân quân mà ông này đã quan sát được trong vòng 3 năm qua. Khi đó, các cuộc xung đột của Libya hầu như đều được quan sát qua lăng kính của nền kinh tế chiến tranh, và động lực của các bên liên quan hầu như đều là "tối đa hóa lợi nhuận".

Vì lẽ đó, các nhà ngoại giao và các nhà hoạch định chính sách thường cảnh báo rằng các lực lượng có sự gắn bó sâu sắc trong cộng đồng địa phương sẽ không dễ dàng trao quyền lực cho một nhà độc tài quân sự.

Trái với kỳ vọng đó, đòn tấn công của Tướng Haftar nhằm vào Tripoli lại không gây ra sự chia rẽ, mà lại khiến các lực lượng từng chống lại nhau tại Tây Libya đoàn kết lại. Tripoli đã chứng kiến cuộc tổng huy động lực lượng đông đảo nhất kể từ năm 2011 để đối phó với mối đe dọa cấp bách từ LNA.

Lực lượng này hầu hết đến từ thành phần dân sự. Vì không có một tổng tư lệnh, nên họ phải mất khá nhiều thời gian để huy động lực lượng và vũ khí chiến đấu. Nhưng giờ đây họ đã sẵn sàng, và về cơ bản đã thay đổi tương quan lực lượng giữa hai bên trước khi cuộc xung đột này bùng phát.

Tất nhiên không thể bỏ qua những lợi ích về vật chất. Tiền bạc cũng là động lực rất lớn đối với các chiến binh, và kho vũ khí của phe Tướng Haftar cũng là thứ rất hấp dẫn...

Giờ đây, Haftar đã mất đi lợi thế, và ông ta đang phải đối mặt với một lực lượng rất đông đảo và hùng hậu. Họ chiến đấu vì một mục đích duy nhất: đánh bật lực lượng của Tướng Haftar khỏi Tây Libya và thành trì của lực lượng này, để LNA không bao giờ có thể đe dọa Tripoli lần nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại