Nga có ủng hộ viên tướng Libya đang đánh chiếm Tripoli không?
Quân đội quốc gia Libya (LNA), do nguyên soái Haftar làm tổng tư lệnh, đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào tuần trước nhằm chiếm lĩnh thủ đô Tripoli - vốn thuộc quyền quản lý của Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Điện Kremlin ngày 5/4 khẳng định Nga không giúp đỡ lực lượng trung thành với Haftar trong cuộc xung đột phức tạp tại đất nước Bắc Phi này, và kêu gọi "tất cả các bên" hạ nhiệt căng thẳng sau khi LNA bắt đầu tấn công Tripoli.
Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thảo luận với đồng cấp Ai Cập hôm 6/4 về cuộc khủng hoảng Libya đã chỉ trích GNA tiến hành không kích nhằm vào LNA.
AFP dẫn lời chuyên gia về Trung Đông tại Moskva Alexei Malashenko cho biết, không có nghi ngờ gì về nhân vật "được lòng" Nga tại Libya.
"Nga ủng hộ Haftar. Ông ta đã đến Moskva và gặp [Bộ trưởng quốc phòng Sergei] Shoigu, ông ta còn nói được tiếng Nga," Malashenko nói với AFP, đề cập chuyến đi của Haftar tới Nga năm 2017.
Trong lúc này Moskva cần phải tỏ ra trung lập và không thể công khai chống lưng cho Haftar - ông đánh giá, nhưng Nga đã sẵn sàng đặt cán cân ngoại giao của họ về phía Haftar nếu viên tướng này thành công với chiến dịch chiếm Tripoli từ tay GNA.
"Tất cả đều phụ thuộc vào việc ông ta (Haftar) có chiếm được Tripoli hay không, và liệu có xảy ra nhiều đổ máu để đạt được chuyện đó không," Malashenko nói.
Nguyên soái Khalifa Haftar rời tòa nhà Bộ ngoại giao Nga tại Moskva, năm 2016 (Ảnh: Vasily Maximov/AFP via Getty Images)
Trước đây, Moskva là đồng minh lâu năm với nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi, trước khi ông này bị lật đổ năm 2011 và đẩy đất nước vào hỗn loạn. Khi NATO phát động chiến dịch quân sự hỗ trợ phe đối lập chống lại Gaddafi, Nga cùng với Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu quyết định can thiệp vào Libya của Hội đồng bảo an LHQ.
Trong khi phương Tây củng cố liên hệ và ủng hộ GNA, Nga cảm thấy bị "chơi xỏ" và đã chuyển sang ủng hộ Khalifa Haftar khi ông này trở lại Libya sau 20 năm lưu vong.
Haftar nhờ cậy đến sự giúp đỡ của Nga để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), khiến phương Tây lo ngại ông ta có thể đứng vào hàng ngũ các nhà cầm quyền đồng minh của Putin ở Trung Đông giống như tổng thống Syria Bashar al-Assad hay tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi.
Nguồn cung khí tài và lính đánh thuê
"Haftar có sự thân cận về ý thức hệ với Nga," theo đánh giá của chuyên gia Alexander Shumilin từ Trung tâm phân tích Xung đột Trung Đông, có trụ sở tại Moskva. "Ông ta được cung cấp vũ khí Nga và vui vẻ chấp nhận. Ông ta là người của Moskva."
Theo Moscow Times, dù bị ràng buộc bởi lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Libya, Nga vẫn có cách cung ứng vũ trang cho Haftar. Yevgeny Prigozhin, doanh nhân bí ẩn người Nga được phương Tây gán cho biệt danh "đầu bếp của Putin" được cho là có mặt trong cuộc gặp giữa Haftar với bộ trưởng quốc phòng Shoigu năm 2018.
Prigozhin và đội quân lính đánh thuê của ông ta giúp Nga thu được nhiều ảnh hưởng. Các hợp đồng chính trị được Prigozhin đưa ra để đổi lấy dịch vụ an ninh, huấn luyện tác chiến hay vũ khí. Đổi lại, Prigozhin có được quyền khai thác tài nguyên và những cơ hội khác.
Trong một động thái được cho là ngầm thể hiện sự ủng hộ với Haftar, hôm 7/4 Nga đã chặn một tuyên bố của HĐBA nhằm kêu gọi các lực lượng thân Haftar ngưng cuộc tiến công về phía Tripoli.
Tờ Nezavisimaya Gazeta đưa tin, phát ngôn viên LNA Ahmed Mismari cho hay lực lượng Haftar hoan nghênh lập trường của Moskva về vấn đề Libya, bất chấp Kremlin bác tin ủng hộ LNA. Trong khi đó, dù chưa có số liệu về những hỗ trợ cụ thể của Nga đối với Haftar, song một số hãng truyền thông phương Tây nói rằng các tay súng đánh thuê của công ty quân sự tư nhân Wagner (Nga) đã cung cấp pháo, xe tăng, máy bay không người lái và đạn dược cho quân Haftar.
Wagner Group cũng thường xuyên bị báo giới phương Tây cáo buộc là đưa lính đánh thuê tới can thiệp ở Syria hay miền Đông Ukraine.
Tướng Haftar (phải) gặp bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Moskva, ngày 23/8/2018 (Ảnh: Gulfnews)
Malashenko phân tích, Nga rất sốt sắng bảo vệ lợi ích tại Libya - nơi Moskva có được các hợp đồng bán vũ khí và các dự án dầu mỏ trị giá nhiều triệu USD từ giai đoạn trước khi Gaddafi bị lật đổ.
"Có lợi ích kinh tế ở đây: Libya đại diện cho dầu mỏ. Còn Nga đã theo đuổi [dầu mỏ] trong thời gian dài," ông Malashenko chỉ ra.
Moskva cũng được cho là đã hạ quyết tâm "tỏ rõ hiện diện" tại Libya - ông nói, sau khi nước này hỗ trợ thành công chính quyền của tổng thống Assad tại Syria và củng cố hiện diện tại một số quốc gia châu Phi.
Tương tự ở Syria, Venezuela và các nơi khác, tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng phô trương tầm ảnh hưởng quốc tế đang gia tăng của Nga - ông Malashenko nói.
"Một chiến thắng cho Haftar sẽ là tin hết sức không vui đối với Mỹ - nơi ông ta được nhìn nhận là người của Putin."
Chuyên gia quân sự người Nga, trung tướng Yuri Netkachev bình luận, "Có khả năng cao là quân đội của Haftar sẽ chiếm được Tripoli. Họ được chuẩn bị tốt hơn lực lượng của GNA. Tuy nhiên, Mỹ và công đồng quốc tế - bao gồm LHQ có thể cản bước chiến thắng này. Nga hiểu rất rõ điều đó và không khoa trương sự ủng hộ đối với LNA."
Theo Netkachev, Moskva cùng các đồng minh ở Bắc Phi kỳ vọng Haftar có thể giành được quyền lực thông qua giải pháp phi quân sự như thỏa thuận chính trị và tham gia bầu cử.
"Tất cả các phe ở Libya đều tin Moskva"
Với việc Mỹ vắng bóng trong cục diện Libya, Kremlin nhìn thấy cơ hội trở thành người tạo đột phá tại đất nước này.
Bloomberg cho hay , bên cạnh việc dành nhiều ủng hộ cho Khalifa Haftar, Moskva vẫn âm thầm xây dựng liên hệ với các đảng phái cạnh tranh khác ở Libya. Chính sách này giúp Nga hưởng lợi nhiều hơn các thế lực bên ngoài khác vốn chỉ lựa chọn ủng hộ một phe ở Libya.
Tháng 12/2018, Nga tuyên bố ủng hộ vai trò chính trị của con trai ông Gaddafi. Thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Moskva tin rằng "không ai có thể bị khước từ quyền tham gia cuộc bầu cử tổng thống tại Libya, và con trai của cố lãnh đạo Libya [Gaddafi] là Saif al-Islam cũng những người ủng hộ là một phần không thể thiếu trong lộ trình chính trị tại quốc gia này".
Ngoài ra, Nga còn dành nhiều nỗ lực ngoại giao để kết nối với chính quyền Tripoli cùng các phe quyền lực khác - bao gồm Misrata ở miền Tây. Khalifa Haftar vẫn là vị khách thường xuyên tới Moskva nhất kể từ năm 2016, song thủ tướng Fayez al-Sarraj - người đứng đầu GNA - cùng các quan chức Libya khác cũng qua lại thủ đô của Nga.
Đại diện Nga đã gặp gỡ các quan chức GNA, như bộ trưởng kinh tế Nasser el-Derssi. Ông này phát biểu tại Moskva hồi tháng 10/2018 rằng Libya muốn mua 1 triệu tấn lúa mạch của Nga và tái khởi động một dự án xây dựng đường sắt trị giá 2.8 tỉ USD.
Các tay súng lực lượng LNA trung thành với Haftar (Ảnh: AFP)
Mohamed Eljarh, đồng sáng lập tổ chức Libya Outlook for Research and Consulting có trụ sở tại phía đông Libya, phân tích rằng đối với Nga, "kịch bản tốt nhất cho họ là ủng hộ ai đó từ chính quyền cũ, bởi họ đã hiểu rõ nhau và có nhiều thập kỷ cộng tác dưới thời ông Gaddafi".
Việc trở lại vai trò "tác nhân then chốt" ở Libya sau cuộc can thiệp thành công tại Syria sẽ làm gia tăng sức mạnh của Nga trước Mỹ. Cùng với những hợp đồng tái thiết hàng tỉ USD có thể nhận được, Moskva còn có cơ hội chia phần ở những mỏ dầu lớn nhất châu Phi và thậm chí là tiềm năng có một căn cứ hải quân mới ở Tobruk, bên bờ Địa Trung Hải.
"Phương Tây đã làm mọi điều có thể để nhấn chìm [Libya] vào hỗn loạn," ông Alexander Dynkin, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế - tổ chức nghiên cứu ở Moskva giữ vai trò cố vấn chính sách đối ngoại cho Kremlin, chỉ ra. "Giờ thì tất cả các bên trong cuộc xung đột đều tin Moskva."
Đối sách của Nga nếu Haftar thất bại
Lực lượng quân đội ủng hộ GNA đã phát động chiến dịch phòng thủ có tên "Núi lửa thịnh nộ" nhằm chống lại cuộc tấn công của LNA và thề sẽ quét sạch "những lực lượng bất hợp pháp" khỏi các thành phố của Libya.
Nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện ở Libya mang lại rủi ro nhất định cho những toan tính của chính quyền ông Putin. Nhưng theo Moscow Times, ngay cả khi Khalifa Haftar thất bại trong mục tiêu giành quyền lực thì Nga cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm những nhân vật tương tự của Libya đang lưu vong khắp thế giới và đưa họ trở về.
Tờ này nhận xét, chính sách đối ngoại nước lớn "phiên bản Nga" ngày nay thể hiện ở tính khả năng: Đặt cược vào những nhân vật sẵn sàng dám đánh cược với sự cứng rắn của Moskva và những lợi ích kinh tế mơ hồ mà Nga có thể mang lại.
Rắc rối mà tướng Haftar đem lại cho Nga là ông ta không sẵn sàng thỏa hiệp với cục diện chính trị trong nước - theo lời ông Vasily Kuznetsov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo, thuộc Viện nghiên cứu phương Đông ở Moskva.
Để thể hiện nỗ lực hòa giải và ủng hộ giải pháp hòa bình do LHQ dẫn dắt, thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã điện đàm với Haftar lẫn đối thủ của ông này. Theo chuyên gia Trung Đông ở Moskva, bà Elena Suponina thì cơ hội hạ nhiệt khủng hoảng Libya "không cao nhưng vẫn có".
"Haftar chắc chắn hiểu rằng sẽ rất khó để giành thắng lợi quân sự hoàn toàn. Sẽ tốt hơn nếu ông ấy củng cố vị thế trên thực địa rồi sau đó lắng nghe những lời khuyên và tái khởi động hòa đàm," bà nói.
Andrey Kortunov, tổng giám đốc của Hội đồng Nga về Vấn đề quốc tế - cơ quan nghiên cứu do Kremlin tổ chức, cho biết chính quyền Putin nhìn nhận hành động của Haftar như "một nỗ lực chứng minh rằng ông ta là một nhân tố phải được tính đến, và có được thêm vốn liếng trao đổi".