Libya: Bên ngoài biến thành sân chơi quyền lực, bên trong huynh đệ tương tàn

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Phe ông Haftar hiện nắm giữ ưu thế nổi trội rõ rệt về quân sự. Nhưng vì còn có những tác nhân khác nữa nên nhiều khả năng chính phủ hiện tại ở Tripolis không bị lật đổ.

Bất phân thắng bại

Ở vùng ngoại ô thủ đô Tripolis của Libya, chiến sự diễn ra ác liệt giữa lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar và quân đội của chính phủ thống nhất dân tộc được LHQ công nhận và hậu thuẫn.

Tám năm kể từ khi Mỹ và Nato phát động chiến tranh lật đổ chính quyền của tổng thống Muanmar Gaddafi ở Libya lại bùng phát ở nơi đây một trận chiến rất có thể sẽ quyết định tương lai chính trị và an ninh của đất nước này, rất có thể sẽ tạo bước chuyển và bước ngoặt quyết định mới cả về quân sự lẫn chính trị, tức là cả về quyền lực nhà nước lẫn tương quan sức mạnh quân sự.

Nhưng hiện tại thật không ai ở trong cũng như ngoài Libya dám chắc Libya tới đây sẽ như thế nào.

Nếu chỉ là một trận đánh thuần tuý giữa phe của ông Haftar và phía chính phủ ở Tripolis thì việc ông Haftar thắng chỉ còn là câu hỏi về thời gian. Phe ông Haftar hiện nắm giữ ưu thế nổi trội rõ rệt về quân sự. Nhưng vì còn có những tác nhân khác nữa nên nhiều khả năng chính phủ hiện tại ở Tripolis không bị lật đổ.

Mỹ và Nato dùng chiến tranh lật đổ được thể chế chính quyền của ông Ghaddafi ở Libya nhưng không dựng nên được chính quyền thay thế có đủ khả năng vãn hồi hoà bình, an ninh và ổn định lâu bền ở Libya.

Kết quả là hiện tại ở nước này đồng thời có 2 chính phủ và 2 quốc hội cùng với rất nhiều nhóm phái sắc tộc vũ trang khác nhau và đều chống nhau. Hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc vẫn xa với đối với Libia như đối với Syria hay Yemen.

Chừng nào còn chính phủ được LHQ công nhận và ủng hộ ở Tripolis, chừng đó ông Haftar còn có ngọn cờ để tập hợp các nhóm phái sắc tộc vũ trang ở Libya cùng đối phó chính phủ ở Tripolis.

Nếu xoá sổ chính phủ này, phe cánh của ông Haftar sẽ không thể tránh khỏi phải đối địch với đa số trong những nhóm phái sắc tộc vũ trang kia, vì thế rất khó, nếu như không muốn nói là không thể bình ổn được tình hình ở Libya mà chỉ biến cuộc đối địch vũ trang này thành cuộc đối địch vũ trang khác.

Nguyên do thứ hai là không ít đối tác bên ngoài đã biến Libya thành sân cho cuộc chơi quyền lực và lợi ích chiến lược của họ. Bên trong Libya huynh đệ tương tàn như thế nào thì bên ngoài cũng dàn trận, bày binh và thủ thế để đối phó lẫn nhau và ganh đua lợi ích ở Libya như thế.

Cục diện quyền lực nhì nhằng như lâu nay ở Libya tai hại và bi hài đối với tương lai của Libya nhưng lại có lợi nhất cho họ. Nếu như một phe nào đấy ở bên trong Libya thắng thế thì ngay lập tức trạng thái cân bằng lợi ích tương đối này giữa các đối tác bên ngoài sẽ không còn nữa. Khi ấy, Libya càng thêm bất an, bất ổn và hỗn loạn mà tất cả đều bị thiệt. Bên ngoài sẽ không để cho lực lượng của ông Haftar giành thắng lợi hoàn toàn cả về quân sự lẫn chính trị.

Nguyên do thứ ba là chính phủ ở Tripolis được LHQ công nhận và ủng hộ, được không ít quốc gia trên thế giới cũng công nhận trong khi chính phủ thuộc phe ông Haftar lại không có được sự hợp pháp hoá bởi luật pháp quốc tế. Ông Haftar lật đổ một chính thể được quốc tế công nhận như thế thì làm sao có được sự công nhận của quốc tế.

Vì thế, ông Haftar tiến hành cuộc tấn công vào thủ đô Tripolis nhưng chắc chắn phải ý thức được điểm dừng bởi chỉ như thế mới có thể có được vị thế và ưu thế, vai trò và ảnh hưởng không chỉ lớn nhất mả còn lấn át trong quá trình hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Libya.

Những cuộc cạnh tranh ở Libya

Phe cánh của ông Haftar được cho là có Ai cập, Các tiểu vương quốc Ả rập, Pháp và thậm chí cả Nga đứng phía sau trong khi Mỹ, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và một vài nước khác hậu thuẫn chính phủ ở Tripolis.

Không có gì là khó hiểu khi các đối tác bên ngoài phân phe tranh giành ảnh hưởng và gây dựng vai trò ở Libya. Giữa các nước như Ai cập, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là cuộc giằng co ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo và thế giới Ả rập.

Libya: Bên ngoài biến thành sân chơi quyền lực, bên trong huynh đệ tương tàn - Ảnh 2.

Những bài viết cùng tác giả

Giữa Pháp và Italy là chuyện cọ sát lợi ích thiết thực về nguồn năng lượng ở Libya. Giữa Mỹ và Nga còn có cả cuộc ganh đua địa chiến lược ở khu vực, gắn liền với những gì xảy ra lâu nay ở nơi khác.

Ở đây cần phải phân biệt giữa ủng hộ phe ông Haftar với ủng hộ chiến dịch quân sự này của ông Haftar. Không đối tác nào ủng hộ ông Haftar tiến hành chiến dịch quân sự này cho dù lâu nay vẫn đỡ lưng cho phe ông Haftar. Chiến sự càng quyết liệt và kéo dài thì tất cả các bên ở trong hay ngoài đều càng thêm khó xử.

Ông Haftar phải xác định đúng điểm dừng. Các bên khác phải vừa bảo vệ đồng minh và đối tác của mình ở Libya vừa không để cho phía bên kia tận dụng và lợi dụng để được lợi nhiều nhất từ diễn biến mới này ở Libya.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại