* Bài viết được đăng trên báo Financial Times, thể hiện quan điểm của tác giả Peter Millett. Ông Millet từng là Đại sứ Anh tại Libya nhiệm kỳ 2015-2018.
Khi niềm hy vọng về một bước đột phá chỉ vừa mới nhen nhóm ở Libya, thì Tướng Khalifa Haftar đã phá hủy cơ hội giải quyết vấn đề của nước này: Một hội nghị quốc gia nhằm vạch ra lộ trình đưa Libya hướng tới bầu cử vốn được ấn định bắt đầu vào ngày Chủ nhật (7/4) vừa qua đã phải tạm hoãn lại, và nước này lại tiếp tục chìm trong những chia rẽ, bế tắc và hoài nghi.
Trong vòng 18 tháng qua, ông Ghassan Salamé, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về tình hình Libya đã nỗ lực chuẩn bị nền tảng cho hội nghị này. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 14-16/4 tại thành phố miền Trung Ghadames, với sự tham dự của 150 đại biểu từ tất cả đảng phái tại Libya.
Được biết, hội nghị trên được tổ chức với mục tiêu giành được sự đồng thuận của đại đa số các đại biểu tham dự về một lộ trình chính trị mới cho cuộc bầu cử năm 2019. Ngoài ra, kế hoạch về chương trình cải cách kinh tế và cải cách an ninh (cụ thể là nỗ lực giảm thiểu thiệt hại của các phiến quân) cũng nằm trong nghị trình dự định của hội nghị.
Với những nội dung trên, hội nghị được kỳ vọng sẽ giải quyết sự chia rẽ trong nội bộ Libya, qua đó thống nhất các cơ quan chính trị, quân đội và kinh tế của nước này.
Đây cũng là một nỗ lực áp dụng bài học kinh nghiệm từ quá trình dẫn tới Thỏa thuận chính trị Libya được ký kết tại Skhirat, Morocco hồi tháng 12/2015. Từ thỏa thuận này, Hội đồng Chủ tịch và Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được LHQ công nhận đã được thành lập. Tuy nhiên chính phủ GNA chưa từng được phe đối lập (phe Benghazi) ở phía Đông của nước này công nhận.
Lực lượng LNA của Tướng Haftar đã bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm vào thủ đô Tripoli từ ngày 4/4. Ảnh: Reuters.
Niềm hy vọng le lói ở Libya
Đáng ra đây sẽ là thời điểm Libya có thể phá vỡ thế bế tắc này và đạt được đột phá mới.
Thứ nhất là khác biệt trong thành phần tham gia hội nghị: Tại Skhirat chỉ có 25 người Libya tham gia đàm phán và kí kết thỏa thuận; trong khi đó hội nghị Ghadames dự kiến bao gồm mọi thành phần, từ giới chính trị, các bộ tộc, các đại biểu trong lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Thứ hai là khác biệt trong bản chất của hai hội nghị: Đàm phán ở Skhirat chỉ đơn thuần về chính trị, còn cuộc đàm phán ở Ghadames dự kiến sẽ bao quát toàn diện hơn, từ các vấn đề chính trị, kinh tế cho đến an ninh.
Ông Salamé đã cần mẫn chuẩn bị nền tảng cho hội nghị Ghadames bằng việc tổ chức hàng loạt cuộc gặp gỡ, tham vấn tại Libya và đối thoại với những nhân vật liên quan trực tiếp tới tiến trình này.
Vị này cũng đã sắp xếp cuộc gặp giữa lãnh đạo chính quyền Tripoli - Thủ tướng Fayez al-Sarraj và Tướng Haftar tại Abu Dhabi hồi tháng trước. Cuộc gặp tại Abu Dhabi đáng ra đã kết thúc bằng một thỏa thuận giữa hai bên.
Song song với các động thái trên, thì kinh tế của Libya cũng đã chứng kiến đôi chút khởi sắc. Tháng 11/2018, sản lượng dầu khai thác đã đạt 1,2 triệu thùng/ngày. Lần đầu tiên trong vài năm qua, nước này được chứng kiến thặng dư trong ngân sách trung ương từ số tiền bán dầu mỏ.
Các vấn đề về thanh khoản đã được giải quyết, và việc bổ sung ngoại hối đã giúp làm giảm tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen. Tăng trưởng kinh tế của Libya được dự báo ở mức 4% trong năm 2019. Đây rõ ràng là những dấu hiệu lạc quan đối với quốc gia này.
"Gáo nước lạnh" của Tướng Haftar
Thế nhưng Tướng Haftar lại bất ngờ tấn công Tripoli. Đầu tiên, chiến dịch này chỉ giống như một động thái nhằm giúp ông ta củng cố vị thế trước thềm hội nghị quốc gia.
Nhưng giờ đây tình thế đã khác. Tướng Haftar đã chĩa mũi vào LHQ, tiến hành tấn công vào thủ đô khi Tổng thư ký LHQ António Guterres tới Tripoli, và sau đó ông ta còn phớt lờ lời đề nghị ngừng chiến dịch tấn công Tripoli của ông Guterres, khi hai ông này gặp nhau ở Benghazi.
LHQ đã lên án cuộc tấn công nhằm vào sân bay dân sự tại Tripoli là một tội ác chiến tranh. Điều đó sẽ càng khiến việc đưa Tướng Haftar trở lại bàn đàm phán trở nên khó khăn hơn nữa.
Tác giả bài viết: Ông Peter Millett, Đại sứ Anh tại Libya nhiệm kỳ 2015-2018.
Việc quân đội của ông Haftar tấn công Tripoli đã dập tắt cơ hội đạt được đột phá tại Libya - ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ý tưởng tập hợp nhiều đại biểu thuộc các thành phần khác nhau tham gia hội nghị vẫn là phương án tốt nhất để giải quyết sự chia rẽ và bất đồng về chính trị, bộ tộc và kinh tế tại Libya.
Vậy điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới? Tướng Haftar không có cửa thắng. Mặc dù ông ta có khá nhiều sự ủng hộ ngầm tại Tripoli, nhưng lực lượng quân chính phủ GNA cũng rất mạnh.
Nếu Haftar thất bại, thì điều đó cũng không thể giải quyết được vấn đề tại Libya: Ông ta vẫn kiểm soát vùng lãnh thổ phía Đông, đa phần lãnh thổ phía Nam và hầu hết các cảng xuất dầu mỏ.
Có thể cân nhắc tới một thỏa thuận đình chiến, nhưng tình hình vẫn sẽ rất khó khăn để đưa Libya trở lại tiến trình chính trị. Ở nước này có quá nhiều hoài nghi và hận thù.
Và nếu Haftar định dùng các cơ sở khai thác dầu làm "con tin" để đổi lấy sự nhượng bộ của phe GNA, thì ông ta sẽ phá hỏng sự lạc quan duy nhất (tăng trưởng trong sản lượng dầu khai thác) tại Libya trong lúc này.
Nhằm ngăn chặn một cuộc nội chiến dai dẳng bùng phát, thì những người ủng hộ của Haftar cần thuyết phục ông ta lùi bước và trở lại bàn đàm phán. Nhưng chuyện đó cũng không hề dễ đàng.
Trong khi đó, người dân Libya vẫn đang tiếp tục phải chịu đựng.
Ta có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh tượng đáng buồn tại các thành phố và thị trấn của Libya, nơi người dân phải xếp hàng dài ở ngân hàng để lấy tiền mặt, rác chất đống trên đường phố, tình trạng cắt điện "như cơm bữa" và những tay côn đồ mang vũ khí ngang ngược trên phố xá. Họ xứng đáng được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn, thay vì xung đột triền miên như hiện tại.