Tấn công vào thủ đô Libya, Tướng Haftar đã "đánh úp" các cường quốc thế giới như thế nào?

Thi Anh |

Ngay cả các đặc phái viên vẫn liên lạc thường nhật với căn cứ của Haftar cũng không hay biết gì về ý định tấn công thủ đô Libya của ông.

Bất ngờ với cả phe hậu thuẫn

Hồi tháng trước, các nhà ngoại giao phương Tây đã ngồi suốt 3 giờ đồng hồ với tư lệnh Libya Khalifa Haftar tại thành trì của ông ở miền Đông để tìm cách thuyết phục ông không tấn công nhằm vào chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli, hai nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.

Họ hối thúc ông không đẩy Libya vào một cuộc nội chiến và nói với Haftar rằng ông có thể trở thành một lãnh đạo dân sự thành công nếu ông cam kết theo đuổi một thỏa thuận chính trị.

Tuy nhiên, Haftar - một vị tướng mạnh, vốn được giới phân tích mô tả là một Muammar Gaddafi mới - lại không mấy lưu tâm. Haftar nói rằng ông đã chuẩn bị đàm phán với Thủ tướng Libya, nhưng nếu không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực thì ông sẽ tiến vào thủ đô.

Hai tuần sau đó, ngày 4/4, Haftar điều quân từ lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tiến về phía Tripoli ngay khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang ở trong thành phố để chuẩn bị cho hội nghị hòa giải dân tộc - sự kiện mà các cố vấn của ông Guterres nghĩ rằng Haftar ủng hộ.

Tấn công vào thủ đô Libya, Tướng Haftar đã đánh úp các cường quốc thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP

Đối với các cường quốc thế giới gồm Pháp, Italy và Anh, chiến dịch quân sự của tướng Haftar - chiến dịch lớn nhất tại Libya kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 - đại diện cho 1 bước lùi lớn.

Họ đã cố gắng suốt nhiều năm để đưa Haftar vào tiến trình hòa giải chính trị nhằm bình ổn Libya, một trong những nhà sản xuất dầu khí chủ chốt của thế giới, sau gần 1 thập kỷ xung đột.

Thậm chí Ai Cập và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vốn hậu thuẫn Haftar và coi ông là thế lực chống lại người Hồi giáo ở Bắc Phi, cũng có vẻ bất ngờ trước bước tiến nhanh chóng của ông. Một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết, Paris - vốn hậu thuẫn Haftar - không hề được cảnh báo trước về cuộc tấn công.

Những lời kêu gọi kiềm chế quân sự của các nhà ngoại giao trong cuộc họp nói trên cũng tương tự như quan điểm của các đặc phái viên Liên Hợp Quốc và phương Tây, những người đã tới căn cứ của Haftar ở ngoại ô thành phố Benghazi vào những tuần trước đó.

Ngay cả các đặc phái viên vẫn liên lạc thường nhật với căn cứ của Haftar cũng không hay biết gì về ý định tấn công của ông. Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy tình hình ở Libya - và cả Haftar - nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Một số người thậm chí còn cho rằng vị tướng của Libya đã lừa gạt. "Đó chỉ là những trò điên rồ", một quan chức Liên Hợp Quốc nhắn cho Reuters khi trông thấy những binh lính đầu tiên của LNA ở Tripoli.

Một số nhà ngoại giao từng gặp Haftar vài lần - những người đã vận động chính phủ của mình bỏ qua những bình luận cứng rắn của ông - rất chán nản khi thấy Tướng Haftar kiên quyết chiếm Tripoli bằng vũ lực.

"Tôi đã phung phí gần 2 năm cho Haftar", một quan chức thường xuyên gặp gỡ Haftar nói, "Nếu hội nghị dân tộc không diễn ra thì coi như toi công".

Lập trường và bệ đỡ của Haftar

Về phần mình, Tướng Haftar vẫn luôn thể hiện sự cam kết đối với lực lượng quân đội trong chiến dịch khôi phục trật tự cho Libya và đưa ra một vài dấu hiệu về việc lãnh đạo đất nước. Tháng 2/2014, khi lần đầu tiên tuyên bố ý định của mình, Tướng Haftar đứng trước tấm bản đồ Libya và cam kết tiến hành một cuộc đảo chính.

Nhiều quốc gia phương Tây rời khỏi Libya sau cuộc xung đột ở Tripoli năm 2014, đóng cửa đại sứ quán, chấm dứt chương trình huấn luyện của NATO. Mãi tới năm 2016 họ mới quay trở lại.

Khoảng thời gian trống đó đã mở cửa cho các nước Ả Rập như Ai Cập và UAE viện trợ quân sự và huấn luyện. Các lực lượng của Haftar đã nhận được máy bay chiến đấu cùng nhiều phương tiện quân sự từ UAE.

Tấn công vào thủ đô Libya, Tướng Haftar đã đánh úp các cường quốc thế giới như thế nào? - Ảnh 2.

Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Ảnh: Reuters

Abu Dhabi còn xây dựng một căn cứ không quân ở Al Khadim, tạo điều kiện cho LNA tăng cường năng lực không quân tính tới năm 2016 (theo báo cáo của LHQ năm 2017).

Thực ra, ở thời điểm đầu của chiến dịch nhằm vào các phiến quân Hồi giáo ở Benghazi năm 2014, Haftar rất chật vật. Và đó là lúc Pháp - vốn sở hữu nhiều tài sản dầu khí ở miền Đông Libya và có mối quan hệ thân thiết với UAE, Ai Cập - đề nghị hỗ trợ. Sự giúp đỡ của Pháp đã khiến cơn sóng đảo chiều và góp phần vào chiến thắng của Haftar ở Benghazi năm 2017.

Các nước Ả Rập đã công nhận Haftar là tư lệnh quân đội của Libya được nhiều năm nhưng Pháp mới là nhân tố giúp Haftar có thêm sự công nhận của cộng đồng quốc tế khi chiến dịch của ông tiến triển.

Sau chiến thắng ở Benghazi, Haftar dần dần giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực miền Đông Libya trước khi hướng sự chú ý sang miền Nam. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công Tripoli hiện thời vẫn chưa phải canh bạc rủi ro nhất.

Haftar đã điều chuyển phần lớn lực lượng của mình về phía Tây, để lộ ra cứ địa của ông ở miền Đông. Ông gần như không thể rút lui mà không mất đi vị thế dù là với bạn hay thù.

Cuộc chiến nhằm vào thủ đô Libya vẫn đang diễn ra và hầu như không có gì là chắc chắn. Một số kênh truyền thông ủng hộ Haftar dự đoán chiến thắng trong vòng 48 giờ nhưng giao tranh chủ yếu mới chỉ xảy ra ở bên ngoài thành phố.

Trong khi đó, động thái chớp nhoáng của Haftar lại khiến các đối thủ ở miền Tây Libya, vốn không duy trì liên lạc lâu nay, trở nên đoàn kết.

Dẫu vậy, nhiều khả năng các nhân tố ủng hộ Haftar sẽ không quay lưng với ông, Jalel Harchaoui, học giả của trung tâm nghiên cứu Clingendael (Hà Lan) nhận định.

"Mặc dù không có nhà tài trợ nước ngoài nào đằng sau Haftar hài lòng với diễn biến kịch tính hiện nay nhưng họ không có lựa chọn nào ngoài tiếp tục hậu thuẫn ông ta", Harchaoui nói, "Họ đã tập trung đặt cược cho một nhân vật chủ chốt trong suốt gần nửa thập kỷ nay. Điều này không dễ mà thay đổi một sớm một chiều".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại