Bị chiến hạm NATO 'thọc' vào sân sau, dàn vũ khí Nga giương nòng

Kiệt Linh |

Tàu tấn công và trinh sát của Hạm đội Biển Đen cùng các hệ thống tên lửa ven biển của Nga đã được đặt trong tình trạng báo động khi NATO tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đen, Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (8/4) cho biết.

Theo Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ Nga, để có thể phản ứng nhanh trước các tình huống khẩn cấp, Hạm đội Biển Đen đang được triển khai và hạm đội này sẽ thực hiện một loạt các biện pháp nhằm giám sát chặt chẽ các tàu của NATO.

"Trong khu vực được xác định ở Biển Đen, các tàu trinh sát, các nhóm tàu tấn công của Hải quân Nga cùng với các hệ thống tên lửa ven bờ Bastion và Bal cũng như máy bay của hải quân đã được tung vào trực chiến", Trung tâm Chỉ huy Phòng thủ Nga cho hay.

Trung tâm của Nga cho biết, NATO hôm qua đã khai hỏa một cuộc tập trận mang tên Sea Shield-2019 (tạm dịch là Lá chắn Biển) ở khu vực tây nam Biển Đen. Các tàu và máy bay đến từ các nước thành viên NATO gồm Mỹ, Bulgari, Hy Lạp, Canada, Hà Lan, Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ đã đến tham gia vào cuộc tập trận. Gruzia và Ukraine đã cử đại diện của Lực lượng Vũ trang hai nước đến quan sát cuộc tập trận của NATO.

Một quan chức NATO hồi cuối tuần vừa rồi đã nói với hãng tin Itar Tass rằng, cuộc tập trận đang diễn ra của Nhóm Hàng hải Thường trực 2 của NATO ở Biển Đen đã "được lên kế hoạch từ lâu" và không có liên quan gì đến cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra ở Ukraine. Mục đích chính của cuộc tập trận là diễn tập các hoạt động quân sự trong khuôn khổ cuộc tập trận Sea Shield-2019.

"Trước cuộc tập trận Sea Shield 2019, Nhóm Hàng hải Thường trực 2 của NATO đã tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đen. Cuộc tập trận lần này đã được lên kế hoạch từ lâu và là cuộc tập trận hàng năm do Rumani chủ trì. 

Cả các cuộc tuần tra và các cuộc tập trận đều không có liên quan gì đến những sự kiện ở Ukraine", vị quan chức của NATO nhấn mạnh khi được phóng viên hỏi về sự trùng hợp về thời điểm giữa cuộc tập trận lần này của NATO với cuộc bầu cử ở Ukraine.

"Ba nước thành viên của chúng tôi (Rumani, Bulgari và Thổ Nhĩ Kỳ) nằm giáp biên giới với Biển Đen, và NATO thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và chiến dịch ở B iển Đen để duy trì sự răn đen và khả năng sẵn sàng đáng tin cậy", vị quan chức NATO cho hay.

Năm 2018, các tàu của Nhóm Hàng hải Thường trực 2 của NATO đã đi vào Biển Đen 3 lần để tham gia các cuộc tập trận.

Cuộc tập trận trên diễn ra vào thời điểm khi mà Nga và NATO đang đối đầu nhau gay gắt vì một loạt vấn đề. Cuộc tập trận này cũng diễn ra vào thời điểm khi Ukraine đang tiến hành bầu cử tổng thống và Kiev luôn bày tỏ sự quan ngại về việc Moscow sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử của Ukraine. Không rõ cuộc tập trận mới nhất của NATO có phải là một thông điệp răn đe mà liên minh quân sự mạnh nhất thế giới muốn nhắn gửi đến Nga hay không.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.

Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Gần đây, quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11 năm ngoái.

NATO chỉ trích Moscow về vụ bắt giữ 3 tàu của Hải quân Ukraine cùng với 24 thủy thủ Ukraine. NATO đã gây sức ép buộc Nga phải trả các tàu và thủy của Ukraine.

Tuy nhiên, Nga giữ một lập trường cứng rắn, quyết không lùi bước trước sức ép của đối thủ. Mới đây nhất, hồi tuần trước, một tòa án ở Moscow đã ra phán quyết tiếp tục giam giữ các thủy thủ của Ukraine để chờ đến phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào tháng Tư tới.

Ngoài vụ việc liên quan đến Ukraine nói trên, Nga và NATO còn đang mâu thuẫn về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung. Nga cảnh báo rằng, một chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong không gian và sẽ không khác gì việc khởi động lại chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" thời Chiến tranh Lạnh.

NATO cũng đang quan ngại về diễn biến xoay quanh Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung. NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước vì lý do Moscow tiếp tục phát triển tên lửa hạt nhân, đi ngược lại với những quy định được đưa ra trong hiệp ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại