Sự kiện định mệnh đối với nhà nước Do Thái
Cuộc bầu cử quốc hội ở Israel ngày 9/4 này đặc biệt hơn hẳn so với những lần bầu cử quốc hội trước trên nhiều phương diện và cử tri gặp nhiều khó khăn hơn những lần trước khi phải quyết định lựa chọn.
Lần đầu tiên trong 5 lần ra tranh cử đến nay, thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu phải trực tiếp đối diện với nguy cơ bị thất cử thực sự và cả khi nếu tái đắc cử thì rồi sau đấy cũng chưa biết như thế nào.
Ứng cử viên thủ tướng Benny Gantz đã trở thành đối thủ chính trị đáng gờm nhất từ trước tới nay đối với ông Netanyahu khiến cho ông Netanyahu chưa lần nào không chắc chắn đắc cử như lần này.
Phía công tố nhà nước đã bắt đầu truy cứu ông Netanyahu về tham nhũng và lạm quyền nhưng lại tuyên bố đưa ra quyết định cuối cùng sau ngày bầu cử. Vì thế, hiện không loại trừ khả năng ông Netanyahu phải hầu toà kể cả khi lại một lần nữa đắc cử thủ tướng. Những cử tri không coi trọng hàng đầu vấn đề đảm bảo an ninh đều không muốn ông Netanyahu tiếp tục cầm quyền.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "vận động tranh cử" thay cho ông Netanyahu với những quyết sách gây tranh cãi liên quan tới Israel-Palestine. Ảnh: KOBI GIDEON/GPO
Để xoay chuyển tình thế hiện khá bất lợi cho mình và tranh thủ bộ phận cử tri cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, ông Netanyahu đã tung ra con chủ bài cuối cùng là sáp nhập vùng bờ tây sông Jordan vào lãnh thổ Israel như trước đó những người tiền nhiệm đã làm với thành phố Jerusalem và cao nguyên Golan.
Kết quả thăm dò dư luận ở Israel cho thấy có tới 42% người dân Israel ủng hộ việc thôn tính vùng bờ tây sông Jordan vào lãnh thổ Israel bất chấp luật pháp quốc tế. Chiêu thức này rất có thể sẽ giúp ông Netanyahu duy trì được vị thế cầm quyền.
Bởi vì, chỉ cần trở thành đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội mới thì đảng Likud của ông Netanyahu sẽ được đề cử người vào cương vị thủ tướng để thành lập chính phủ mới và cùng lúc đó, ông Netanyahu sẽ kiếm được đối tác để thành lập chính phủ liên hiệp mới.
Cũng chưa có lần bầu cử quốc hội nào ở Israel mà phía Mỹ lại ủng hộ chính phủ và thủ tướng đương nhiệm ở Israel công khai và mạnh mẽ như lần này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận động tranh cử thay cho ông Netanyahu với những quyết sách như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về Jerusalem cũng như công nhận Israel có chủ quyền đối với cao nguyên Golan mà Israel đã chiếm đóng trái phép và sáp nhập vào lãnh thổ Israel như Jerusalem.
Phía Mỹ còn tuyên cáo là sau cuộc bầu cử quốc hội này ở Israel sẽ công bố chiến lược mới của Mỹ cho khu vực Trung Đông, bao hàm cả ý tưởng của Mỹ về giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestin mà ông Trump ngợi ca là "Thoả thuận giải pháp của thế kỷ".
Nội dung chiến lược này chưa được công bố nhưng ai cũng biết rằng nó rất có lợi cho Israel và rất bất lợi cho Palestin.
Mặc dù ai ai cũng thừa hiểu rằng chiến lược nào của ông Trump cho khu vực này rồi cũng sẽ đều bị phá sản vì tất cả những chiến lược và ý tưởng giải pháp được tất cả đưa ra trước đó đều đã bị phá sản và vì ông Trump thiên vị Israel rõ ràng đến như thế thì dẫu có đưa ra chiến lược nào đi chăng nữa thì cũng không thể được phía Palestin chấp nhận và chỉ giúp Israel cứ tiếp tục như lâu nay mà thôi.
Tương lai bỏ ngỏ của Israel và ông Netanyahu
Cuộc bầu cử quốc hội lần này mang tính định mệnh đối với tương lai của Israel vì những nguyên do sau đây:
Thứ nhất, cuộc bầu cử này là cuộc tranh giành quyền lực giữa cánh tả và cánh hữu, cực hữu, dân tộc chủ nghĩa ở Israel. Kết quả bầu cử cuối cùng rồi có như thế nào thì cũng phản ánh sự phân rẽ sâu sắc trên chính trường và trong nội bộ xã hội không giúp khắc phục sự phân cực này.
Israel bước vào thời kỳ mà sự thái quá về chính trị chứ không phải phe trung dung thắng thế. Chỉ có mỗi nỗi lo ngại về an ninh là tạo được sự đồng thuận ở đất nước này.
Nỗi lo này rất có thể giúp ông Netanyahu có được nhiệm kỳ cầm quyền thứ 5 mặc dù người dân ý thức được rằng ông Netanyahu không có năng lực giải quyết được mọi vấn đề khác đang đặt ra cho Israel. Không biết thực trạng ấy là bi hay hài đây đối với Israel ?
Thứ hai, nếu ông Netanyahu tái đắc cử lần này nữa thì nhiều khả năng - nếu như không nói là có thể chắc chắn - chính phủ Israel sẽ từ bỏ định hướng lâu nay là để cho thành lập nhà nước Palestin độc lập, tức là sẽ có điều chỉnh rất cơ bản trong quan điểm chính sách đối với Israel.
Bên ngoài, càng không thể xoá nhoà được cảm nhận là ông Netanyahu chủ trương duy trì xung khắc với Palestin chứ không muốn hoà giải thực sự với Palestin.
Duy trì xung khắc với Palestin có lợi cho người này hơn là hoà bình.
Thứ ba, ông Netanyahu tận dụng ông Trump và chính quyền hiện tại ở Mỹ để tạo nên nhiều như có thể được "sự đã rồi" về chiếm đóng trái phép và thôn tính lãnh thổ của láng giềng, cũng như trong quan hệ với Palestin vì ý thức được rằng dẫu thân Israel đến mấy thì ông Trump cũng không thể cầm quyền mãi được ở Mỹ và người kế nhiệm, bất kể thuộc đảng phái chính trị nào ở Mỹ, cũng sẽ không "nuông chiều" chính phủ Israel như hiện tại.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại