Ông Tập Cận Bình làm Lãnh tụ nhân dân: Trung Quốc ra quyết định bước ngoặt giữa "muôn trùng vây"?

Hải Võ |

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đăng tải trên trang nhất số ra ngày 25/8 vừa qua: "Lãnh tụ nhân dân yêu nhân dân".

Ông Tập Cận Bình được gọi là "lãnh tụ nhân dân"

Bài xã luận của Nhân dân Nhật báo đề cập chuyến thị sát tỉnh Cam Túc của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 8, đồng thời mô tả ông Tập là một lãnh đạo yêu quý nhân dân và được người dân quý mến.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng phát sóng phóng sự tương tự vào ngày tiếp theo.

Ông Tập Cận Bình làm Lãnh tụ nhân dân: Trung Quốc ra quyết định bước ngoặt giữa muôn trùng vây? - Ảnh 1.

Bài viết "Lãnh tụ nhân dân yêu nhân dân" (khung xanh) trên Nhân dân Nhật báo số ra ngày 25/8/2019

Nikkei Asian Review bình luận, thời điểm truyền đông nhà nước Trung Quốc đưa ra khoảng gần 10 ngày sau khi kết thúc hội nghị bí mật - được cho là diễn ra trong kỳ nghỉ hè thường niên của các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Động thái trên cho thấy dường như các lãnh đạo trong đảng Cộng sản Trung Quốc đã "bật đèn xanh" cho việc tuyên truyền hình ảnh ông Tập Cận Bình như vậy.

"Lãnh tụ nhân dân" là danh xưng từng được dành cho Mao Trạch Đông - nhà sáng lập nước CHND Trung Hoa. Mao được gọi bằng danh xưng này vào hơn 70 năm trước, trong giai đoạn hoạt động tại "thánh địa cách mạng" Diên An, tỉnh Thiểm Tây, trước khi lập quốc năm 1949. Sau này, Mao còn được xưng hô một cách cao quý hơn là "lãnh tụ vĩ đại".

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập được gắn với danh hiệu "lãnh tụ nhân dân". Vào tháng 3/2018, sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua sửa đổi hiến pháp - gồm việc hủy bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ với chủ tịch và phó chủ tịch nước Trung Quốc, các quan chức thân cận với ông Tập đã bắt đầu chiến dịch phổ biến địa vị "lãnh tụ nhân dân" của ông.

Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, ông Lật Chiến Thư phát biểu trong lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội nước này, ngày 20/3/2018: "Đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân của đảng, thống soái quân đội, lãnh tụ nhân dân được toàn đảng ủng hộ, nhân dân yêu mến; là người cầm lái của đất nước Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, là người dẫn đường của nhân dân."

Ông Tập Cận Bình làm Lãnh tụ nhân dân: Trung Quốc ra quyết định bước ngoặt giữa muôn trùng vây? - Ảnh 2.

Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư (trái) được cho là quan chức mở đầu chiến dịch xây dựng hình ảnh "lãnh tụ nhân dân" của ông Tập (Ảnh: Reuters)

Mùa hè 2018, các cơ quan truyền thông Trung Quốc bắt đầu lan truyền cụm từ "lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình" - Nikkei cho hay.

Trong sự kiện chuyên đề về Lưỡng hội của Trung Quốc - gồm kỳ họp Quốc hội và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc - hồi đầu tháng 3 năm nay, Tân Hoa Xã đã cập nhật nhan đề lớn "Hoạt động của Lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình tại Lưỡng hội".

Ngày 3/3, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải bài bình luận tiêu đề "Dưới sự dẫn dắt của Lãnh tụ nhân dân". Bài viết có đoạn, "Dưới sự dẫn dắt của Lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình, một thời đại mới vĩ đại đã ập tới! Thời đại vĩ đại sản sinh ra tư tưởng vĩ đại, tư tưởng vĩ đại dẫn lối cho dân tộc vĩ đại, và dân tộc vĩ đại cần có lãnh tụ của nhân dân".

CCTV ngày 25/3 tiếp tục lên tiếng, "Lịch sử và nhân dân đã lựa chọn Lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình. Đó là phúc lớn của đảng, đất nước, nhân dân!". Đài này bày tỏ, dưới sự lãnh đạo của "lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình cùng hàng tỉ nhân dân đoàn kết phấn đấu, chúng ta sẽ thực hiện được Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại".

Trong một xã luận khác của Nhân dân Nhật báo vào ngày 22/3, tờ này ca ngợi "đồng chí Tập Cận Bình xứng đáng là hạt nhân, thống soái quân đội, lãnh tụ nhân dân, người dẫn dắt Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, người dẫn đường của nhân dân, được toàn đảng ủng hộ, nhân dân yêu mến."

Bài viết khẳng định, việc Trung Quốc đạt được những chuyển biến lớn lao và thành tựu to lớn được công nhận "có nguyên nhân bản chất là ông Tập Cận Bình sở hữu phong thái lãnh tụ, uy quyền thống soái và năng lực hạt nhân trác việt, bất phàm".

Ông Tập Cận Bình làm Lãnh tụ nhân dân: Trung Quốc ra quyết định bước ngoặt giữa muôn trùng vây? - Ảnh 3.

Hình ảnh do Tân Hoa Xã sử dụng trong sự kiện Lưỡng hội 2019, trong đó ông Tập Cận Bình được gọi là Lãnh tụ nhân dân

Trung Quốc gắn kết nội bộ trước thềm sự kiện trọng đại

Sự xuất hiện của danh xưng "lãnh tụ nhân dân" trên trang nhất Nhân dân Nhật báo, theo Nikkei, thể hiện sự đồng thuận trong đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng nước này cần một lãnh đạo tương đương với Mao Trạch Đông để dẫn dắt cuộc chiến thương mại kéo dài trước chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump thường hành động khó lường, cũng như để giải quyết ổn thỏa tình hình phức tạp ở Hồng Kông.

"Đối với Trung Quốc, để đấu tranh trong một cuộc chiến lâu dài thì trước hết cần có sự ổn định và đoàn kết," nguồn tin của Nikkei nói.

Sự kiện chính trị lớn tiếp theo ở Trung Quốc là đại lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 vào ngày 1/10 tới.

Trong chuyến thị sát căn cứ không quân ở Cam Túc vừa qua, ông Tập yêu cầu Quân giải phóng nhân dân (PLA) xây dựng "đội quân hùng mạnh trong thời đại mới". Hoạt động này đã vén màn cuộc duyệt binh quy mô lớn sẽ diễn ra ngày 1/10 tại Bắc Kinh - sự kiện nhằm củng cố lòng tin quốc gia giữa căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.

Trong những sự kiện biểu dương lực lượng như duyệt binh, các thế hệ lão thành của ĐCSTQ, bao gồm những cựu lãnh đạo cao nhất, sẽ hiện diện trên quảng trường Thiên An Môn bên cạnh ông Tập - tương tự như cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít vào ngày 3/9/2015.

Nikkei nhận xét, trước thềm sự kiện lớn như vậy, và ban lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, việc ĐCSTQ xây dựng một mặt trận thống nhất đã trở thành thông lệ. Theo tờ này, vẫn còn sớm để nhận định bài báo của Nhân dân Nhật báo ngày 25/8 ngụ ý một sự đoàn kết trong nước nhằm ứng phó với khủng hoảng, hay là mở đầu của một thời kỳ ổn định "mang tên" ông Tập.

Ông Tập Cận Bình làm Lãnh tụ nhân dân: Trung Quốc ra quyết định bước ngoặt giữa muôn trùng vây? - Ảnh 4.

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ "tề tựu" trên quảng trường Thiên An Môn cùng ông Tập trong cuộc duyệt binh vào ngày 1/10, giống như sự kiện duyệt binh tại đây năm 2015 (Ảnh: Takaki Kashiwabara/Nikkei)

Trung Quốc bị bủa vây giữa hàng loạt vấn đề

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã leo thang gay gắt trở lại từ tháng 8. Khoảng 110 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ - gồm hàng may mặc, giày dép,... - đã bị áp thuế 15% từ ngày 1/9. Mức thuế này sẽ bị áp lên các sản phẩm như điện thoại , máy tính,... từ ngày 1/10. Sau ngày 15/12, 550 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ chịu thuế suất 15-30%.

Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế quan mới, Bắc Kinh cũng trả đũa với bằng cách áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/9 và 15/12, đồng thời làm giảm giá trị đồng nhân dân tệ nhằm giải tỏa sức ép thuế quan.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp Trưởng đặc khu Carrie Lam thông báo hồi tuần trước rằng bà chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi - đáp ứng 1 trong 5 yêu sách mà người biểu tình đưa ra.

Các vụ đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát tiếp tục diễn ra vào cuối tuần qua. Hàng chục nghìn người biểu tình đã kéo đến Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông để yêu cầu chính quyền ông Trump "hỗ trợ" và kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông đều lên tiếng phản đối "sự can thiệp từ bên ngoài" vào tình hình đặc khu này.

Vấn đề Đài Loan cũng nóng lên khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/8 duyệt hợp đồng bán 66 tiêm kích F-16V, 75 động cơ cùng trang thiết bị trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan, hai ngày sau khi ông Trump phê chuẩn thương vụ này. Bắc Kinh chỉ trích cho biết thương vụ là vi phạm trắng trợn "chính sách một Trung Quốc", làm suy yếu chủ quyền và các lợi ích an ninh của nước này.

Trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc cũng vấp phải phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế bởi những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ hồi cuối tháng 8 lần lượt ra thông cáo lên án các hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc trên biển Đông - bao gồm hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.

Nhóm E3 - gồm Đức, Pháp và Anh - bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và khả năng diễn biến làm mất an ninh và ổn định trong khu vực. Nhóm này kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển Đông "có hành động và giải pháp làm giảm căng thẳng và đóng góp vào duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực - bao gồm quyền của các nước ven biển trong vùng nước của mình cũng như quyền tự do lưu thông hàng hải, hàng không trên biển Đông".

Vào ngày 28/8 (giờ địa phương), Liên minh châu Âu (EU) cũng ra thông cáo nêu quan điểm chỉ trích những hành động đơn phương thời gian qua tại biển Đông "làm căng thẳng leo thang và làm suy hại tới môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng tới phát triển kinh tế hòa bình tại khu vực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại